Khốn khổ vì... du học theo con

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để con cái có môi trường học tập tốt hơn, gia đình em đã hai lần di cư sang Mỹ và chấp nhận cuộc sống kham khổ.
Khốn khổ vì... du học theo con
Ảnh minh họa

Em năm nay 19 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình không giàu có, nhưng điều kiện kinh tế thì hoàn toàn ổn hơn so với các bạn đồng trang lứa. Bố mẹ em năm nay đã ngoài 50, là người lao động bình thường.

Bố sống rất mẫu mực, yêu vợ, thương con và không cờ bạc rượu chè, gái gú. Bố luôn cố gắng để xây dựng một gia đình trong ấm, ngoài êm. Mẹ em kém bố 5 tuổi, ở nhà chăm sóc cho bố con từng bữa cơm, mẹ là người chu đáo, lúc nào cũng lo cho chồng, cho con, hết mực yêu thương gia đình.

Bà ngoại và gia đình các dì định cư ở bên Mỹ, nên muốn gia đình em cũng sang cùng, vừa là để gần gũi nhau và quan trọng là mọi người cho rằng nếu sang đó thì chị em em có môi trường và điều kiện học tốt hơn. Nghe lời bà và gia đình dì, bố mẹ em nộp đơn xin sang Mỹ từ năm 2002, mãi không thấy được xét hồ sơ, nhà em đã quên mất chuyện đó. Nhưng thật bất ngờ cuối năm 2012, nhà em nhận được giấy gọi đi phỏng vấn để làm thủ tục sang Mỹ.

Ngày đó, với suy nghĩ nông cạn và trẻ con, rằng sang Mỹ sẽ được hưởng cuộc sống sung túc và ở trên một đất nước vẫn được cho là thiên đường. Em đã quyết định thật nhanh chóng mà không chút lưỡng lự. Bố mẹ em cũng suy nghĩ rằng sang Mỹ có thể giúp việc học của con mình tốt hơn. Vả lại mọi người ai cũng phải tốn hàng tỷ đồng để phải du học Mỹ. Bây giờ gia đình có cơ hội thì tại sao không đi để con mình có tương lai. Sau này trở về Việt Nam còn có thể giúp được gì đó cho đất nước.

Thế là gia đình em quyết định đi phỏng vấn. Và ngay từ lần phỏng vấn đầu tiên nhà em đã được xét duyệt hồ sơ. Bên ngoại hối hả giục qua mau để kịp việc học cho hai chị em, nên gia đình em gấp rút chuẩn bị đồ đạc để đi ngay sau đó hai tháng. Khi sang đến Mỹ, gia đình em ở với bà ngoại, tháng đầu tiên ở Mỹ, mọi chuyện vẫn ổn và suôn sẻ. Tháng thứ hai bắt đầu nảy sinh xích mích và ngày càng nghiêm trọng.

Vì bố mẹ em mới sang, còn lạ lẫm, chưa kiếm được việc làm nên các dì nghĩ rằng gia đình em toàn người trẻ mà ăn bám vào bà. Bên cạnh đó, kinh tế của gia đình em lúc này cũng không còn mấy nên bị các dì khinh thường. Cả gia đình em cố gắng hết sức để bỏ ngoài tai mọi lời gièm pha của các dì. Nhưng bố mẹ em có nhiều tự trọng, đến khi không chịu đựng được, bố mẹ em quyết định quay trở về Việt Nam.

Trước lúc về, bố mẹ em có ý định để em ở lại cho các dì chăm sóc hộ, vì em cũng đã học Đại học, và có thể tự chăm sóc cho bản thân, nhưng dì một mực không chấp nhận. Cũng thật buồn là khi gia đình em về lại Việt Nam, những người hàng xóm, họ hàng lắm chuyện đã chế giễu và nói xấu rất nhiều. Gia đình em vẫn cố gắng ổn định cuộc sống từ đầu, nhưng kinh tế cũng không còn mấy.

Lúc này, bố mẹ em lại nảy sinh mâu thuẫn và cãi vã nhau, chủ yếu vì lý do con cái mất một năm học, và vì sự ứng xử tệ bạc của gia đình ngoại. Chuyện chưa kết thúc ở đây, sau khi xây nhà xong, gia đình em chỉ được ở 3 tuần thì dì em lại liên lạc về và khuyên em qua Mỹ cho việc học của con cái được ổn định, thế là một lần nữa bố mẹ em lại quyết định đi, lý do chính vẫn nghĩ đến việc học hành của con cái. Nhưng một phần cũng vì sợ những lời thị phi của thiên hạ.

Hiện tại, cuộc sống của gia đình em ở bên Mỹ vẫn không hề được cải thiện phần nào, thậm chí còn tồi tệ hơn lúc trước vì chẳng một ai quan tâm hay đả động gì đến sự có mặt trở lại của gia đình em. Em chẳng biết làm gì cho cuộc sống đang bấp bênh của mình khi mà chưa biết lái xe, chưa nói thạo tiếng Anh, và cả nhà phải phụ thuộc vào dì. Dì em nói gì là cả nhà phải nghe theo răm rắp. Thật sự bây giờ em quá mệt mỏi và không biết làm gì khi bố mẹ mình đang lao đao với một cuộc sống không ổn định như thế này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật