Cơn sốt đất nông nghiệp lan rộng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng triệu héc-ta đất ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ latinh hằng năm đang bị rơi vào tay những nhà đầu tư lớn nước ngoài. nạn nhân của nạn “chiếm đất” là những người dân địa phương và nông dân.
Cơn sốt đất nông nghiệp lan rộng
Nông dân Cambodia biểu tình phản đối Công ty Coca-Cola chiếm đất với dòng biểu ngữ Đất đai là cuộc sống của chúng tôi Không xâm phạm...

Theo số liệu ước tính của các tổ chức phi chính phủ, hàng chục triệu héc-ta đất ở các nước có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã cho thuê hoặc bán cho các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây và hàng chục triệu héc-ta vẫn đang trong quá trình đàm phán. Khi giá lương thực toàn cầu tăng lên gấp ba từ khủng hoảng lương thực năm 2007- 2008, mối quan tâm đến đất nông nghiệp rẻ mạt ngày càng trở thành một vấn đề nóng bỏng.

Săn lùng đất nông nghiệp giá rẻ

Có hơn bảy tỷ người trên trái đất nhưng có tới một tỷ người sống trong tình trạng thiếu đói và suy dinh dưỡng, 80% là ở khu vực nông thôn. Các chuyên gia ước tính có tới chín tỷ người sẽ hiện diện trên hành tinh này vào năm 2050. Dân số tăng nhanh diễn ra ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nigeria... Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính sản xuất nông nghiệp phải tăng chừng 70 % trong vòng ba thập kỷ tới để có thể cung cấp đủ lương thực cho toàn thế giới. Michael Windfuhr, Phó Chủ tịch của viện Quyền con người Đức ở Berlin nói: Lo ngại về an ninh lương thực khiến người ta quan tâm hơn đến đất trồng trọt. Mặt khác, những nhà đầu tư tư nhân ở Mỹ và phương tây, bao gồm ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các quỹ hưu trí cũng dành mối quan tâm lớn hơn cho đất nông nghiệp khi “sẵn có một nguồn vốn lớn bởi thị trường bất động sản ở Mỹ không sinh lợi như trước nữa”.

Những nền kinh tế mới nổi nằm trong số những nhà đầu tư lớn nhất vào đất đai, bởi họ phải nuôi số dân ngày một gia tăng nhanh chóng. Các nước sản xuất dầu giàu có ở vùng Vịnh Persian cũng xúc tiến việc mua hoặc thuê đất ở những vùng màu mỡ, nơi chi phí sản xuất lương thực rẻ hơn những vùng sa mạc khô cằn ở bán đảo Arabia. Những nước này thuê và mua đất ở nước ngoài hoặc qua các cơ quan của chính phủ hoặc qua công ty kinh doanh nông nghiệp bản địa. Đầu năm 2012 Al Ghurair Food, một công ty có trụ sở ở UAE cho biết họ sẽ thuê 10.000 ha ở Sudan trong 99 năm để trồng lúa mì, các ngũ cốc khác và đậu tương.

Các công ty kinh doanh nông nghiệp lớn cũng mua hàng nghìn héc-ta đất để trồng cây lương thực hay trồng cây nguyên liệu cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học. Nhiều nhà đầu tư tài chính cũng xem đất giá rẻ như một cơ hội kiếm lời qua việc dự đoán tăng giá và bán lại khi giá lên cao.

Việc chiếm đất xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu là ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi bán sa mạc. Châu Phi đứng đầu danh sách một phần bởi đất ở đây quá rẻ so với ở châu Á. Theo NGO, Chính phủ Ethiopia gần đây đã cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê bốn triệu héc-ta đất nông nghiệp với thời hạn hợp đồng lên tới 99 năm và giá thuê quá rẻ. Ở Ethiopia một héc-ta đất cho thuê với giá chỉ 1-2 USD một năm, trong khi đó ở châu Á đất đai khan hiếm hơn nó phải trị giá 100 USD hoặc hơn. Khu vực bị chiếm đất lớn thứ hai là Đông-Nam Á gồm các nước Cambodia, Laos, Philipines và Indonesia... Các nước ở Mỹ Latinh như Brazil và Argentina cũng đang là mục tiêu của “trào lưu” này.

 

Người nông dân hy vọng được hưởng lợi từ máy móc hiện đại và chuyên gia từ các nhà đầu tư nước ngoài, thực tế hoàn toàn trái ngược.

Những nghịch lý...

WB và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh những cơ hội mới được tạo ra nhờ việc đầu tư vào đất nông nghiệp ở những quốc gia nghèo nàn, lạc hậu. Các nhà đầu tư mang công nghệ mới và chuyên môn cao, mở ra khả năng nông dân học được nhiều điều hữu ích từ những phương pháp kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn này. Cơ sở hạ tầng trong khu vực cũng có thể được hưởng lợi. Đó cũng là mong muốn của dân sở tại, tuy vậy nhiều nước bán và cho thuê đất quan tâm đến việc thu được nhiều tiền hơn là phát triển ở địa phương.

Vì vậy, nghịch lý là trong khi đất nông nghiệp được đầu tư và cơ giới hóa cao độ, cho ra những vụ mùa bội thu thì bản thân người nông dân và dân bản địa vẫn đói nghèo, hầu như không được hưởng bất cứ lợi ích gì hoặc rất ít ỏi từ việc bán hay cho thuê đất. Ở nhiều nước châu Phi, đất đai do nhà nước sở hữu và chính phủ xem việc bán và cho thuê đất nông nghiệp như một cách để thu ngoại tệ. Những hợp đồng mua bán xuyên quốc gia được thương thảo trong bí mật, chỉ một vài quan chức cấp cao có liên quan và các điều khoản được giữ kín. Hậu quả là nhiều nông dân địa phương bị mất đất, buộc phải bỏ làng đi kiếm kế sinh nhai nơi khác. Đất của họ hoặc bị tịch thu hoặc bị mua với cái giá rẻ mạt gây nên bất mãn.

Trong một bài báo về chiếm dụng đất đai châu Phi ở trên tờ Observer, Ochalla - một người Ethiopia ở vùng Gambella kể chuyện một công ty Ấn Độ đến chiếm đất làng . Kết cục đất của họ bị cưỡng chế thu hồi và họ không được bồi thường chút nào cũng như cũng không có sự tư vấn nào. Bởi thế sự phản kháng của dân địa phương là dễ hiểu. Trung Quốc đã từng ký một hợp đồng với Chính phủ Philippines năm 2007 thuê 10.000 ha đất để sản xuất lương thực cho nội địa. Thông tin sau đó bị rò rỉ và bị công luận, hầu hết là nông dân phản đối kịch liệt tới mức buộc chính phủ phải đình chỉ hợp đồng. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những vụ chuyển nhượng và tranh chấp đất thường diễn ra ở các quốc gia có ít sự bảo vệ quyền sử dụng đất đối với dân bản địa”- bà Marita Wiggerhale ở tổ chức Oxfarm của Đức nói.

Một nghịch lý khác là chỉ khoảng 1/3 dự án đất đai sau khi chuyển nhượng là có liên quan đến cây lương thực, còn lại là trồng cây công nghiệp, cây làm nhiên liệu sinh học và một phần bỏ không chờ tăng giá bán lại kiếm lời. Chính vì vậy, việc chiếm dụng đất đai quy mô lớn ở những nước nghèo đói như châu Phi bị xem là càng đẩy nhanh mức nghèo đói của thế giới.

WB đang thảo luận cách thức chống lại làn sóng chiếm đất ngày càng lan rộng trên quy mô toàn cầu, điều hết sức khẩn thiết trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo. Nhưng một số ý kiến chỉ trích nói tổ chức này cũng nhúng tay vào việc chiếm dụng đất. Nhiều thương vụ đất đai được tài trợ thông qua Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) do WB sở hữu một phần. IFC có nhiệm vụ hỗ trợ khu vực tư nhân trong các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên loại đầu tư này đang “đổ thêm dầu vào lửa”. Bà Wiggerhale lấy thí dụ tình hình ở Honduras, nơi Công ty Dinant nhận 30 triệu USD từ IFC để mở rộng vùng trồng cọ dầu, nhưng tranh chấp đất đai bùng nổ với dân địa phương ở khu vực Bajo Aguan. Từ năm 2009 đến 2012, 92 người đã bị giết ở vùng này do tranh chấp. Dinant buộc phải chấm dứt các hoạt động ở Bajo Aguan Honduras năm 2012.

Hai năm trước Liên hợp quốc đã đưa ra những hướng dẫn cho các chính quyền có trách nhiệm về đầu tư nông nghiệp, công nhận quyền sử dụng đất, chế độ chuyển nhượng quyền này, cũng như việc giải quyết và phục hồi đất cho những người bị mất đất vì cưỡng chế... Tuy vậy, bởi nó chỉ là hướng dẫn tự nguyện mà không có một cơ chế ràng buộc nào, nên đến nay hiệu quả vẫn hạn chế, các chính phủ vẫn chần chừ trong việc lựa chọn thực thi nó hay không.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật