TPHCM: Đợt triều cường lớn nhất 50 năm qua - Ngập kéo dài, thiệt hại lớn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ, mức triều cường tại TPHCM chiều tối 14-11, đạt đỉnh 1,52m nên nhiều khu vực tại TPHCM bị ngập nặng và còn kéo dài trong vài ngày tới. Tình trạng ngập kéo dài sẽ khiến TP thiệt hại hàng tỷ đồng.

Tờ mờ sáng ngày 14-11, ở nhiều con hẻm ở khu vực chung cư Hạnh Phúc đường Ngô Quyền (quận 5), bến xe Chợ Lớn, vòng xoay Phú Lâm và Hùng Vương (quận 6), nước ngập vẫn chưa rút hết, bốc mùi hăng hắc rất khó chịu do đợt thủy triều lớn tối hôm trước.

Đến khoảng 16 giờ 30 chiều 14-11, triều cường vẫn tiếp tục ở mức cao, thậm chí cao hơn ngày hôm trước khiến nhiều khu dân cư ở các quận ven, ngoại thành TPHCM ngập sâu trong nước. Cụ thể tại khu vực thuộc các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Tam Bình, Linh Đông…  quận Thủ Đức vẫn còn ngập mặc dù mực nước ngoài sông đã rút. 

Vào lúc 18 giờ 30, nước ở các con rạch thuộc khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước đang mấp mé bờ bao, nhiều đoạn nước tràn qua bờ chảy vào nhà dân. Mặc dù nước trong nhà vẫn chưa rút nhưng đợt triều cường mới đã tràn vào lại.

Ông Thành, nhà ở khu vực trên - vừa xúc đất vô bao (dùng để chặn nước không cho tràn vào nhà) vừa cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến triều cường dù không vỡ bờ bao nhưng nước theo đường ống cống vẫn tràn vào nhà. Hiện tại, ông đang dùng bao đất đắp quanh nhà, phòng hờ khi bờ bao có vỡ, nhà cũng đỡ bị ngập. Nhiều nhà dân hai bên đường hay trong hẻm cũng bị ngập tới đầu gối. Các hàng quán ăn uống, kinh doanh ế ẩm chẳng có khách.

Trái ngược với hình ảnh trên là những cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng bán đắt như tôm tươi. Hàng chục chiếc ba gác chở cát đi giao không kịp, kèm theo đó là mặt hàng bao bị dùng để đựng cát chắn nước. Nước triều dâng còn gây ngập hàng loạt tuyến đường nội bộ, vườn mai, nhà dân tại khu phố 7, khu phố 8 của phường Hiệp Bình Phước. Trạm Y tế phường Hiệp Bình Phước do nước tràn vào nên phải đóng cửa.

Tại quận 12, nhiều khu vực thuộc các phường Thạnh Lộc và An Phú Đông, nước tràn vào nhà dân. Nhiều đoạn bờ bao ở khu phố 2, khu phố 3B nước tràn qua bờ bao. Theo ông Đinh Thanh Đình ở khu phố 3 phường Thạnh Lộc, nhiều nhà có con nhỏ gặp rất nhiều khó khăn khi đưa chúng đi học.  Cứ qua đợt triều cường là kèm theo đợt dịch muỗi. Nước dơ còn gây ngứa tay chân, nổi mẫn đỏ khắp người.

Không chỉ “tấn công” khu vực ngoại thành, triều cường còn đe dọa các quận nội thành vốn ít bị ngập úng. Bà Lý Xương Thảo tại đường Trần Hưng Đạo quận 5 cho biết, từ nhỏ đến nay (45 tuổi), đây là lần đầu tiên bà thấy con đường trước nhà bị ngập nặng do triều cường. Nhiều hộ dân sống tại đường Nguyễn Trãi, cùng quận, cũng hết sức ngạc nhiên vì lần đầu tiên họ thấy nước triều tràn vào nhà.

thiệt hại chưa tính hết

Tổng cộng đợt triều cường từ tối ngày 13 đến chiều tối 14-11, đã ảnh hưởng đến 7 quận – huyện (12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh), có 10 đoạn bờ bao bị bể (dài 54m) diện tích bị ngập 107 ha và tràn 19 đoạn bờ bao (dài 1.916m). Các địa phương đã tập trung giải quyết sự cố, gia cố và cơi đắp các đoạn bờ bao bị bể và tràn bờ, tiếp tục khắc phục đến chiều tối 14-11.

Ngoài ra, triều cường gây ngập 99 tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đến đi lại và sinh hoạt của nhân dân, cụ thể: quận 1 (10 tuyến), quận 2 (5 tuyến), quận 4 (6 tuyến), quận 5 (8 tuyến), quận 6 (29 tuyến), quận 7 (6 tuyến), quận 8 (8 tuyến), quận Bình Thạnh (12 tuyến), quận Bình Tân (2 tuyến), quận Phú Nhuận (2 tuyến), quận Thủ Đức (6 tuyến) và huyện Nhà Bè (5 tuyến).

Phải đảm bảo an toàn cho dân

Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố cũng tiếp tục yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và UBND các quận – huyện triển khai lực lượng phân luồng, điều hòa giao thông; cắm biển báo tại các tuyến đường, các vùng trũng, ao hồ nguy hiểm, bị ngập sâu, có thể gây ra nguy hiểm để người dân (nhất là người già, trẻ em) biết phòng, tránh, cảnh giác, hạn chế đi lại và tránh ùn tắc giao thông.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, các quận – huyện triển khai lực lượng khảo sát địa bàn bị ngập úng kéo dài để xử lý phòng chống dịch nhất là các khu dân cư, các vùng nước trũng, ao hồ bị ngập úng những ngày qua, đảm bảo vệ sinh môi trường sức khỏe cho nhân dân, tránh phát sinh, lây lan dịch bệnh.

Do triều cường vẫn còn ở mức cao trong vài ngày tới, có thể xảy ra mưa cùng thời điểm với triều cường, nên công tác tăng cường ứng trực và tập trung xử lý nhanh các sự cố tràn bờ, bể bờ bao, bơm chống ngập úng, tổ chức rà soát các vị trí xung yếu… là việc làm cấp thiết của các sở, ngành, địa phương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật