“Xã Trường Sa” trên đất lửa

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong lần về xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) để tìm hiểu về những cựu binh Gạc Ma, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy từ lãnh đạo cho đến người dân nơi đây ai ai cũng rưng rưng khi nói đến Trường Sa.
“Xã Trường Sa” trên đất lửa
Di ảnh CCB Gạc Ma Dương Văn Lê được đặt trong ngôi nhà tạm bợ, chưa có cửa.

Bởi lẽ thôn nào cũng có con em đi bộ đội ở Trường Sa. Có người nói vui “Tây Trạch là xã Trường Sa trên đất lửa Quảng Bình”.

Duyên nợ hơn 30 năm

Tây Trạch là một xã trung du nghèo khó nằm phía tây của huyện Bố Trạch. Mở đầu câu chuyện, anh Dương Thanh Luyện - xã đội trưởng xã Tây Trạch - tự hào: “Từ năm 1982 đến nay, ở xã nghèo này đã có 32 người con quê hương tình nguyện cầm súng bảo vệ tổ quốc tại Trường Sa. Vì thế, thôn nào cũng có người may mắn, vinh dự được đặt chân đến Trường Sa”. Năm 1982, khởi điểm của “xã Trường Sa" bắt đầu bằng việc 3 chàng trai trẻ là Lê Quang Trung, Hoàng Văn Thiêm và Hoàng Văn Hải (trú thôn Rẫy và thôn Chùa) được trúng tuyển, đủ điều kiện nhập ngũ để đến với Trường Sa trong niềm vui và tự hào của tất thảy người dân trong làng.

Kể từ đó, lần lượt con em trong xã được vinh dự ra Trường Sa để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Gần đây nhất là đầu năm 2014, thêm 4 chàng trai trẻ trong xã được nhập ngũ đến với Trường Sa. Xen kẽ trong từng câu chuyện, anh Luyện không giấu được niềm tự hào bởi anh cũng từng là lính Trường Sa. Xuất ngũ trở về, anh lại đóng góp sức mình để tiếp tục xây dựng và bảo vệ quê hương. Năm 1991, anh nhập ngũ cùng 8 thanh niên khác trong xã đến Trường Sa.

Ở Tây Trạch, với anh hay với dân làng, được đến với Trường Sa luôn là niềm tự hào lớn nhất trong đời. Anh Luyện cho biết, trong đợt khám sức khỏe để tuyển người ra đảo, đi cùng với anh có người chưa đủ tuổi nhưng vì nôn nóng và háo hức được phục vụ quê hương, người đó đã khai mất giấy khai sinh, sau đó khai lại tuổi từ 17 thành 19 để được đủ tuổi đi bộ đội. Ngay khi trúng tuyển, người bạn đó và anh đã cùng viết đơn xin đi bảo vệ Trường Sa. Cụ Dương Đình Oanh (86 tuổi) tự hào nói: “Nghe bọn trẻ kể về Trường Sa sau một thời gian cầm súng bảo vệ quê hương, lớp già chúng tôi cứ xem Trường Sa như là quê hương thứ hai của mình vậy”.

Gian khó đời thường
Cứ mỗi lần Tây Trạch có người đi lính Trường Sa về là bà con chòm xóm lại kéo nhau đến nhà chơi, hết lượt này đến lượt kia như nhà đang có tết. Họ gặp để được hỏi han con em mình ngoài đó thế nào, có gặp được nhau không, hay đơn giản là đi như vậy... có nhớ xóm làng không? Và thế là những chàng lính Trường Sa say sưa kể chuyện với một tình cảm thiêng liêng nhưng rất đỗi đời thường. Anh Dương Đình Lộc - Chủ tịch UBND xã Tây Trạch - nói: “Tây Trạch có duyên với Trường Sa, cũng không biết duyên phận này từ đâu ra. Nhưng với người dân nơi đây, đất nước gọi là sẵn sàng ra Trường Sa như bảo vệ chính làng mình vậy”.

Anh Luyện kể, năm nào mấy anh em đi Trường Sa cũng làm một mâm rượu nhỏ vào dịp đầu năm để cùng nhớ về Trường Sa, chén rượu đầu tiên bao giờ mấy anh em cũng rót xuống đất để tưởng nhớ những người đồng đội Trường Sa đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất quê hương. Còn với những người đã xuất ngũ như anh, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng lạc quan với cuộc sống, bởi những tháng ngày ở Trường Sa đã tôi luyện cho các anh một ý chí kiên cường trước bão táp phong ba.

Ông Dương Đình Oanh (86 tuổi) - bố CCB Gạc Ma Dương Văn Lê - ngậm ngùi nhìn bàn thờ con rồi nhớ về những ký ức huy hoàng mà người con trai đã kể với mình khi đang còn sống. Tháng 8.1985, khi vừa tròn 19 tuổi, Lê theo tiếng gọi thiêng liêng đến với Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Ông còn nhớ, đêm trước khi lên đường, cả gia đình không ai ngủ được vì háo hức, nhất là Lê. Việc Lê nhập ngũ trở thành chiến sĩ công binh thuộc C8-D3-E68 Hải quân luôn là niềm tự hào của đại gia đình ông cho đến tận bây giờ. Anh đi thực hiện nghĩa vụ đến hơn 3 năm sau mới trở về nhà trong ngày xuất ngũ tháng 10.1988. Sau khi xuất ngũ trở về, anh lấy vợ rồi sinh con.

Năm 2010, anh đã ra đi vì căn bệnh ung thư, để lại người vợ và 3 người con đang còn quá nhỏ, cháu út chưa vào lớp 1. Chủ tịch xã Dương Đình Lộc ngậm ngùi: “Những người lính trở về từ Trường Sa ở Tây Trạch hiện là những nông dân cần mẫn. Họ vẫn thường ngồi lại với nhau để kể về những ký ức hào hùng. Những câu chuyện về những ngày cầm súng bảo vệ biển đảo luôn là động lực để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trường Sa đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân Tây Trạch từ trong những việc bình thường nhất...”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật