Thời oanh liệt của Đội nữ du kích đất Củ Chi anh hùng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tháng Tư này, gần 50 năm, giờ đây gặp lại thì những ai còn, ai mất của Đội nữ du kích Củ Chi anh hùng, những người nữ du kích năm xưa vẫn nhớ như in.
Thời oanh liệt của Đội nữ du kích đất Củ Chi anh hùng
Đội nữ du kích Củ Chi năm 1968, bà Năm Suơng (bên phải) và một đội viên còn sống hôm nay

Bởi, đó là những đồng đội du kích nữ đã đồng cam, cộng khổ, cùng sống, chết, cùng ăn hầm, ngủ bụi trên từng trận đánh, cùng hàng ngàn nhiệm vụ mật báo theo dõi địch, nhằm trừng trị chúng từ đất thép Củ Chi.

Theo ông Nguyễn Văn Đột (Bảy Lợi), nguyên Bí thư Đảng ủy Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh - người phụ trách một mũi xưởng in của Nhà in Giải phóng Khu ủy trước năm 1975, cùng hoạt động tại địa bàn Củ Chi - Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ thì: Vào những ngày đầu tháng 11/1965, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đổ hàng chục vạn quân tham chiến trên toàn chiến trường miền Nam và gây ra bao nợ máu với nhân dân miền Nam, từ tình hình đó, Huyện ủy Củ Chi đã cho thành lập Đội nữ du kích huyện Củ Chi.

Lúc này, tại chiến trường Sài Gòn, chúng đã đổ những sư đoàn quân tinh nhuệ nhất, vũ khí tối tân nhất của Mỹ xuống mảnh đất Củ Chi, lập phòng tuyến thứ 2 để bảo vệ Sài Gòn và làm căn cứ, bàn đạp tấn công “tìm và diệt” Việt Cộng trên các chiến khu biên giới, trên vùng tứ giác giữa Sài Gòn và miền Đông, kể cả vùng Tam Giác Sắt tại Bến Cát, Bình Dương. Cho nên, việc lập ra Đội nữ du kích Củ Chi là một cách đánh trinh sát, lợi dụng địa bàn trong dân làm hậu cần, song đã tiến đánh rất ngoan cường vào đội hình Mỹ - ngụy. Đó là những chiến công hiển hách của các nữ du kích chỉ tuổi mới 18, đôi mươi… tại vùng đất thép Củ Chi.

Ban đầu thành lập, Đội nữ du kích Củ Chi được quy tụ có ba người là bà Nguyễn Thị Nê (Bảy Nê), Đội trưởng; bà Trần Thị Nhỡ (Út Nhỡ) - Xã đội phó xã Nhuận Đức, Củ Chi và bà Lê Thị Sương (tức bà Năm Sương), Chính trị viên Đội - lúc ấy đang tham gia đội du kích xã Trung Lập Thượng, Củ Chi. Cả ba chị em là những người giao liên mật từ các Chi bộ, Đảng bộ tại mảnh đất thép này… Lúc thành lập, bà Nguyễn Thị Nê (SN 1947) dân tộc Kinh, quê ở xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, nhập ngũ tháng 2/1964, đang là Xã đội phó xã Phú Hòa Đông và các chị em đều giống nhau là chưa có chồng.

Nữ du kích Củ Chi trong những năm kháng chiến chống Mỹ (ảnh tư liệu)

Về xã Nhuận Đức, Củ Chi, chúng tôi hỏi bà Năm Sương, tuy nay bà gần 65 tuổi rồi nhưng bà còn nhớ như in mấy chị em ngày nào trong các trận tập kích giặc. Bà cho biết: Vào những ngày đầu thành lập, bà cùng bà Bảy Nê, Út Nhỡ chia nhau đi khắp nơi để kêu gọi chị em tham gia đội du kích Củ Chi để trừng trị giặc. Và, từ sự vận động của các chị, dần dần, Đội nữ du kích Củ Chi tập hợp được gần 20 chị em và được huyện đội đưa đi huấn luyện quân sự rồi chia thành từng tổ, nhập vào các đơn vị chiến đấu ở vành đai vòng ngoài, trực tiếp đối mặt với địch ở căn cứ Đồng Dù (Tây Ninh ngày nay), cách Củ Chi chỉ vài ba chục km. Tại đây, chị em ăn ở ngay trong nhà dân, được dân nuôi làm nhiệm vụ. Dù là đội bán chủ lực, song chị em đã tập kích vào đồn, tìm cách tiêu diệt bọn địch, làm cho địch luôn phải khiếp sợ với đội du kích nữ này.

Những năm 1967-1968, Đội nữ du kích Củ Chi bắt đầu đẩy mạnh tham gia các trận chống càn, hoá trang trinh sát, xây dựng cơ sở trong lòng địch… Bà Năm Sương nhớ lại, vào đầu năm 1966, tổ 3 người gồm bà Út Nhỡ, bà Nga và bà Năm Sương nhận nhiệm vụ đánh Mỹ đi càn ở ngã ba Nhuận Đức, cách trung tâm huyện lỵ bây giờ hơn 10km. Trong trận này, ba chị em chỉ dựa vào các hầm chông, hố đinh, bãi trái - tức là trái mìn tự tạo chế từ pháo lép của địch do các chị em thu được và hệ thống địa đạo liên hoàn. Tại trận phục kích này, họ đã tiêu diệt tại chỗ 30 lính Mỹ và một xe tăng của đế quốc Mỹ.

Các nữ du kích Củ Chi những ngày cùng nhau chiến đấu

Một trận đánh khác mà Đội trưởng Bảy Nê trực tiếp chỉ huy là vào tháng 5/1967, một tổ ba người tham gia trận đánh, do Đội trưởng Bảy Nê đi trước, chỉ đạo toàn thế trận. Nhiệm vụ tổ chức giao là đánh vào Căn cứ Đồng Dù - một trong những cứ điểm mạnh của Mỹ - ngụy. Các chị phải lần lượt vượt qua 26 lớp kẽm gai bùng nhùng gắn đầy mìn cóc các loại để vào trinh sát, nắm chắc vị trí từng chiếc xe tăng, khẩu pháo của chúng tại Căn cứ Đồng Dù. Chỉ trong một đêm đầu tháng 5/1967, tổ này đã dùng mìn định hướng và thuốc nổ, tấn công tiêu diệt 50 lính Mỹ, phá hủy 7 xe tăng và 5 khẩu pháo 105 ly. Sau trận đánh, tất cả đều rút lui an toàn về căn cứ. Đây là trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, làm cho bọn địch kinh hồn bạt vía mà vẫn không biết, đó là Đội du kích nữ đã trừng trị chúng, bà Năm Sương kể lại.

Song, để có những chiến công đó, bà Năm Sương nhớ lại và rơm rớm nước mắt khi nhớ về 24 chị em trong Đội đã anh dũng hy sinh trong các trận tập kích của Đội. Nhiều người nằm xuống khi còn rất trẻ, chỉ 18 - 20, thậm chí, một vài chị em chỉ hơn 17 tuổi, hầu hết là chưa có gia đình. Đó là những mất mát mà ngày nay, các bà đã lập ra Ban Liên lạc, để hàng năm vào một ngày đáng nhớ, ngày giỗ của Đội trưởng Nguyễn Thị Nê, các chị em đều về tưởng niệm những người đã hy sinh, nhớ về những người con anh dũng đã nằm lại đất Củ Chi, Tây Ninh...

Bà Cao Thị Thu, một trong những nữ du kích Củ Chi năm xưa đang chăm sóc đàn bò sữa của gia đình

Ngày 27/10/1969, bà Nguyễn Thị Nê, Đội trưởng đã anh dũng hy sinh khi mới 22 tuổi đời. Bà là một nữ chỉ huy đầy gan dạ, dũng cảm, thông minh, đã chiến đấu và chỉ huy trên 100 trận, diệt gần 500 tên địch, trong đó có 200 lính Mỹ, phá huỷ 70 xe tăng, xe bọc thép, 5 khẩu pháo, bắn rơi 15 máy bay. Riêng bà Nê đã diệt 50 tên địch, phá huỷ 4 xe tăng, 3 khẩu pháo, làm cho kẻ thù nhiều khiếp sợ. Bà xứng đáng là Liệt sỹ Anh hùng lực lượng vũ trang mà Đảng, Nhà nước ta đã truy tặng ngày 30/8/1995.

Gần 50 năm trôi qua, các chị em trong Đội nữ du kích Củ Chi mỗi lần gặp lại cũng nhớ về những đồng chí, đồng đội nằm lại chiến trường mà không ai cầm được nước mắt…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật