Án treo vẫn lơ lửng trên đầu Diễm Hương sau quyết định bị cảnh cáo?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quyết định “tạm dừng biểu diễn” đối với Diễm Hương của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vẫn chưa được rút lại thì Cục này lại ra tiếp một văn bản gửi các Sở VH,TT&DL các tỉnh/thành phố trong cả nước “tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, hình thức chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu trước, trong và sau khi cấp phép đặc biệt với các tổ chức, cá nhân đã có hành vi vi phạm trong đó có trường hợp vi phạm của Diễm Hương”... Cách ứng xử của Cục NTBD như một bản án treo lơ lửng trên đầu Hoa hậu này!
Án treo vẫn lơ lửng trên đầu Diễm Hương sau quyết định bị cảnh cáo?
Ảnh minh họa
Sau hơn 1 tháng bị phát hiện gian dối về hôn nhân, ngày 23/4, Công ty Cổ phần Vinpearl - đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010 đã chính thức đưa ra quyết định cảnh cáo đối với Hoa hậu Diễm Hương. Đây là lần đầu tiên một Hoa hậu Việt Nam chịu án phạt này cho dù hình thức xử lý chỉ “mang tính răn đe, nhắc nhở”.
Tước vương miện không còn quan trọng

Quyết định số 48/QĐ/2014 của Công ty Cổ phần Vinpearl gửi đến Hoa hậu Diễm Hương, đồng thời gửi Bộ VH,TT&DL và Cục NTBD ghi rõ: “Cảnh cáo bà Lưu Thị Diễm Hương - Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 - vì đã có hành vi không trung thực trong việc kê khai thông tin trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đề nghị xác nhận tình trạng nhân thân và lập hồ sơ tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2012, vi phạm các quy định của Pháp Luật”. Quyết định này được dựa “trên cơ sở tiếp thu ý kiến và được sự chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, Cục NTBD, đồng thời nhận thấy rằng Hoa hậu Diễm Hương đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình và thành khẩn nhận lỗi”.

Theo Công ty Cổ phần Vinpearl thì hình thức cảnh cáo này được coi là hợp tình hợp lý đối với Diễm Hương, vì trên thực tế, các văn bản hiện tại của Bộ VH,TT&DL không có quy định nào để BTC cuộc thi có thể áp dụng đối với các thí sinh vi phạm.

Tuy nhiên, theo phân tích của các đơn vị tổ chức sự kiện thì quyết định này nhìn bề ngoài thì khá “có lợi” cho Diễm Hương nhưng chắc chắn sẽ khiến nhiều đơn vị dè dặt cân nhắc khi mời Diễm Hương tham gia. Nhất là mới đây, hôm 8/4, quyết định “tạm dừng biểu diễn” đối với  Diễm Hương của Cục NTBD vẫn chưa được rút lại thì Cục này lại ra tiếp một văn bản gửi các Sở VH,TT&DL các tỉnh/thành phố trong cả nước “tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, hình thức chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu trước, trong và sau khi cấp phép đặc biệt với các tổ chức, cá nhân đã có hành vi vi phạm trong đó có trường hợp vi phạm của Diễm Hương, nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu trong dư luận”.

Quyết định “cảnh cáo” chỉ có tác dụng hạn chế trong trường hợp các đơn vị tổ chức mời Diễm Hương tham gia trình diễn thời trang, đóng phim… Trên thực tế, các người đẹp có danh hiệu hoa hậu lại rất ít khi tham gia biểu diễn thời trang như các người mẫu mà được biết đến nhiều hơn với vai trò “khách mời danh dự” trong các sự kiện. Cát-xê họ vẫn được nhận nhưng các đơn vị không phải đưa tên họ vào danh sách xin phép tổ chức với Cục NTBD vì đúng là họ không tham gia vào hoạt động biểu diễn. Nhưng chắc chắn, các nhãn hàng sẽ dè dặt, thậm chí không dám mạo hiểm khi mời Diễm Hương làm hình ảnh đại diện, quảng cáo vì xưa nay lĩnh vực này luôn nói “không” với các nhân vật dính dáng đến scandal.

Dù vậy, theo phân tích của các đơn vị tổ chức thì dù không bị tước vương miện, không bị cấm biểu diễn nhưng với những gì đã diễn ra sau khi nói dối về tình trạng hôn nhân, Hoa hậu Diễm Hương cũng là người đã chịu khá nhiều tổn thất về tinh thần và vật chất khi bị số đông công chúng phê phán. Đó cũng được coi là một “án phạt” quá lớn với một hoa hậu. Cho nên việc tước hay không tước, cấm hay không cấm diễn chỉ còn mang tính hình thức, vì thực ra thì nó cũng đã hiện hữu bằng những tổn thất thực tế với Diễm Hương trong suốt hơn 1 tháng qua.
Bộ Tư pháp “tuýt còi” xử lý

Những tưởng câu chuyện về Hoa hậu Diễm Hương sẽ khép lại bằng quyết định cuối cùng của đơn vị tổ chức nhưng ngày 24/4, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm Pháp Luật (VBQPPL)- Bộ Tư pháp gửi văn bản đến Bộ VH,TT&DL đề nghị “xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu Cục NTBD trong việc ban hành công văn số 131”. Theo đó, Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng Công văn 131 của Cục NTBD đã “vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Việc ban hành văn bản bằng hình thức công văn với nội dung nêu trên là trái với thẩm quyền của Cục NTBD”. Đơn vị của Bộ Tư pháp cũng khẳng định, không thấy quy định nào của Pháp Luật hiện hành cho phép Cục NTBD ban hành văn bản hình thức công văn yêu cầu 63 Sở VH,TT&DL cũng như các công ty tổ chức hoạt động biểu diễn “tạm dừng”, “không được tổ chức” đối với một công dân tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đơn vị này cũng yêu cầu Cục NTBD phải thu hồi lại văn bản “tạm dừng biểu diễn” ở công văn 131 theo thỏa thuận giữa hai Cục ngày 31/3.

Phía Cục NTBD tiếp tục bảo vệ cho quan điểm của mình. Tại cuộc họp thường kỳ ở Bộ VH,TT&DL, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục khẳng định rằng: “Cục không có văn bản cấm nên không có chuyện rút. Văn bản tạm dừng là văn bản hướng dẫn về công tác nhà nước không phải là quyết định hành chính”.

Có vẻ như câu chuyện khó đi đến hồi kết khi mỗi bên đều viện dẫn những dẫn chứng để khẳng định tính hợp pháp trong các văn bản. Dù Cục Kiểm tra VBQPPL tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL làm rõ trách nhiệm của Cục NTBD nhưng trong cuộc họp báo trước đó, ông Vũ Xuân Thành - Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL đã khẳng định hoàn toàn ủng hộ các văn bản của Cục đã làm.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật