Cần 4,5 triệu tỷ đồng để làm số dự án nhà ở đã cấp phép

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Cả nước hiện có 4.000 dự án nhà ở. Nếu đầu tư tất cả các dự án này phải mất 4,5 triệu tỷ đồng. Trong khi các dự án đã cấp phép rồi cũng đang phải dừng, không có lý do gì lại cấp phép mới” – Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói.
Cần 4,5 triệu tỷ đồng để làm số dự án nhà ở đã cấp phép
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời“.

Ông Dũng là người đăng đàn trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối 27/4. Một lần nữa, câu hỏi “Chính phủ, Bộ Xây dựng có định bỏ tiền cứu thị trường BĐS” được nêu ra với người đứng đầu ngành xây dựng. Dù xu hướng thị trường gần đây có cải thiện nhưng không ít ý kiến vẫn lo ngại “liệu đã có thể yên tâm với thị trường”?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời, khi thị trường BĐS trầm lắng, đóng băng, nhiều người quan tâm và lo ngại cho thị trường này, cũng như bày tỏ những cách đánh giá khác nhau, quan điểm khác nhau là cứu, hay không cứu thị trường BĐS. Quan điểm của Bộ Xây dựng là căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam, cũng như đánh giá một cách sâu sắc các nguyên nhân gây ra những khó khăn của thị trường BĐS để kiến nghị với Chính phủ đề ra một hệ thống giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường theo hướng phải tôn trọng nguyên tắc là khắc phục “lệch pha” về cung - cầu về BĐS.

Các giải pháp cũng phải tuân thủ một nguyên tắc hết sức quan trọng khác là phải gắn việc tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS với việc thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở, tức là BĐS, nhà ở làm ra phải đến được với người dân, để người dân nghèo cũng có nhà.

Trên cơ sở đó, các hệ thống giải pháp đã được đưa ra như cơ cấu lại các dự án; các chính sách về tài khóa, thuế, tín dụng cũng như những yêu cầu đối với các chủ thể tham gia thị trường BĐS…

“Đến nay, chúng ta thấy, thị trường BĐS đã ấm lên từ cuối 2013. Đặc biệt, trong quý I và nửa đầu tháng 4/2014, giao dịch BĐS đã tăng lên gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Giá BĐS nói chung là không giảm và có nhiều nơi còn tăng lên, tồn kho BĐS giảm. Tính đến 15/4 tồn kho BĐS giảm 34,4%. Như vậy thị trường BĐS có nhiều dấu hiệu phấn khởi và chúng ta có thể lạc quan về tương lai của thị trường BĐS trong thời gian tới” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đáp.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Xây dựng cũng phân tích, đây là thị trường có diễn biến phức tạp và còn nhiều khó khăn do còn nhiều dự án mà các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện. Vì vậy, ông Dũng khẳng định, cơ quan quản lý không chủ quan mà tiếp tục theo dõi để có những giải pháp phù hợp, điều chỉnh kịp thời, làm cho thị trường phát triển đồng bộ, lành mạnh.

Một vấn đề được lật lại với Bộ trưởng Dũng: “Thị trường đã ấm lên thì sao phải dừng cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại như Bộ Xây dựng vừa đề xuất với Chính phủ?”. Vừa qua, nhiều chuyên gia đã lên tiếng “phê” đây là một biện pháp phi thị trường.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phân tích, Việt Nam đang phát triển một nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước, nghĩa là cùng một lúc, vừa phải tôn trọng các yếu tố của kinh tế thị trường, nhưng cũng không thể né tránh sự quản lý của Nhà nước để làm cho thị trường này phát triển lành mạnh. Ông Dũng chỉ rõ, trong một thời gian dài quá tôn trọng thị trường, tư tưởng thị trường hóa cả trong quá trình quản lý làm cho thị trường thị trường phát triển tự phát, theo phong trào, dẫn tới những khó khăn của thị trường BĐS trong thời gian vừa qua và nay các khó khăn vẫn đang phải tháo gỡ.

Người đứng đầu ngành xây dựng thông tin, hiện nay, cả nước có trên 4.000 dự án nhà ở, sử dụng tới 102.000 ha đất. Nếu đầu tư tất cả các dự án này phải mất khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, tạo ra gần 3 triệu căn hộ. Với khả năng của nền kinh tế hiện nay, không thể nào trong trung hạn có thể giải quyết được khối lượng các dự án lớn như vậy.

“Thực tế, nhiều dự án đã được cấp phép nhưng cũng phải dừng. Riêng TPHCM có tới 689 dự án, tương đương hơn 7.000 ha đất, Hà Nội cũng có gần 100 dự án phải dừng… Trong khi đang phải dừng các dự án đã cấp phép rồi, không có lý do gì chúng ta lại cấp phép mới” – Bộ trưởng Xây dựng giải thích.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, đề nghị dừng cấp phép mới này chỉ giới hạn trong năm 2014.

Chính sách phát triển nhà ở xã hội là một bước cụ thể hóa quan điểm phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu tăng trưởng đi đôi với phát triển, phát triển đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, phương thức thực hiện lần này không phải bao cấp như ngày trước. Lần này Nhà nước xây dựng một chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và Nhà nước hỗ trợ người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở, được mua nhà với giá thấp hơn giá thị trường, do Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuế VAT đầu ra, hỗ trợ vay tín dụng với lãi suất thấp…

Nhà ở xã hội lần này là thị trường “phi hàng hóa”- tức là các giao dịch theo cơ chế thị trường, có cung thì có cầu nhưng giá nhà thì thấp hơn giá thị trường do có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hoạt động của doanh nghiệp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật