Bán đảo Triều Tiên: Căng thẳng gia tăng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi tiến hành thử hàng loạt tên lửa tầm ngắn và tầm trung thời gian qua, những thông tin mới nhất về việc Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ tư khiến bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt.
Bán đảo Triều Tiên: Căng thẳng gia tăng
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang gia tăng hoạt động tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Những cảnh báo trên được đưa ra vào thời điểm đặc biệt, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thực hiện chuyến công du gần một tuần tới 4 quốc gia Châu Á, và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục là trọng tâm trong các cuộc gặp gỡ với những đồng minh thân thiết ở khu vực Đông Bắc Á.

Ghi nhận mới đây của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho thấy, nhiều khả năng Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ tư khi các hoạt động được tăng cường tại khu vực bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Nhận định trên được đưa ra trên cơ sở Triều Tiên đều đã từng tiến hành 3 vụ thử hạt nhân trước đó vào các năm 2006, 2009 và 2013 tại bãi thử Punggye-ri ở phía Đông bắc nước này. Căn cứ vào những thông tin có được, Hàn Quốc nhấn mạnh rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã đạt tới mức có thể giúp nước này tiến hành một vụ thử hạt nhân "vào bất kỳ thời điểm nào" nếu các nhà lãnh đạo nước này ra lệnh. Cùng với nhận định trên, kết quả phân tích ảnh vệ tinh mới đây do viện Mỹ - Triều thuộc Đại học Johns Hopkins công bố cũng cho thấy hoạt động gia tăng ở bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên. Trên trang web riêng 38North, viện này còn nhận định "đây chắc là những hoạt động liên quan tới việc chuẩn bị cho một vụ nổ".

Dù chưa có thông tin cụ thể để xác thực việc Triều Tiên sắp thử hạt nhân, thế nhưng một loạt nhận định trên đã khiến Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đặc biệt quan tâm và đặt quân đội trong tình trạng cảnh giác cao độ. Không chỉ dõi theo sát sao các hành động của Triều Tiên, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Park Geun-hye tại Seoul trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc, Tổng thống B.Obama một lần nữa hối thúc Triều Tiên tuân thủ các cam kết quốc tế. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn cũng nhất trí duy trì hợp tác chặt chẽ trong tất cả các vấn đề liên quan đến Triều Tiên nhằm đạt được mục tiêu chung của hai nước cũng như mục tiêu của cộng đồng quốc tế về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo phương thức hòa bình một cách toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Hai nhà lãnh đạo cũng nhắc lại việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã ra tuyên bố phản đối Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vì vi phạm 4 nghị quyết của HĐBA. Tổng thống B.Obama và người đồng cấp Park Geun-hye nhấn mạnh rằng, Washington và Seoul sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm thực thi trọn vẹn và minh bạch tất cả các nghị quyết của HĐBA liên quan đến Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố có thể sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các đồng minh tại Đông Bắc Á.

Ngay sau khi HĐBA LHQ lên án việc thử tên lửa, Triều Tiên đã lên tiếng cảnh báo có thể sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân "kiểu mới". Thế nhưng, việc Triều Tiên có tiến hành thử hạt nhân hay không và vào thời điểm nào đến nay vẫn là "ẩn số". Một số chuyên gia phân tích cho rằng, có thể Triều Tiên sẽ bất ngờ tiến hành vụ thử hoặc có thể đây chỉ là cách thức Bình Nhưỡng phản ứng về chuyến thăm của Tổng thống B.Obama thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, với tuyên bố sẽ bảo vệ hai đồng minh thân cận này trước các thách thức an ninh. Ngay trước thềm chuyến công du của người đứng đầu nước Mỹ, Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích khi cho đây là một động thái "nguy hiểm" làm leo thang căng thẳng quân sự và phủ "bóng đen của một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân" lên bán đảo Triều Tiên. Một số nhận định khác cho rằng, Triều Tiên chưa thể tiến hành vụ thử hạt nhân vào thời điểm hiện nay trong bối cảnh Trung Quốc, một đối tác có ảnh hưởng với Bình Nhưỡng trong đàm phán 6 bên xem việc duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một ưu tiên.

Nếu một vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên diễn ra sẽ gây trở ngại rất nhiều cho những nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân mà Trung Quốc đang thúc đẩy. Một động thái như vậy cũng sẽ tiếp tục làm căng thẳng gia tăng tại Đông Bắc Á và có thể khởi đầu cho những biện pháp trừng phạt mới, cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật