UBKT Quốc hội: Tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong năm 2014, nền kinh tế và hoạt động thương mại nói riêng sẽ đón nhận cơ hội nhiều hơn là khó khăn và thách thức; tuy nhiên tăng trưởng kinh tế khó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
UBKT Quốc hội: Tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu
Ảnh minh họa

Bản tin Kinh tế vĩ mô số 10 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố sáng 26/4 nhận định như trên.

Chủ biên báo cáo này, đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu nhận định, sau một thời gian dài biến động giữa bất ổn kinh tế vĩ mô và suy giảm kinh tế, nền kinh tế nay đã ổn định hơn do kết hợp của các nỗ lực của Chính phủ và thuận lợi từ phía thị trường quốc tế.

Việc tham gia hàng loạt các FTA, đặc biệt là TPP và FTA với EU hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường và thu hút đầu tư.

Quan trọng hơn, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng buộc Việt Nam phải tiến hành cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo là 5,71% trong năm nay và tiến dần lên mức 5,98% trong năm 2015 theo giá so sánh 2010.

Lạm phát dự kiến sẽ tăng 6,84% trong năm 2014, và tăng lên 7,08% trong năm sau.

Về vấn đề này, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Quyền viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói: “Mức lạm phát như vậy vẫn là cao. Hiện nay, có luồng ý kiến cho rằng lạm phát đã thấp, nhưng thấp so với khi nó cao, hay là so với khu vực và thế giới? Tôi nghĩ lạm phát 5% vẫn là cao, và vì thế lạm phát thấp, và ổn định vẫn phải là mục tiêu cho giai đoạn dài tới đây”.

Tỷ giá hối đoái tiếp tục được giữ ổn định với biến động giảm giá đồng Việt Nam khoảng 2%, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước.

Báo cáo khẳng định, nền kinh tế đã có bước phục hồi từ năm 2013, và phục hồi tích cực hơn trong quí 1 năm 2014.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo, ông Giàu cho rằng, hai chính sách quan trọng là tài khóa và tiền tệ không còn nhiều dư địa cho tăng trưởng.

Chính sách tiền tệ hiện nay rất khó có thể nới lỏng để hỗ trợ cho tổng cầu đang yếu do lo ngại lạm phát.

Chính sách tài khóa cũng chịu sự ràng buộc do lo ngại nợ công tăng cao và thâm hụt ngân sách. Trong năm 2013, chi trả nợ gốc gần 55,6 ngàn tỷ đồng, và lãi vay gần 48,1 ngàn tỷ đồng.

Một báo cáo gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, vẫn còn những khó khăn thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt như tổng cầu phục hồi chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp so với tiềm năng; nông nghiệp chịu áp lực giảm giá nông sản; động lực tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật