Tỷ phú Warren Buffett: Biểu tượng của nền kinh tế đang “già hóa”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự già đi của lực lượng lao động ở các nước phát triển đang báo hiệu sự “già hóa” của nền kinh tế thế giới, kéo theo tốc độ tăng trưởng chậm lại đồng thời gia tăng sự bất bình đẳng, nếu chính phủ các nước này không thay đổi chính sách ngay từ bây giờ.
Tỷ phú Warren Buffett: Biểu tượng của nền kinh tế đang “già hóa”
Tỷ phú 83 tuổi, Warren Buffett.

Tỷ phú Warren Buffett, ở tuổi 83 vẫn điều hành rất tốt hoạt động của Berkshire Hathaway (một biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ).

Và mặc dù đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway sẽ diễn ra vào ngày 3/5 tới nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Warren Buffett sẽ giao lại công việc này cho người khác vì chính ông từng tuyên bố sẽ không bao giờ nghỉ hưu.

Có thể xem Warren Buffett là hình ảnh thu nhỏ của một xu hướng nhân khẩu học nổi bật ở nhiều nước trên thế giới: những người có kỹ năng chuyên môn cao vẫn có thể tiếp tục làm việc bất chấp sự già đi của tuổi tác.

Trên thế giới, hầu như những người được giáo dục tốt có số năm làm việc ngày càng kéo dài hơn so với những người ít có tay nghề. Tại Mỹ, khoảng 65% đàn ông Mỹ trong độ tuổi 62-74 với một bằng cấp chuyên nghiệp vẫn tham gia lực lượng lao động, trong khi con số này ở những người chỉ có bằng trung học là 32%. Điều này cũng xảy ra tương tự ở Liên minh châu Âu.

Khoảng cách trên chỉ là bề nổi của một sự phân chia sâu sắc giữa những người khá giả được giáo dục tốt với những người nghèo không có tay nghề ở mọi nhóm tuổi.

Đổi mới nhanh chóng đã làm tăng thu nhập của người có tay nghề cao trong khi lại chèn ép những lao động phổ thông.

Những người lao động trí óc đang làm việc nhiều giờ hơn mỗi năm so với những người “ít chữ”.

Và trình độ cũng đang mở rộng cơ hội làm việc của họ, so với những người ít được giáo dục. Dẫn đến những hệ quả sâu sắc đối với cá nhân và xã hội.

Lao động lớn tuổi có trình độ vẫn được “trọng dụng”

Thế giới đang ở thời kỳ đỉnh cao của một sự gia tăng đáng kinh ngạc về số lượng người già, và tuổi thọ của họ cũng cao hơn bao giờ hết. Trong 20 năm tới dân số toàn cầu của những người ở độ tuổi 65 trở lên sẽ tăng gần gấp đôi, từ 600 triệu người lên 1,1 tỷ người.

Nếu như ở thế kỷ 20 những nhà quan sát cho rằng nghỉ hưu sớm sẽ làm tăng tuổi thọ của người lao động nhưng đồng thời cũng tăng thêm gánh nặng cho chế độ lương hưu thì trong thế kỷ 21 quan niệm này đã thay đổi khi xu hướng phân biệt rõ rệt giữa lao động có trình độ chuyên môn và lao động phổ thông.

Tỷ lệ việc làm đang giảm ở những người trẻ không có kỹ năng, trong khi người nhiều tuổi có tay nghề đang làm việc lâu hơn.

Sự phân chia này thể hiện rõ rệt nhất ở Mỹ, nơi những người sinh sau thế chiến II đã trải qua đào tạo đang kéo dài thời gian làm việc trong khi nhiều người trẻ tuổi ít có tay nghề đã rút khỏi lực lượng lao động.

Ở châu Âu, nhiều chính phủ đã từ bỏ chính sách khuyến khích người lao động nghỉ hưu sớm. Thay vào đó, mục tiêu tăng tuổi thọ được kết hợp với việc tăng lương hưu cho những người có nhiều đóng góp, có nghĩa là ngay cả những người khá giả cũng cần làm việc lâu hơn để có một quỹ hưu trí thoải mái.

Và như vậy, những lao động có học vấn vẫn tiếp tục nhận lương cao dù đã quá tuổi lao động vì năng suất làm việc của họ vẫn rất tốt.

Thêm vào đó, những thay đổi công nghệ góp phần củng cố thêm rằng các chuyên môn quản lý sáng tạo mà máy tính không làm được, không nhất thiết phải giảm theo tuổi tác.

“Lợi” và “hại” của xu hướng già hóa?

Tuy xu hướng này có thể khiến cho tốc độ tăng trưởng chậm lại đôi chút so với dự kiến nhưng ngân sách nhà nước sẽ tăng lên vì phần lớn những người lao động có trình độ nhận lương cao và nộp thuế trong thời gian dài.

Ở các nước phát triển với nền giáo dục tốt hơn, những người lớn tuổi sẽ cảm thấy gánh nặng tuổi tác nhẹ nhàng hơn so với những nơi như Trung Quốc, nơi mà một nửa người trong độ tuổi 50 - 64 đã không hoàn thành giáo dục tiểu học.

Ngược lại, những lao động phổ thông sẽ cảm thấy khó khăn khi tuổi già tới, dù mức lương hưu trí vẫn hấp dẫn hơn so với những người trên mức lương thấp và thất nghiệp.

Tuy nhiên, nó cũng mang lại nhiều hiệu ứng không mấy tích cực cho nền kinh tế. Ví dụ như những người già giàu có sẽ tích lũy tiết kiệm nhiều hơn, và làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng. Bất bình đẳng sẽ tăng lên và phần lớn sự giàu có cuối cùng sẽ được chuyển giao cho thế hệ tiếp theo thông qua thừa kế, tiếp tục làm cho khoảng cách giàu nghèo gia tăng.

Hiện nay, các chính phủ chưa thực sự có nhiều giải pháp để giải quyết thực trạng này. Nhưng họ có thể cân nhắc việc áp đặt thuế thừa kế cao hơn hoặc khuyến khích người già chi tiêu tiền mặt của họ chứ không phải là cất kỹ nó đi.

Bên cạnh đó, các chính phủ không nên chỉ tập trung vào phân phối lại thu nhập mà còn cần tạo cách tạo ra thu nhập bằng cách cải cách hưu trí và giáo dục.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật