Tư vấn cách giúp trẻ không bị ám ảnh, sợ hãi?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thưa BS, Bé nhà em 4 tuổi, vừa qua bé nhìn thấy bếp ga chiên cá cháy bóc khói khắp nhà, bé sợ hãi nên giờ không cho nấu ăn, luôn miệng nhắc không được nấu ăn.
Tư vấn cách giúp trẻ không bị ám ảnh, sợ hãi?
Ảnh minh họa

Khi thấy ai bật bếp ga là bé khóc la hoặc bỏ đi ra khỏi nhà. Bé đã từng bị ám ảnh nước tràn vào nhà khi trời mưa nên mỗi khi mưa sấm chớp là bé đóng cửa kín không cho mở.

Mong AloBacsi tư vấn cách giúp bé không còn bị ám ảnh, sợ hãi? Xin cảm ơn và mong hồi âm. (Minh Quân - Tiền Giang)

Chào Minh Quân,

Bé nhà em mới 4 tuổi, đầu óc bé còn non nớt nên với 2 lần trải nghiệm mạnh mẽ về lửa bốc khói do nấu ăn và nước mưa tràn vào nhà gây cho bé sự sợ hãi, hốt hoảng thật sự. Do vậy, các phản ứng sau đó của bé mà em kể trong thư vẫn được xem là trong giới hạn có thể chấp nhận được (dù có thể hơi quá mức so với các trẻ khác).

Đối với tình trạng này của bé, trước hết người nhà cần bình tĩnh nâng đỡ tâm lý cho bé. Để làm được việc này, người lớn nên giải thích nhẹ nhàng, kiên nhẫn cho bé rằng tình huống mà bé từng chứng kiến là hiếm khi xảy ra, sẽ tránh được nếu cẩn thận, đồng thời cho bé  biết rằng việc nấu ăn là cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.

Trong giai đoạn này, tạm thời nên tránh để bé chứng kiến việc nấu nướng. Thời gian “cách ly” này ngắn hay dài tùy thuộc hoàn toàn vào mức độ sợ hãi của trẻ.

Kế đến, tập cho trẻ dần thích nghi trở lại với việc chứng kiến quá trình nấu ăn từ mức độ 1 phần đến hoàn toàn. Việc tái thích nghi này phải tiến hành 1 cách kiên nhẫn, hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng của trẻ; nếu mức độ lo âu, sợ hãi ít, có thể trấn an được thì tiếp tục; nếu trẻ quá hốt hoảng, phải ngưng ngay và thực hiện lại vào lúc khác.

Tuy nhiên, một số trường hợp hoặc mức độ lo âu của trẻ nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các sinh hoạt thường ngày của trẻ, đặc biệt các hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi; có kèm theo hoặc không có sự lo lắng bất an của người thân thì nên tìm sự giúp đỡ bởi nhà chuyên môn - bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý có kinh nghiệm làm việc với trẻ em, nhằm giúp trẻ xua tan ám ảnh sợ một cách nhanh chóng và đúng hướng.

Một số trường hợp, việc điều trị bằng thuốc trong giai đoạn ngắn là cần thiết để nâng đỡ tình trạng của cháu.

Ngoài ra, các biểu hiện này xuất hiện mức độ nặng, sớm cho thấy bản thân cháu khá lo âu, dễ sợ hãi. Do đó, sau khi giải quyết được ám ảnh trước mắt, gia đình cũng cần được tư vấn để hiểu rõ các sợ hãi lo lắng của trẻ, và có cách ổn định cũng như giải quyết bản tính lo âu này, hướng tới việc hình thành một trẻ em khỏe mạnh, vô tư.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật