Nhà thiết kế 9x lăng xê khăn rằn Nam Bộ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với bộ áo dài cách điệu được tạo nên từ khăn rằn Nam Bộ, Nguyễn Quốc Thịnh đã làm “choáng” hầu hết những người có mặt trong buổi chọn người mẫu cho chương trình “Người mẫu Việt Nam 2013” diễn ra tại TPHCM. Mặc dù bị loại vì không đủ chiều cao, nhưng điều đó không làm cho anh chàng say mê khăn rằn này thất vọng, bởi Thịnh “khăn rằn” bắt đầu được nhiều người biết đến.
Nhà thiết kế 9x lăng xê khăn rằn Nam Bộ
Thịnh “khăn rằn” (trái hình) bên cạnh một khách hàng của mình.

Cái sự học là nghiêm túc

Gặp Thịnh tại một quán càphê của TPHCM, anh chàng miệng rộng, hay cười khiến hầu hết khách uống càphê quay lại nhìn, vì “ở đâu ra một người gầy gầy, có cái mái tóc vàng rực rỡ hơn cả cái nắng tháng 3 phương nam, áo quần đã khác người lại còn mang giỏ đệm (Giỏ được đan bằng cói, lát - PV)”. Theo cách lý giải của Thịnh thì Thịnh là đời đầu của thế hệ 9X nên nổi loạn một chút cũng có vẻ rất hợp thời!
Thịnh đang là sinh viên năm cuối ngành Hàn Quốc học, trường Đại học Văn Hiến TPHCM. Nói ra thì có vẻ ngành học và công việc hiện tại của Thịnh không ăn nhập gì với nhau: Học tiếng Hàn nhưng làm thời trang! Thịnh nháy mắt: “Tiếng Hàn thì mình vẫn học chăm chỉ, còn thời trang là niềm đam mê lớn nhất. Giỏi tiếng Hàn thì sau này mới đưa thời trang của mình qua xử sở Kim Chi được chứ”.

Thịnh cười: “Mình đang làm đủ công việc từ dạy kèm tiếng Hàn, stylist, tổ chức teambuilding… nhưng đam mê lớn nhất của mình vẫn là thiết kế thời trang. Cái này thì mình tự học, học “chui”, học từ các anh, chị trong nghề và học từ má mình”. Thịnh kể, hồi ở dưới quê (Cần Thơ), nhà nghèo lắm nên không có gì để chơi, trừ vải vụn, kéo, kim, chỉ do má Thịnh làm thợ may mà có. “Con bé hàng xóm có búp bê nhưng không biết may áo quần, sẵn “đồ nghề”, mình may đủ các kiểu váy áo tặng luôn. Hồi lớp 5, mình còn gom các mảnh vải vụn lớn lớn, may lại thành một cái áo “7 sắc cầu vòng” cho đứa cháu gái 4 tuổi làm cả nhà mắt tròn mắt dẹt. Thấy mình có chút năng khiếu, thỉnh thoảng má cũng chỉ cho mình cách cắt một cái áo đơn giản, cách dùng máy may, nhưng thú thực là má mình cũng không ưng lắm vì mình là con trai mà lại thích chuyện thêu thùa, may vá” - Thịnh nhớ lại.
Ngày lên TPHCM học đại học, tình cờ đi ngang qua Nhà thờ Đức Bà, Thịnh đã bị hút hồn bởi những cô người mẫu với váy áo xúng xính. Đứng ngắm hồi lâu, Thịnh đánh liều tới làm quen. “Không biết mình đã bấu vai, níu áo bao nhiêu người để làm quen, để xin cộng tác, để hỏi về nghề, có người gật đầu, nhiệt tình chỉ, có người chỉ liếc mắt nhìn rồi ngó lơ. Thôi kệ, muốn học thì phải hỏi, mà đã hỏi thì phải chấp nhận có thể không có câu trả lời” - Thịnh chia sẻ.

Đó là những ngày đầu Thịnh “dạm ngõ” thời trang chuyên nghiệp, để thỏa niềm đam mê tự tạo ra những sản phẩm thời trang của riêng mình, Thịnh tìm đến các lớp học. Không thể bỏ ngang ngành Hàn Quốc học, tài chính của bản thân cũng không cho phép có thể đăng ký học thêm một ngành học nữa, nên Thịnh tính đường học “chui”. “Mình xin lịch học của ngành thiết kế, lịch trình bày luận án tốt nghiệp của sinh viên trường Đại học Kiến trúc TPHCM để theo học, lắng nghe thuyết trình.

Từ những buổi thuyết trình, từ cách hỏi của các thầy cô, cách anh chị trình bày ý tưởng, sáng tạo… mình học được rất nhiều điều mà toàn là những điều “gan ruột” cả. Cứ như vậy, mình đi học “chui” nhiều năm liền. Thành quả bây giờ là ngoài việc có thể ngồi vào máy may và nhẹ nhàng đạp máy, mình biết thiết kế, cắt được áo, váy, hay tất cả những gì mình thích. Với mình, học ở đâu, học như thế nào không quan trọng, mà quan trọng mình có thật sự yêu thích, có theo đuổi nó một cách nghiêm túc hay không?” - Thịnh nói.

Đưa “Hương phù sa” lên thành thị
Có rất nhiều “con đường” đi, nhiều thứ để thử sức, nhưng Thịnh lại chọn thời trang khăn rằn để bắt đầu. Đây thực sự là một khu rừng hoang. Và với Thịnh sự sáng tạo là một sở thích, một cuộc thử sức với những lĩnh vực chưa có ai thử. “Điều quan trọng là mình muốn làm cái gì đó cho nơi mình sinh ra. Khi bạn mặc một chiếc áo được làm từ khăn rằn, sẽ khiến người đối diện tò mò, đặc biệt là bạn bè quốc tế. Nếu có ai hỏi, người mặc sẽ rất tự hào giới thiệu rằng chiếc khăn rằn là một nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ chúng tôi…” - Thịnh nói.

Khăn rằn dường như đã ăn sâu vào máu thịt những người con Nam Bộ nên khi ý tưởng về thời trang khăn rằn bắt đầu manh nha, Thịnh đã nhanh chóng biến nó thành hiện thực. Trong một dịp đi chiến dịch Mùa hè xanh, Thịnh được một anh lực điền tặng chiếc khăn rằn. Trên đường trở về thành phố, chiếc khăn rằn gặp gió vuột khỏi tay, bay lên như một tà áo dài. Ngay lập tức Thịnh lấy giấy bút vẽ chiếc áo dài khăn rằn đầu tiên của mình. Một tháng sau, bộ sưu tập thời trang đầu tay mang tên “Hương phù sa” lấy ý tưởng, chất liệu từ khăn rằn Nam Bộ ra đời.

Trong Hangeul Festival 2012 (Ngày hội tiếng Hàn 2012), do viện văn hóa Hàn Quốc tổ chức, “Hương phù sa” đã đoạt giải thưởng lớn. “Các bạn Hàn Quốc rất ấn tượng và thích thú với “Hương phù sa”, họ liên tục hỏi về khăn rằn, về văn hóa đặc trưng của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khởi đầu thuận lợi, từ đó mình càng quyết tâm đeo đuổi thời trang khăn rằn, đưa “Hương phù sa”, đưa nét văn hóa Nam Bộ lên tới thành thị.

Nói là làm, Thịnh bắt đầu tìm nguồn cung cấp khăn rằn, tích cực cho ra những mẫu thời trang ứng dụng như áo dài truyền thống, áo dài cách tân, sơ mi nam, nữ, đầm, váy… làm từ khăn rằn, giới thiệu đến bạn bè. Vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền, vừa sống cho đam mê, nhiều đêm Thịnh thức tới 3-4 giờ sáng để làm cho xong các đơn hàng của khách. Nhiều khách hàng đặt áo không quên kèm theo lời dặn “sắp đi nước ngoài, sắp gặp đối tác, sắp có một cuộc thi mà họ thì cần những sản phẩm độc, lạ nhưng phải thời trang, tinh tế”… khiến cho anh chàng Thịnh “khăn rằn” như được truyền thêm lửa, càng say mê sáng tạo.
“Khăn rằn có khuyết điểm là vải hơi thưa nên các mẫu ôm sát người khó thực hiện, chất liệu mỏng giúp người mặc thấy thoải mái, thoáng mát nhưng trong lúc giặt, nếu vò nhiều thì dễ bị xơ vải, màu sắc, họa tiết của khăn rằn Nam Bộ cũng đơn giản. Mỗi khăn được kết hợp từ màu trắng và một màu khác gồm màu đen, đỏ, xanh, tím. Hai màu đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn. Mỗi khăn với chiều dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40-50cm cũng là một trở ngại khi mình cắt áo. Tuy nhiên, nhược điểm là vậy nhưng một khi đã yêu thì khắc phục được hết” - Thịnh khẳng định.

Mỗi khi giao hàng cho khách, Thịnh sẽ hướng dẫn khách tỉ mỉ cách giữ gìn, bảo quản sao cho sản phẩm luôn được bền, đẹp. “Cái được nhất của khăn rằn chính là người mặc sẽ tự tin không bao giờ mặc nhầm phải hàng Trung Quốc. Là hàng thiết kế nhưng giá cả rất mềm, lại không “đụng hàng” với ai, mỗi sản phẩm mang trên mình cả một nét văn hóa Nam Bộ” - Thịnh kỳ vọng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật