Cuộc đua vào ghế Tổng thống Ai Cập: Tiềm ẩn nhiều bất ngờ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ai Cập sắp hoàn tất quá trình nhận đơn tham gia cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Ai Cập.
Cuộc đua vào ghế Tổng thống Ai Cập: Tiềm ẩn nhiều bất ngờ
Thống chế Al-Sisi- ứng cử viên nặng ký nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập.

Cho đến thời điểm hiện tại, trong số các ứng cử viên nổi lên hai nhân vật nặng ký nhất là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah Al-Sisi và Hamdine Sabani, người theo tư tưởng Nasser, từng về thứ ba trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012.

Theo luật bầu cử Ai Cập, mỗi ứng cử viên cần tối thiểu 25.000 chữ ký ủng hộ từ tất cả 27 tỉnh trong cả nước, và những người ủng hộ ông Al-Sisi nói rằng họ dễ dàng thu thập hàng trăm nghìn chữ ký như vậy vì vị thống chế này đang "rất được lòng dân". Có nhiều nhóm và phong trào chính trị đang đứng về phía ông Al-Sisi, trong đó có phong trào Tamarrod, từng chống lại Tổng thống bị truất quyền Mohamad Morsi.

Thường được so sánh với Cố Tổng thống rất được lòng dân Gamal Abdel-Nasser, ông Al-Sisi luôn thể hiện mình như "người con của thể chế quân sự". Tốt nghiệp Học viện quân sự, ông Al-Sisi đã dần leo lên được tất cả các cấp bậc cho đến khi trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ai Cập vào tháng 1-2010. Vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng này không tổ chức các cuộc mít tinh vận động cử tri và cũng không tranh luận trên đài truyền hình, mà tất cả chiến dịch vận động bầu cử của ông đều dựa vào quá khứ quân sự của mình. Ông tự coi mình là người có thể tái thiết an ninh và khôi phục trật tự ở Ai Cập.

Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng sau khi ông Mohamad Morsi đắc cử Tổng thống hồi tháng 6-2012, nhưng Thống chế Al-Sisi lại đứng về phe những người phản đối vị Tổng thống thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) này. Ngày 3-7-2013, ông đã lật đổ Tổng thống Morsi và được coi là kịp thời ngăn chặn một cuộc nội chiến. Sự can thiệp của ông Al-Sisi chống tổ chức Anh em Hồi giáo đã khiến ông rất được lòng dân, và đây sẽ là sức mạnh chính của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này.

Những người ủng hộ Tướng Al-Sisi thấy ông là một người có thể đưa Ai Cập thoát khỏi 3 năm bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế và khủ‌ng b‌ố gia tăng. Ông Al-Sisi nhận được sự ủng hộ cả về chính trị và tài chính của nhiều chế độ quân chủ ở vùng Vịnh như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Kuwait. Trong tầng lớp chính trị, ông nhận được sự ủng hộ của một bộ phận những người có tư tưởng tự do, của phong trào Tamarrod và Mặt trận cứu nguy dân tộc cũng như một số người thân chế độ cũ.

Ngoài ông Al-Sisi, ứng cử viên Hamdine Sabahi - thủ lĩnh trào lưu nhân dân, người tự coi mình là "ứng cử viên của cuộc cách mạng" - cũng là nhân vật rất được chú ý trong cuộc chạy đua vào Phủ Tổng thống Ai Cập lần này. Là gương mặt chủ chốt của phái tả Ai Cập, ông Sahabi từng chỉ trích các chế độ của cố Tổng thống A. Sadate và cựu Tổng thống Mubarak. Là nhà báo, nghị sĩ và thành viên tích cực của phong trào Kéfahya, năm 2013, ông gia nhập phong trào phản đối chế độ Morsi và cùng với Mặt trận cứu nguy dân tộc, mà ông là một trong những người sáng lập, tham gia các cuộc biểu tình chống chế độ Hồi giáo của Tổng thống Morsi.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về Ai Cập, Sabahi là ứng cử viên khó thắng cử. Cơ may của ông không lớn, nhất là khi giới trẻ luôn chỉ trích ông đã ủng hộ cuộc trấn áp những người thân của ông Morsi và đã kêu gọi quân đội hành động để tôn trọng ý nguyện của người dân trong ngày 30-6-2013, dẫn đến kết cục là Tổng thống dân cử Mosri bị quân đội truất quyền. Tuy vậy, ông Sabahi vẫn có thể trông chờ vào những lá phiếu của một bộ phận không nhỏ cử tri có cảm tình với MB, nhất là sau khi ông tuyên bố ủng hộ một tiến trình hòa giải chính trị với những người "tay không vấy máu" với điều kiện họ phải công nhận những sai lầm và chấp nhận từ bỏ B.L.

Mặc dù mọi hy vọng đang đổ dồn vào hai nhân vật trên, song cũng như bất cứ một diễn biến chính trị nào khác ở Ai Cập và các nước Trung Đông nói chung, cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 26 và 27-5 tới ở Ai Cập đương nhiên còn tiềm ẩn nhiều bất ngờ và khó đoán định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật