Hòa Bình, trường xuống cấp nghiêm trọng, cô và trò đi “lánh nạn”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vừa đi vào sử dụng được ít năm với kinh phí xây dựng vài trăm triệu đồng, nhưng Trường mầm non xã Tử Nê huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hòa Bình, trường xuống cấp nghiêm trọng, cô và trò đi “lánh nạn”
Cô và trò Trường mầm non xã Tử Nê đang phải học ở nhà đa năng của xã với nhiều khó khăn.

Hiện nay, ngôi trường đã bị sụt lún, xuất hiện những vết nứt, có chỗ chạy dài từ mái đến tận nền gạch; nhiều chỗ mặt tường rạn vỡ nhìn thấy gạch. Không còn cách nào, toàn bộ giáo viên và học sinh phải di chuyển đến học tại nhà đa năng của xã.

Với mong muốn có một ngôi trường khang trang để giúp các thầy cô giáo và các em học sinh trên địa bàn đỡ vất vả. Năm 2004, Trường mầm non xã Tử Nê được triển khai xây dựng với kinh phí khoảng 500 triệu đồng được đầu tư theo chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2004 - 2008. Đến năm 2005, ngôi trường mới khang trang, khuôn viên rộng 1.785m2 cùng bốn phòng học, một phòng bảo vệ, phòng kho, nhà bếp được đưa vào sử dụng phục vụ công tác dạy và học cho cô và trò. Sau khi chuyển về học tại ngôi trường mới sạch, đẹp cô và trò Trường mầm non xã Tử Nê vui mừng khôn xiết.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau vài năm đưa vào sử dụng đến năm học 2008 - 2009, ngôi trường này đã xuất hiện những vết nứt, nhà trường đã báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Lạc để có biện pháp xử lý. Đồng thời, cô và trò Trường mầm non xã Tử Nê phải đi học nhờ một học kỳ ở trường THCS trên địa bàn.

Sau khi nhà trường có báo cáo về những vết nứt xuất hiện trên tường các phòng học, phòng bảo vệ, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã xuống kiểm tra và xin ý kiến lãnh đạo huyện trích kinh phí khắc phục, sửa chữa. Đồng thời cử cán bộ về khảo sát, đánh giá tình hình để có phương án sửa chữa. Khắc phục tình trạng này, đơn vị thi công đã đổ bê-tông toàn bộ phần chân móng, ốp bê-tông đỡ dầm chịu lực, xử lý toàn bộ các vết nứt trên tường.

Năm học 2009 - 2010, sau khi được sửa chữa xong, cô và trò trở lại trường bắt đầu năm học mới. Nhưng đến gần hết năm học 2012 - 2013 những vết nứt tiếp tục xuất hiện và có xu hướng nghiêm trọng hơn. Để tránh bỏ dở năm học, cô và trò Trường mầm non xã Tử Nê “đành liều” học nốt tháng cuối cùng trước khi nghỉ hè.

Do bị xuống cấp nghiêm trọng, nên hiện nay Trường mầm non xã Tử Nê với kinh phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng đang bị bỏ không.

Trao đổi với phóng viên NDĐT, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tử Nê Bùi Thị Dậu cho biết, hiện nay ngôi trường đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Bốn phòng học đều bị nứt ở góc tường; phòng kho, phòng bếp cũng xuất hiện những vết nứt. Nghiêm trọng nhất là phòng bảo vệ với diện tích hơn 10m2 nhưng vết nứt xuất hiện chằng chịt như mạng nhện. Có chỗ vôi tróc ra nhìn thấy gạch bên trong. Nhiều vết nứt từ 2-3cm xuất hiện từ phần mái xuống chân xé toác tường nhìn xuyên qua bên kia. Bức tường bị nghiêng về phía ta-luy dương.

“Đến năm học 2013-2014 này, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trường chúng tôi phải di chuyển đến nhà đa năng của xã để học. Điều đáng nói đây là lần thứ hai trong vòng ít năm cô và trò nhà trưởng phải đi “lánh nạn”. Tuy nhiên, do là nhà đa năng chuyên phục vụ việc thi đấu thể dục, thể thao nên việc dạy và học của cô và trò gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù nhà đa năng khá to và rộng nhưng nhà vệ sinh lại được xây dựng tạm bợ, không có phòng bếp, phòng hiệu bộ. Vì vậy, nơi làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên phải quây bằng những chiếc bàn, tủ ở một góc riêng rất bất tiện. Hơn nữa, việc tổ chức sinh hoạt, vệ sinh, ăn uống cho các cháu vô cùng khó khăn, nhà trường đành phải nhờ vào sự giúp đỡ của các hộ dân chung quanh.

Mặt khác, do là nhà thi đấu đa năng lên rất kín, không có cửa sổ, phần mái được lợp bằng tôn. Do đó, nếu vào mùa đông thì mặc ấm cho các cháu là được. Nhưng mùa nắng nóng sắp đến, với 90 học sinh học bán trú cùng 17 cán bộ, giáo viên, nhân viên chúng tôi không biết xoay sở như thế nào để bảo đảm sức khỏe cho các cháu”. Hiệu trưởng Bùi Thị Dậu chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân dẫn đến nứt, sụt nghiêm trọng tại Trường mầm non xã Tử Nê, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Lạc, Trần Văn An cho biết, toàn bộ diện tích của trường được xây dựng trên nền đất san ủi từ một phần quả đồi thuộc xóm II, xã Tử Nê. Vậy có thể thấy đây là khu vực đất tốt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành thăm dò và lấy mẫu đất phân tích cho thấy địa từng khu vực chia thành hai lớp. Trong đó lớp một thành phần đất sét nâu vàng, đốm đỏ trạng thái cứng. Lớp này sức chịu tải rất tốt cho việc đặt móng xây dựng nhà cao tầng. Lớp hai cũng có sức chịu tải rất cao và bảo đảm cho việc đặt móng xây dựng nhà cao tầng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đất ở đây khá kỳ lạ, nếu trời nắng sẽ khô như đá, nhưng trời mưa lại nhão như bùn. Có thể đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt, nứt nghiêm trọng tại Trường mầm non xã Tử Nê.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tại sao đất ở những gia đình chung quanh không bị sụt, nứt nhà mà lại chỉ xảy ra ở Trường mầm non xã Tử Nê. Vậy, ngoài những nguyên nhân về địa tầng thì còn có nguyên nhân là do chất lượng công trình? Để trả lời câu hỏi này, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn để tìm ra nguyên nhân xác đáng, tránh lãng phí hàng trăm triệu đồng đầu tư nhưng sử dụng thì không được bao nhiêu.

Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Lạc Trần Văn An thì để khắc phục tình trạng học sinh phải đi học nhờ huyện cũng đã triển khai xây dựng một trường mầm non khác quy mô hơn dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, để bảo đảm cho việc dạy, học của cô và trò từ nay đến khi ngôi trường mới đi vào sử dụng thì Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tìm nguồn kinh phí, phối hợp địa phương đầu tư nhà vệ sinh, phòng bếp, nơi làm việc cho cô và trò Trường mầm non xã Tử Nê trong thời gian tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật