Dạy con cũng phải lúc cương, lúc nhu...

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Con gái và con trai, đứa 10 tuổi, đứa 8 tuổi nhưng chị Nguyễn Hải My, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chưa một lần phát đít hay cầm roi đánh con những lúc con mắc lỗi.
Dạy con cũng phải lúc cương, lúc nhu...
Ảnh minh họa

Quan điểm của chị là không dùng roi vọt để dạy con, mà là dạy con bằng lời nói, bằng sự mềm mại…

Trước mắt mẹ, các con của chị My rất ngoan nhưng chị ngạc nhiên khi nghe nhiều người cùng khu nhắc nhở rằng con chị ương bướng, khó bảo, thậm chí có phần hơi xấc láo. Có lần, chị nghe lén được cậu con trai của chị rủ bạn cùng khu chơi điện tử ngoài quán internet, cậu bé kia từ chối với lý do: “Sợ mẹ phát hiện và đánh” thì con chị gọn lỏn: “Tớ chả sợ. Mẹ tớ chưa đánh tớ bao giờ…”. Sau buổi đó, chị My gọi con lại và tiếp tục chỉnh con bằng lời nói. Chị thấy con im lặng rồi đáp: “Vâng ạ” rất ngoan. Con tiếp thu tốt vậy thì không có lý gì để chị nghĩ rằng con mình ương bướng như người ngoài nói!

Chị My cho hay: “Mình chưa bao giờ đánh con, nói đúng hơn là không dám đánh con. Mình sợ đánh con sẽ trở thành một thói quen và mỗi khi cáu giận lại dùng roi vọt để xử lý, như vậy không phải là cách hay. Nó chẳng khác nào những ông bố bà mẹ quen mồm, lúc cáu là xổ ra tất cả những ngôn ngữ tục tằn với con mình, mục đích để thỏa giận và để con… sợ. Nhưng thực tế đâu phải vậy, các cháu nhỏ cũng có suy nghĩ và tâm hồn của các cháu. Làm các cháu tổn thương, tình cảm của các cháu sẽ trơ cứng, dễ vô cảm và học theo cách xử sự của bố mẹ. Đánh con, chửi con đều không có trong từ điển dạy con của mình”.

Tuy thế, chị My cũng phải thừa nhận: “Chỉ dùng lời nói với trẻ con có lúc cũng thấy không hiệu quả thật sự. Có lúc con bướng bỉnh, nói mãi nó không chịu nghe mà đánh thì không dám nên nó cũng lèo nhèo sinh hư. Như lúc  bé chơi điện tử nhiều, mẹ bảo dừng lại nhưng bé ham quá chơi nốt ván này rồi lại đến ván khác; hoặc có khi con mè nheo, khóc lóc, mẹ dỗ dành nó cũng không chịu nín, còn ỉ ôi lâu…”. Thực tế chị My thấy ức chế vì sự “không dám” của mình cũng không phải ít lần… Chị đang tính thay đổi cách dạy dỗ con, tức là thỉnh thoảng vẫn dùng roi vọt với con nhưng chưa thực hiện được lần nào.

Anh Nguyễn Huy Mạnh, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội bày tỏ: “Tôi là đàn ông mà cũng chẳng bao giờ đánh con. Có lẽ bởi vậy mà con gái tôi 3 tuổi, ương bướng vô cùng và luôn làm trái với lời bố mẹ nói. Những lúc con mắc lỗi, tôi giao “vai ác” cho vợ, muốn xử lý con thế nào thì tùy!”.

Khác với hai phụ huynh trên, chị Như Hoài, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ: “Tôi có hai con nhỏ ở lứa tuổi cấp 1 và mẫu giáo. Theo tôi, quan điểm dạy con chỉ dùng roi vọt là không nên nhưng đúng là trong nhiều trường hợp cần phải dùng roi để xử lý. Có như vậy con mới sợ mà tránh, không dám mắc lỗi nữa chứ lúc nào cũng vuốt ve, phân tích cho con bằng lời nói sẽ không hiệu quả, chỉ làm con thêm hư và bị nhờn. Như con tôi, những lúc con sai, tùy theo mức độ của lỗi sai đó, tôi sẽ dùng lời nói nhẹ nhàng, tình cảm để bảo ban con nhưng lúc cần thiết, tôi buộc phải dùng đến roi vọt. Vì vậy tôi rất tự hào vì con ngoan ngoãn, số lần mẹ dùng roi vọt với con rất ít. Phần lớn chỉ cần mẹ nói cháu đã hiểu rồi…”.

Để củng cố và tham khảo thêm về kiến thức dạy con, các ông bố, bà mẹ hiện đại cũng được biết đến các lớp đào tạo kỹ năng mềm như: Kỷ luật không nước mắt, dạy trẻ không roi vọt… nhấn mạnh vào cách thức truyền đạt và dạy dỗ trẻ mà không cần dùng đến đòn roi.

Vận dụng dạy con theo cách nào là tùy vào sự lựa chọn của mỗi phụ huynh với chung mong muốn để đứa trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời, phát triển toàn diện.... Dạy con có dùng roi vọt hay không dùng roi vọt không phải là chuẩn chung để đưa ra áp dụng, mà còn tùy thuộc vào phông nền của từng gia đình, từng đứa trẻ...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật