Thúc đẩy mua bán sáp nhập: Cần cân nhắc trên nhiều góc độ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương), thành viên ban soạn thảo Luật Đầu tư và Luật DN trao đổi với phóng viên TBNH.
Thúc đẩy mua bán sáp nhập: Cần cân nhắc trên nhiều góc độ
Ông Phan Đức Hiếu

Theo ông, Luật DN sửa đổi sẽ tác động thế nào đến hoạt động M&A?

Luật DN không điều chỉnh các vấn đề về mặt nội dung, nội hàm kỹ thuật trong các thương vụ M&A. Nó điều chỉnh cơ bản về hoạt động góp vốn mua cổ phần, các trình tự thủ tục với các hình thức rất cụ thể của hoạt động M&A. Nhưng, nó điều chỉnh ở giai đoạn cuối, đó là DN sau khi mua bán có thể thay đổi về cơ cấu tổ chức, quản trị; hoặc cũng có thể là thành lập pháp nhân mới trên cơ sở 2 pháp nhân cũ. Như vậy, Luật DN giải quyết vấn đề thủ tục hành chính để hoàn tất quá trình mua bán DN.

Trong đó, có một số điểm mới, nổi bật như: áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật về thành lập DN, mua cổ phần, phần vốn góp đối với NĐT trong nước và nước ngoài; mở rộng đối tượng được quyền hợp nhất, sáp nhập, chia, tách công ty; cho phép các công ty có cùng bản chất (có thể khác loại hình tổ chức) có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục về phương thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách và đăng ký lại DN.

Với sự tham gia của khối ngoại, Luật có điều chỉnh gì đáng chú ý, thưa ông?

Ngoài việc hỗ trợ giải quyết thủ tục thì Luật sửa đổi lần này cũng cải cách rất nhiều trong các quy định liên quan tới NĐT nước ngoài tham gia hoạt động M&A. Trước đây, các thủ tục về mua cổ phần, phần vốn góp… của NĐT nước ngoài xét một cách sâu xa có thể gọi là thành lập DN mới, nhưng chúng ta không quen với khái niệm đó. Lần này, Luật sẽ áp dụng thủ tục như nhau về việc mua cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp đối với NĐT trong nước cũng như NĐT nước ngoài.

Những thủ tục đó sẽ được thực hiện thống nhất theo Luật DN. Trước đây, chúng ta có 2 luật điều chỉnh hoạt động với NĐT nước ngoài đó là Luật Đầu tư và Luật DN. Quy trình này được cho là kém rõ ràng. Nay, Luật DN sửa đổi có một phần liên quan, quy định hình thức cụ thể trong M&A sẽ rõ ràng hơn vì được áp dụng như nhau, cùng điều kiện, cùng thủ tục giữa trong nước và nước ngoài.

Như ông nói, có thể hiểu là nếu muốn thúc đẩy hoạt động M&A còn cần vai trò của nhiều quy định khác, ngoài Luật DN?

Về cơ bản, hoạt động M&A bị điều chỉnh bởi rất nhiều luật khác nhau, mỗi luật điều chỉnh một khía cạnh khác nhau. Thứ nhất là Luật Cạnh tranh, vì việc các DN hợp nhất, sáp nhập có thể tạo ra thay đổi về mặt thị trường, nguy cơ dẫn đến độc quyền, sự liên kết làm méo mó cạnh tranh, méo mó giá cả... Thứ hai là Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân, vì chính sách thuế có thể thúc đẩy hay hạn chế hoạt động M&A thông qua nhiều biện pháp. Ngoài ra còn có các luật như Luật Lao động, quyết định số phận của các lao động trong DN bị hợp nhất, chia, tách, liên quan đến quyền lợi và lợi ích của họ; hoặc Luật Hợp đồng, Luật Sở hữu trí tuệ...

Xung quanh hoạt động M&A, rõ ràng có rất nhiều nội dung quan trọng. Vậy tại sao chúng ta không tách những quy định nằm rải rác này thành một luật riêng?

Theo tôi, M&A là khái niệm mang tính “thời thượng”. Bởi xét về bản chất, nó chính là một trong hai cách thức gia nhập thị trường của DN. Vì vậy, trong Luật DN cũng không có chương riêng về mua bán DN, gia nhập thị trường theo cách thức nào thì đó là quyền của NĐT. Nhưng xét từ phía quản lý Nhà nước, trong các thời kỳ khác nhau có thể có những chính sách thúc đẩy hay hạn chế hoạt động này. Tức là bình thường thì để cho nó diễn ra tự nhiên theo lựa chọn của NĐT. Nhưng tùy thời điểm, Nhà nước có thể ban hành chính sách thúc đẩy nó.

Bởi rõ ràng, M&A phát triển thì nó cũng sẽ làm hạn chế thành lập DN mới và ngược lại. Trong khi đầu tư mới xét về mặt quản lý Nhà nước cũng có cái lợi. Trước hết, nó làm gia tăng số lượng DN, tăng chủ thể nộp thuế, kèm theo đó tăng về lao động, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới… Tất nhiên, M&A cũng có thể làm tăng vốn, tăng hoạt động sản xuất kinh doanh. Song, dễ thấy nhất của việc thành lập mới là lợi ích tạo ra chủ thể nộp thuế cho Nhà nước. Nên hiện nay, rất nhiều quốc gia cũng khuyến khích thành lập mới. Đặc biệt, nước ta trong điều kiện hiện nay nếu tính về tỷ lệ DN còn ít so với tỷ lệ người dân thì việc thúc đẩy thành lập DN mới cũng cần được cân nhắc.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật