Quan chức Trung Quốc “sống trong sợ hãi” khi ông Tập chống tham nhũng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình xử kỷ luật nặng các cán bộ cao cấp bị nghi tham nhũng, để cơ cấu người có tư tưởng đổi mới vào các vị trí chủ chốt trong đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc (CPC), chính phủ và quân đội.
Quan chức Trung Quốc “sống trong sợ hãi” khi ông Tập chống tham nhũng
Tướng Xu (phải) trong một lần nói chuyện với ông Bạc Hy Lai

Đây là thông tin từ hai nguồn tin của Reuters, được cho là có quan hệ với ban lãnh đạo Trung Quốc. Họ nói ông Tập hy vọng loại bỏ quan tham và người chống đổi mới sẽ giúp ông củng cố quyền lực, thay đổi nền kinh tế đang giảm tốc tăng trưởng, cải tổ hệ thống tư pháp và quân đội. Ông quan niệm những cải tổ này là cần thiết để duy trì quyền lãnh đạo của CPC.

Nguồn tin này cho biết ông Tập chuẩn bị sắp xếp cho một số cán bộ ở tỉnh duyên hải Triết Giang (miền đông), nơi ông Tập từng làm bí thư từ năm 2002 đến 2007, vào các vị trí chủ chốt trong những năm tới. Một nguồn tin nói: “Mục tiêu của công cuộc chống tham nhũng là đưa người của ông và các cán bộ có tư tưởng thay đổi vào các vị trí chủ chốt để thúc đẩy công cuộc cải tổ”.

Nguồn tin thứ hai nói ông Tập quyết tâm ngăn chặn đại dịch tham nhũng để khôi phục niềm tin của nhân dân đối với CPC. 7 nguồn tin được phỏng vấn đều giấu tên vì nói ra chủ trương của CPC.

Nguồn tin khác gặp ông Tập trong năm nay, dẫn lời ông nói rằng, công cuộc cải tổ “rất khó khăn”, do có sự phản đối từ những doanh nghiệp nhà nước, cùng tầm ảnh hưởng của các lãnh đạo lão thành và con cái của họ, vốn được gọi là “con ông cháu cha”.

Các doanh nghiệp và nhóm “hoàng tử đỏ” được hưởng nhiều ưu đãi nên gần như nắm độc quyền một số lĩnh vực, tức đi ngược nỗ lực của Bắc Kinh muốn tách kinh tế khỏi sự lệ thuộc vào ngành công nghiệp nặng đầu tư, để tiến nhiều hơn vào lĩnh vực sáng tạo và tiêu dùng.

Về mặt pháp lý, ông Tập muốn có những thay đổi vốn cần hạn chế sự can thiệp của đảng vào hầu hết các vụ xử án (ngoại trừ các vụ nhạ‌y cả‌m về chính trị) nhưng vẫn phải nỗ lực hơn nữa, để xử lý những vụ xét xử oan sai khiến quần chúng nhân dân phẫn nộ, theo các chuyên gia pháp lý.

Tìm cán bộ giỏi ở Triết Giang

Một nguồn tin nói khi tìm người tin cậy để giao việc, ông Tập sẽ trông vào các cán bộ có tư tưởng đổi mới, từ nơi ông từng học là Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và ở các tỉnh khác. Nhưng địa bàn tuyển dụng chính của ông sẽ là tỉnh Triết Giang (gần Thượng Hải, ở phía nam). Tỉnh này được xem là có tư tưởng tiến bộ, là bộ mặt của công cuộc cải tổ kinh tế hờ sự tập trung đông các công ty tư nhân, giúp Trung Quốc trở thành một “đại xí nghiệp” của thế giới.

Ngoài việc lấy nguồn cán bộ Triết Giang vào CPC, chính phủ và quân đội, ông Tập cũng đưa họ tới các tỉnh khác làm việc. Bí thư tỉnh ủy Triết Giang là ông Xia Baolong, một đồng minh của ông Tập, là ứng cử viên sáng giá để nhận một công việc đầy thách thức: lãnh đạo vùng Tân Cương trong năm nay hoặc năm 2015. Sau đó ông có thể trở thành ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2017 (các nguồn tin cho biết).

Theo hai nguồn tin thân cận quân đội, một trợ lý thân cận của ông Tập là Zhong Shaojun (người Triết Giang), cuối năm nay có thể được cơ cấu vào Quân đội Nhân dân giải phóng (PLA). Năm ngoái, ông Tập bất ngờ phong hàm đại tá cho ông Zhong, một cán bộ dân sự lâu nay, khi ông chỉ định ông Zhong làm phó chủ tịch Văn phòng trung ương của Quân ủy trung ương, nơi có nhiệm vụ xếp lịch làm việc và các chuyến thăm những cơ sở quân sự quanh Trung Quốc cho ông Tập và các lãnh đạo quân sự cấp cao.

Cách bố trí công việc này khiến ông Zhong là người của ông Tập ở PLA. Các nguồn tin nói ông Zhong, 45 tuổi, có thể được phong hàm trung tướng trong năm nay hoặc năm 2015. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Zhong và Văn phòng Tổ chức CPC (nơi bố trí, thăng cấp cho cán bộ), đều từ chối bình luận.

“Sống trong sợ hãi”

Cuộc điều tra chống tham nhũng lớn nhất mà ông Tập chỉ đạo thực hiện liên quan cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, người đang bị quản thúc tại gia. Bắc Kinh chưa có tuyên bố chính thức nào về ông Chu, người đã về hưu, thôi làm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị CPC, hoặc về cuộc điều tra đối với ông.

Ngày 30.3, Reuters đưa tin hơn 300 người thân cận, nhân viên và họ hàng của ông Chu đã bị bắt hoặc bị lấy lời khai từ cuối năm 2013. Đây được xem là vụ tai tiếng tham nhũng lớn nhất Trung Quốc từ hàng chục năm nay.

Từ khi làm Tổng bí thư CPC hồi tháng 11.2012 rồi làm Chủ tịch Trung Quốc hồi tháng 3.2013, ông Tập, 60 tuổi, luôn cảnh báo tham nhũng đe dọa sự tồn vong của đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc.

Các nguồn tin thân cận giới lãnh đạo nói: từ đó, nhiều đảng viên, cán bộ chính phủ và sĩ quan quân đội sống trong sợ hãi. Khoảng 10 cán bộ có hàm thứ trưởng đang bị điều tra, riêng trong việc điều tra Chu Vĩnh Khang. Trong đó có các cựu lãnh đạo năng lượng quốc gia PetroChina và công ty mẹ là Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Những người này có liên quan đến ông Chu khi ông nắm lĩnh vực dầu khí.

Một nguồn tin cho biết: hơn 30% cán bộ công chức và sĩ quan đều dính líu các dạng thức tham nhũng, theo một tài liệu lưu hành nội bộ của CPC năm 2013. Nguồn tin này nói đã được xem bản sao của tài liệu ấy, không nói vì sao cuộc thống kê lại đi đến kết luận trên.

Các nguồn tin nói ông Tập chưa gặp phải sự phản đối nào về cuộc ngăn chặn tham nhũng, từ các cán bộ lão thành hoặc những người khác sợ sau ông Chu sẽ đến lượt họ bị điều tra. Nhưng ông Tập cũng chỉ có thể xử lý kỷ luật một số ít người, theo một nguồn tin thường gặp ông Tập: “Chính quyền sẽ bị tê liệt nếu Chủ tịch Tập sa thải tất cả quan tham”.

Công cuộc chống tham nhũng cũng nhắm vào quân đội vốn có 2,3 triệu quân. Tháng trước, các ngồn tin cho biết tướng Xu Caihou 70 tuổi đang bị quản thúc tại gia, vì đã can thiệp vào cuộc điều tra trung tướng Gu Junshan, phó Cục trưởng Cục hậu cần PLA, người đã bị buộc tội tham nhũng, theo Tân Hoa Xã ngày 31.3. Các nguồn tin nói Gu đã “ăn hối lộ” của các sĩ quan muốn được thăng quân hàm.
Tướng Xu đã thôi làm phó chủ tịch Quân ủy trung ương hồi năm ngoái để về hưu và thôi làm ủy viên Bộ Chính trị từ năm 2012. Ông là một trong những người ủng hộ Gu lên chức, từ đó bị liên lụy, do phớt lờ hoặc ít ra không tố cáo những sai phạm của Gu.

Theo chỉ đạo của ông Tập, PLA đã kiểm tra-thay biển số mới cho xe của quân đội, ngăn chặn việc chiếm dụng nhà của quân đội trái phép và “mua quan  bán chức”. Nhưng các nguồn tin nói ông Tập có thể sẽ không xử lý tất cả các sĩ quan “mua” chức tước, mà ông sẽ sử dụng sai phạm này để buộc họ chấp thuận đổi mới nhiều hơn.

Họ cũng nói ông Tập chưa quyết định truy tố ông Chu Vĩnh Khang và tướng Xu hay không. Tướng Xu đang được chữa bệnh ung thư.

David Zweig, nhà phân tích chính trị Trung Quốc ở Đại học Khoa học - Công nghệ Hồng Kông, nói: “Việc này cho thấy nếu xử được những người như ông Chu, ông Tập cũng có thể xử kỷ luật bất kỳ ai. Nó cho các cán bộ biết, rằng nếu ông Tập tiến hành công cuộc cải tổ mà họ không thích nhiều, thì tốt nhất họ vẫn nên tham gia”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật