Áo dài từ sân khấu vào đời thường: Vạn dặm đường xa

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một lần nữa, thời trang áo dài lại về với Huế. Lần này, “thế giới trong tà áo dài Việt” - chủ đề của chương trình, đưa những họa tiết, hoa văn, chất liệu từ châu Mỹ, châu Á, châu Âu vào tà áo dân tộc.
Áo dài từ sân khấu vào đời thường: Vạn dặm đường xa
Bộ sưu tập của nhà thiết kế Ngọc Hân

Các nhà thiết kế như Ngọc Hân, Quang Nhật cùng một hy vọng là du khách nước ngoài có mặt trong dịp này sẽ rất thích thú vì thấy văn hóa dân tộc họ hiện lên trên tà áo dài Việt Nam. Một kiểu "ngoại giao áo dài". Thế nhưng, xem chương trình, khán giả đã nhận xét: Áo đẹp, người đẹp, nhạc hay, nhưng xem chẳng được mấy, vì sân khấu quá lớn, lại bị màu tím tràn ngập, át hồn át vía, áo và người như bị chìm đi.

Những năm qua, tà áo dài luôn được nâng niu nhưng hình như vẫn có khoảng cách khá lớn từ sân khấu đến “tà áo em bay bay trên phố dịu dàng”. Chị Thư Trân, một họa sĩ từ Hà Nội, đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ, có chương trình tham gia Festival, phản biện: đừng thực dụng, cái đẹp là để cảm nhận, nghệ sĩ muốn trình bày cái đẹp, muốn đẹp, một khi cảm nhận được, thì nó đi vào cuộc sống, đừng bắt nó phải được bê nguyên vẹn từ sân khấu xuống. Người sáng tác nào cũng nghĩ vậy. Nhưng, áo dài lộng lẫy sắc màu kia có thể cũng có đất sống ở Hà Nội, Sài Gòn, còn ở Huế, miền đất cố cựu, mấy ngày nghiêng ngó công chức, tiểu thương, học sinh mặc áo dài hưởng ứng lễ hội, thấy “vẫn là núi Ngự bên bờ sông Hương”. Tuệ Giang, 29 tuổi, dân Huế chính hiệu, đang làm báo ở đây, “xì”: Y như sân khấu, cho vàng em cũng không dám mặc. Chắc ai cũng vậy thôi, trừ các nghệ sĩ và người mẫu. Quá khó, xem chỉ để... xem thôi. Đó là chưa kể, nếu em muốn mặc chiếc áo như sân khấu, câu hỏi đầu tiên là… tiền đâu? Nghe nói trên hai triệu/chiếc, đâu phải ai cũng dám bỏ tiền ra mua. Đẹp thì đẹp thiệt nhưng không dám mặc, mặc dịp nào?

Vậy những bộ sưu tập thời trang đó đi về đâu? Bán cho ai? “Đi về đâu” là chuyện đáng bàn, vì nó bộc lộ một khuynh hướng chuyển động. Thời trang chính là văn hóa, không thể đứng yên. Để một thứ văn hóa áo dài thành trào lưu, làn sóng, không hề đơn giản. Chiếc áo dài nữ sinh, công sở, chỉ có thể thay đổi chút đỉnh đường nét và họa tiết, thế thôi. Đời người con gái, mấy lần được mặc áo dài. Cái ngày trọng đại nhất của người con gái là đám cưới thì chiếc áo dài càng truyền thống càng đẹp trong mắt quan viên hai họ. Đêm khai mạc Festival, đoàn múa đến từ Úc đã khiến các bà các chị lẫn một số nhà nghiên cứu trầm trồ bởi chiếc áo dài họ mặc. Cơ bản đường nét là chiếc áo dài Việt, chỉ một ít cách điệu ở tà và hoa văn. Họ biết gây thiện cảm với nước chủ nhà bằng việc nắm bắt rõ cách ăn mặc của mình. Chị Hương Lan, giáo viên ngụ phường Xuân Phú, TP. Huế nói: “Quá đẹp! Áo như thế, tôi mặc cũng được mà không ngại. Sao các nhà thiết kế của mình không làm như họ, để chị em mặc phổ biến mà không sợ người ta xầm xì?”. Tôi hỏi một cô giáo ngụ ở phường Trường An, dạy văn ở ĐH Khoa học Huế: “Cho một bộ sưu tập, cô dám mặc không?”. “không dám mô”.

Mặc áo dài ở Huế như là “chứng minh nhân dân” truyền đời của các chị, các mẹ khi đi đâu đó ra mắt thiên hạ. Thay đổi luôn thuộc về lớp trẻ. Nhưng, tôi vẫn thấy ngay trước mắt, các em các chị ở Huế, muốn mặc như sân khấu, thì chỉ còn cách đi xa đất mẹ. Cho nên, trình diễn áo dài thời trang ở Huế, “rằng hay thì thật là hay", nhưng...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật