Chuyện nhặt ở làng đông con

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỏ Ba tọa lạc trên đỉnh non cao nằm ở phía tây của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), là nơi sinh sống của hơn 140 hộ dân.
Chuyện nhặt ở làng đông con
Những đứa trẻ trong căn nhà của “vua siêu đẻ”

Có một điều rất đặc biệt ở đây là rất nhiều hộ gia đình trong xóm luôn đi đầu trong phong trào sinh đẻ… mà "quán quân” là ông Ngô Văn Sùng, 55 tuổi nhưng đã chuẩn bị lên tới chức cụ.

Sau 2 tiếng đồng hồ khó nhọc, qua con đường gập ghềnh, quanh co, với chặng đường hơn 10km, nhà "quán quân siêu đẻ " hiện ra, với bốn bề tuềnh toàng, thông thốc gió cùng một lũ trẻ con lít nhít đang nô đùa.
Tiếp chúng tôi là anh Dê, con trai ông Sùng cũng  nổi tiếng về sinh nhiều. 35 tuổi nhưng đã có tới 5 mặt con. Tưởng là nhiều, nhưng so với cha của mình thì chẳng ăn nhằm gì vì ông Sùng có tới 19 đứa con. Ngồi một lúc thì ông Sùng về, trẻ trung, xuề xòa và nhanh nhẹn, với chiếc khăn buộc trên đầu. Ông bảo, vừa đưa vợ cả xuống núi (bệnh viện đa khoa Thái Nguyên) để mổ u xơ. Hỏi, ai chăm sóc vợ, ông nhanh nhẹn trả lời, giọng tinh quái:
- Vợ cả bị ốm, vợ hai chăm sóc chứ sao.
Ông Sùng có 2 vợ, đều sinh năm 1959. Bà vợ cả Lý Thị Chi sinh cho ông 10 người con. Bà thứ 2 là Vương Thị Nhung, ngoài 2 đứa con riêng, đẻ cho ông thêm 7 đứa, nâng tổng số con lên tới 19 đứa-giữ mức kỷ lục mà chưa ai phá vỡ ở xóm Mỏ Ba này.
Vua siêu đẻ  rất giỏi sắp xếp cuộc sống hôn nhân phức tạp. Nhà bà vợ hai của ông ở kề sau nhà bà cả. Hiện nay, trong căn nhà chính chỉ còn vợ chồng ông và 3 người con. Cô con gái thứ 6, tên  Hồng, ngày  thứ 7 tuần trước đã theo chồng về bên Võ Nhai. Nhà vợ hai cũng còn 3 đứa con ở chung với ông bà. Làm ông từ năm ngoài 30 tuổi, cách đây 3 năm ông Sùng cũng đã lên chức... cụ. Tuy lên chức cụ, nhưng xem ra ông hãy còn tráng kiện bởi nước da hồng hào và thể lực tráng kiện.
Ông Sùng nói, ngoài thời gian đi làm nương, cả vợ con ông đều ở nhà… xem tivi, khi nào đói thì vào rừng hái rau về nấu ăn, gạo cấy ăn chỉ nửa mùa là hết. Ấy thế mà trông đàn con ông đứa nào cũng khỏe mạnh. Hỏi ông Sùng được mấy trai mấy gái, ông vua siêu đẻ ngẩn người, lẩm nhẩm tính toán một lúc rồi lắc đầu rồi ngập ngừng kể: "5 người con của bà cả đã lập gia đình và ra ở riêng, còn bà hai thì tôi không biết, tôi cũng không biết bây giờ nhà còn bao nhiêu người nữa”. Tôi hỏi tiếp: "Thế ông có nhớ đầy đủ tên con mình không?”, ông Sùng lắc đầu.

Gia đình anh Sự có 3 con gái, học ở Tiểu học Mỏ Ba,
nhưng vẫn  "phấn đấu” thêm 1 cậu con trai  nữa
Cậu con trai thứ hai của ông Sùng, tên Bình, có tên tục là Bê sinh năm 1981. Giờ có 3 con, con trai lớn học lớp 7. Nhìn bầy trẻ  hơn chục đứa chạy nhảy bên nhau, Bê chỉ cho tôi:
- Kia là con của bố, còn đây là con của em…
Xóm Mỏ Ba được xem là địa phương giữ nhiều kỷ lục nhất về sinh đẻ vỡ kế hoạch. Gia đình bình thường có 3-5 con, không ít nhà gần chục con, cá biệt có gia đình gần 20 đứa.  Nếu chia tỷ lệ hơn 140 hộ và gần 800 nhân khẩu, con số bình quân trong mỗi gia đình sẽ là từ 5-6 người/hộ.
Sát với kỷ lục của  vua siêu đẻ là anh Dình, lấy vợ từ năm 13 tuổi. 39 tuổi, anh Dình   đã có 13 con với 5 trai, 8 gái, và đã lên chức …ông  ngoại.  Bên cạnh gia đình anh Dình và ông Sùng, còn có nhiều hộ khác cũng có trên 10 người con như gia đình ông Hồng Văn Páo 12 con, Lý Văn Día 11 con, Hùng Văn Nó 10 con, Vương Văn Khìn 10 con,  Đào Văn Tư 13 con...
Không chỉ lập kỷ lục về sinh đẻ mà việc chữa bệnh ở Mỏ Ba cũng lạ đến…gai người. Khi tôi đến nhà ông Sùng, con trai ông đang chữa bệnh đau đầu cho 1 thanh niên bản bằng cách xoa bóp và lấy gai "châm cứu” vào các huyệt đạo ở đầu. Anh vừa chữa bệnh vừa cười: " Tôi chữa kiểu này mãi rồi, khỏi bệnh mà”. Bà con tự chữa bệnh thông thường, vì để xuống trung tâm huyện không đơn giản.  Chỉ gặp những ca bệnh nguy hiểm đến tính mạng như vợ ông Sùng mới phải xuống bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.
Tuy mang tiếng là đất đai mênh mông, nhưng sự mưu sinh ở nơi gần giáp đỉnh trời không hề đơn giản. Bởi lẽ, ruộng để cấy lúa không nhiều, chủ yếu trồng ngô. Và, điều quan trọng là tất cả trông chờ vào…thời tiết. Khi tôi đến Mỏ Ba, những ruộng ngô hanh hao, khô héo vì thiếu mưa.  Cây chè hợp thổ nhưỡng và cho hương thơm đặc trưng, đậm đà. Tuy nhiên, hầu như chỉ  một vài hộ trồng được, còn lại đều do thiếu diện tích đất canh tác.
Đi khắp Mỏ Ba, vẫn nhận thấy những cặp mắt buồn ngơ ngác của các em bé đang tha thẩn chơi bên đường. Trò chơi của chúng chỉ giản dị là trèo cây, bắn chim…Hoàn cảnh khó khăn, rất ít em được tới trường. Bé thì ở nhà, lớn hơn một chút lại theo cha mẹ lên nương rẫy.

chia tay xóm Mỏ Ba, tôi mang trong mình thật nhiều tâm trạng, nhưng có lẽ ám ảnh nhất vẫn là sự học của những đứa trẻ nơi đây. Không hiểu rồi sau này chúng có lại sa vào cái vòng luẩn quẩn…nhiều con và nghèo khó như cha mẹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật