Ai dễ mắc nang hoạt dịch khớp vai?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nang hoạt dịch khớp vai không thường gặp với biểu hiện không rõ ràng nhưng lại gây những phiền toái thực sự cho bệnh nhân và gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Bài viết sau đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ai dễ mắc nang hoạt dịch khớp vai?
Hình ảnh sỏi bao trùm hết vùng khớp vai của bệnh nhân.

Thế nào là nang hoạt dịch khớp vai?

Về mặt giải phẫu, khớp vai là khớp có biên độ vận động lớn, bao khớp rộng và lỏng lẻo, được hỗ trợ thêm bởi hệ thống gân của các cơ vận động khớp vai xung quanh. Có nhiều loại nang khác nhau của khớp vai, cơ chế hình thành của các nang hoạt dịch khớp cũng khác nhau nhưng sự hình thành của nang hoạt dịch khớp vai thường gắn liền với tổn thương của một cấu trúc giải phẫu quan trọng trong khớp vai, đó là sụn viền (labrum), do đó các nang hoạt dịch khớp vai thường được gọi là nang cạnh sụn viền (paralabrumcyst). Sụn viền là một cấu trúc giải phẫu quan trọng, dính liền với chu vi của ổ chảo khớp vai, có vai trò quan trọng trong làm vững khớp vai. Các nang hoạt dịch khớp vai thường hình thành trên cơ sở tổn thương chỗ bám của sụn viền vào xương, tạo nên khe hở để hoạt dịch tràn vào hình thành nên nang hoạt dịch.

Ở các vị trí trên và sau, các cấu trúc xơ thường liên tục với các gân của chóp xoay, bám vào chỏm xương cánh tay nên các nang hoạt dịch có thể hình thành dễ dàng hơn mà không cần phải có tổn thương bao xơ của khớp. Như vậy có thể thấy sự khác biệt so với các nang hoạt dịch của các khớp khác là: không có tình trạng thoát vị của màng hoạt dịch và có thể không có tình trạng tổn thương bao xơ của khớp.

Ai dễ mắc?

Phần màng hoạt dịch trong cùng của các khớp hoạt dịch đóng vai trò quan trọng trong tiết hoạt dịch khớp và các lớp xơ của bao khớp. Vì một lý do nào đó như chấn thương, bệnh lý (thoái hóa khớp) hay do bất thường giải phẫu mà lớp bao xơ của khớp xuất hiện điểm yếu hay thiếu hụt, có thể tạm gọi là rách, từ đó lớp màng hoạt dịch của khớp thoát vị ra ngoài, dịch khớp tràn vào làm căng đầy túi thoát vị và hình thành cấu trúc nang.

Một ca phẫu thuật nội soi khớp vai.

Do vậy, đối với những người có yếu tố nguy cơ như chấn thương hay người có tuổi, thoái hóa khớp thì nguy cơ hình thành nang lớn hơn. Đó là những đặc điểm chung của các nang hoạt dịch các khớp gối hay cổ tay. Đối với khớp vai, sự hình thành nang hơi khác biệt một chút, liên quan chặt chẽ đến tổn thương của sụn viền.

Tổn thương khá hiếm gặp, thường phát hiện khi bệnh nhân đến thăm khám vì các triệu chứng đau vai.

Có thể dẫn đến teo cơ

Về lâm sàng, khác với các nang của các khớp khác, thông thường, các nang này có thể coi là lành tính không gây triệu chứng như đau hay các khó chịu khác. Nang hoạt dịch khớp vai không sờ thấy do có rất nhiều lớp cơ xung quanh khớp vai. Bên cạnh đó, do sự hình thành nang  gần như nằm dưới các gân chóp xoay và liên quan đến tổn thương sụn viền nên các nang hoạt dịch khớp vai dễ gây các triệu chứng lâm sàng hơn như đau, hạn chế vận động khớp vai và cá biệt có trường hợp nang hoạt dịch phía sau trên khớp vai gây chèn ép vào thần kinh trên vai dẫn đến tình trạng teo cơ và các triệu chứng đau do chèn ép thần kinh. Tùy theo vị trí mà nang hoạt dịch có thể gây các chèn ép khác nhau, trong đó có hai vị trí hay gặp nhất: Nang ở vị trí sau trên do tổn thương sụn viền sau, gây chèn ép vào thần kinh trên vai, gây đau và teo các cơ phía sau trên khớp vai và nang ở vị trí phía trên do tổn thương sụn viền trước trên (tổn thương SLAP), chèn ép vào gân chóp xoay, gây đau và hạn chế vận động vai. Ngoài ra, trên y văn đã thông báo trường hợp nang hoạt dịch trước dưới khớp vai gây chèn ép vào bó mạch thần kinh cánh tay ở vùng nách.

Chẩn đoán và điều trị thế nào?

Do triệu chứng âm thầm, không sờ thấy nên thường đa số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn có biến chứng do nang và tình trạng rách sụn viền gây ra như đau, hạn chế vận động. Nếu nghi ngờ, các bác sĩ xác định chẩn đoán thường dựa vào phim chụp cộng hưởng từ khớp vai, tốt nhất nếu có thể là chụp phim có tiêm thuốc đối quang từ vào khớp.

Khác với các nang của các khớp khác, chỉ định can thiệp nang hoạt dịch khớp vai khá rộng rãi, nhất là khi đã có triệu chứng. Việc can thiệp điều trị ngoài việc giải phóng sự chèn ép của nang thường kèm theo sửa chữa tổn thương sụn viền để tránh tái phát. Hiện nay, các can thiệp này thường được thực hiện qua nội soi khớp vai cho phép xác định chẩn đoán, sửa chữa các tổn thương sụn viền dễ dàng, đồng thời có thể thực hiện việc giải phóng áp lực trong nang. Hơn nữa, can thiệp nội soi nhẹ nhàng, hậu phẫu tương đối đơn giản, can thiệp ít xâ‌m lấ‌n nên ít ảnh hưởng đến chức năng khớp vai về sau.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật