Những năm cuối đời của nghệ sĩ Trịnh Thịnh

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau năm 2002, nghệ sĩ Trịnh Thịnh không tham gia đóng phim nữa. Hơn 10 năm cuối đời, ông sống bình yên bên gia đình và chan hòa với chòm xóm.
Những năm cuối đời của nghệ sĩ Trịnh Thịnh
Gia đình nghệ sĩ Trịnh Thịnh trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày cưới của ông bà.

Nghệ sĩ Trịnh Thịnh nghỉ hưu ở Xưởng phim truyện Việt Nam từ năm 1989, sau bộ phim Lá ngọc cành vàng. Tuy đã nghỉ nhưng lúc đósức khỏe còn tốt, ông vẫn tham gia đóng phim nếu được mời. Ông tiếp tục vào các vai chính, phụ trong gần 10 bộ phim nữa, như Lời nguyền của dòng sông, Đông Dương (1992, phim từng giành Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất), Xích lô (1995), Cửa hàng Lopa (1998), Cầu thang nhà A6 (1998), Thiên đường của ông nội (1998)... Tết này ai đến xông nhà (2002) của đạo diễn Trần Lực là phim cuối cùng mà ông tham gia diễn xuất.

Nhưng hơn 10 năm nay, Trịnh Thịnh mang nhiều bệnh trong người, từ bệnh thận, u xơ tiền liệt tuyến, tới viêm tụy... Sức khỏe không cho phép nên ông thôi đóng phim mà sống bình yên bên gia đình tại căn nhà nhỏ trong khu X3 tập thể Trương Định, Hà Nội. Ông và vợ - bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh - có với nhau 5 cô con gái, đều đã lập gia đình riêng.

Chị Trịnh Tuyết Hằng, con út của cố nghệ sĩ cho biết, dù mắc nhiều bệnh, bố chị vẫn sống tích cực, giản dị, vui vẻ. "Một ngày của bố tôi thường bắt đầu bằng việc tập thể dục, ăn sáng rồi đi chợ. Bao giờ cũng vậy, trước mỗi lần đi chợ ông đều hỏi: 'Bà ơi, tôi đi chợ nhé, hôm nay ăn gì?' Rồi ông ra chợ mua về mớ rau, lạng thịt, khúc cá. Ông mua một khúc cá thu 5.000 đồng, về nhà bảo với vợ chỉ có 3.000 đồng thôi và giải thích: ‘Người ta bán rẻ cho tôi bà ạ’" - ông thường nói để bà khỏi tiếc tiền", chị Hằng kể.

Thôi đóng phim, Trịnh Thịnh có nhiều thời gian ở nhà. Thú giải trí của ông là xem phim và đi dạo hàng ngày với vợ. Chị Tâm - một người sống gần khu tập thể X3 nói: “Ông Thịnh bà Khanh ở đây ai mà chẳng quý. Ông ấy ít nói nhưng hiền hòa, dễ gần, hay trêu đùa bọn trẻ con. Hôm nào ông cũng đi mua đồ ăn sáng về cho bà. Rồi chiều chiều, hai ông bà lại đi dạo cùng nhau”.

Cuối năm 2011, nghệ sĩ Trịnh Thịnh bị gãy chân. Sau 6 tuần bó bột chữa trị, ông có thể đi lại được, nhưng phải chống gậy. Từ đó ông ít ra ngoài hơn, thường ở nhà làm bạn với cái đài cũ và chiếc tivi. Bà Khanh kể, ông rất thích xem phim nước ngoài. Ông mê kỹ xảo của điện ảnh Mỹ, nên thích xem phim trên các kênh HBO, Star Movies… và đặc biệt thích xem những phim đặc sắc được chiếu lại như Titanic, Quo Vadis, Cuốn theo chiều gió....

Bà Khanh kể: “Người hoạt động nghệ thuật thường lắm chuyện thị phi nhưng ông ấy không bao giờ để mình mắc vào. Ông không hút thuốc, không uống rượu, không trà cháo, cà phê... Thời còn đóng phim ông cũng không nề hà vào bếp vo gạo, rửa rau, nắm than… Vợ con cần việc gì là ông giúp việc đó”.

Có thể nhờ lối sống ấy cùng sự kiên trì chống bệnh tật mà Trịnh Thịnh nhiều lần thoát khỏi "cánh tay tử thần".  Chị Hằng kể, có những lần ông đi cấp cứu, các bác sĩ đã báo trước để gia đình chuẩn bị tinh thần. "Chính xác là đã bốn lần bác sĩ nói như thế, nhưng bố tôi đều qua khỏi như một điều kỳ diệu. Có lần 8 ngày liên tiếp ông không ăn, không nói được gì, cứ mê man bất tỉnh nhưng rồi vượt dậy được. Phải nói bố tôi có nghị lực sống kiên cường. Sau mỗi lần điều trị, ông thường duy trì nếp sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên, giữ tinh thần vui vẻ".

Trước khi vào viện lần cuối này, Trịnh Thịnh vẫn minh mẫn, vui vẻ. Chiều ngày 29/3 ông kêu thèm phở và ăn hết một bát, nhưng đến tối thì bắt đầu tức ngực. Tới nửa đêm cơn đau dồn dập nên gia đình đưa ông vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. "Khoảng 10 ngày tiếp đó, bố tôi phải thở bình ô xy, con cháu đến vẫn nói chuyện với ông, mong muốn ông nghe được những lời đó. Chúng tôi vẫn cứ hy vọng lần này cũng như bao lần vào viện khác, rồi ông sẽ qua khỏi, nhưng không ngờ..." - chị Hằng nhớ lại những ngày cuối bên cha.

Trong những lời cuối cùng của Trịnh Thịnh, ông dặn con cháu cố gắng sống tốt. Ông đã có 8 người cháu và 15 chắt. Trịnh Thịnh luôn khuyên bảo con cháu phải trọng truyền thống gia đình, dù xã hội có phát triển và thay đổi tới đâu. "Tôi phải ghé sát tai xuống mới nghe được lời ông phều phào dặn chúng tôi phải chăm chút cho gia đình, sống làm gương cho con cháu, cố gắng cho thế hệ sau và tương lai tốt hơn" - chị Trịnh Minh Hạnh, con gái thứ tư của ông kể.

Sau nhiều ngày nằm viện, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh qua đời vào sáng 12/4 tại bệnh viện Bạch Mai. Tang lễ của ông sẽ được cử hành vào lúc 14h45 ngày 15/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật