Hàng loạt người bệnh “sống dở, chết dở” vì tin gã thầy bói… giả danh “thần y”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đang hành nghề xem bói, “thầy” Du đột ngột chuyển hướng sang làm “thần y” chữa bách bệnh. Do không có kiến thức chuyên môn, “thầy” Du chẩn đoán bừa khiến nhiều con bệnh “sống dở, chết dở” vì bệnh tình ngày càng nặng.
Hàng loạt người bệnh “sống dở, chết dở” vì tin gã thầy bói… giả danh “thần y”
Những cánh am trước nhà, dấu tích thời “thầy“ Du còn hành nghề xem bói

Đổ xô đi tìm “thầy” Du chữa bách bệnh

Trong  vòng  một  năm  trở  lại  đây, ông Trần Thành  Du  (SN  1976, ngụ huyện Đức  Hòa,  tỉnh  Long  An)  mà người  dân  địa  phương  kính  cẩn  gọi bằng  “thầy” lúc  nào  cũng  bận  rộn. Người  bệnh  khắp  nơi  tìm  đến  nhà “thầy” Du để được chính tay thầy chẩn đoán mong thoát khỏi bệnh tình. Đa số họ là người miền Tây. Trong đó có người bệnh nhẹ, có người bệnh nặng, thậm chí có người đã bị bác sĩ... “chê”.

Dân  trong vùng nghe ai hỏi  thăm “thầy” Du là biết người đó  tìm  thầy để  chữa  bệnh. Họ  không những tận tình hướng dẫn đường đi nước bước mà còn chia sẻ nhiều câu chuyện về vị “danh y” này. Dừng chân ở một quán nước  nhỏ,  cạnh  lối  dẫn  vào  “phòng mạch” của  “thầy”, PV được chị T.T.M. (ấp An Định, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Trước đây, thầy Du hành nghề coi bói rồi không hiểu lý do gì, ổng chuyển sang trị bệnh. Chuyện thầy bà dựa nhập có hay không thì tôi không biết. Tôi chỉ nghe nói thầy rất mát tay  và gia  đình  thầy  có  phương thuốc gia  truyền có  thể  trị dứt nhiều bệnh hiểm nghèo”.

Từ  thầy  bói  trong  một  sớm một chiều  trở thành “thần y” chữa  bệnh cứu người, liệu phương  pháp  chữa bệnh và thuốc “thầy” “kê toa” có đúng và có hiệu quả? Thấy PV thắc mắc, chị M.  tiếp  tục:  “Người  ta  tìm  đến  thầy Du chữa bệnh đông như kiến. Còn kết quả thế nào, tôi không rõ. Bởi vì người trong  vùng  chưa ai đến nhà  thầy Du chữa bệnh cả, chỉ có người ở xa”.

Những câu chuyện về thầy Du khiến PV  tò mò. Theo chỉ  dẫn  của  chị M., và  trong vai một người bệnh, PV  tìm đến nhà  “thầy”  tận mục sở  thị. Đó  là một ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa đồng sâu. PV  khá bất  ngờ vì  phòng mạch của  thầy hiện tại không  một  người lui tới. Sân  nhà  vẫn còn nhiều  loại thảo dược, cây  cỏ bày phơi  trên nền đất. Thay mặt  “thầy”, ông T.V.T.  tiếp chuyện:  “Chú  tìm  thầy  trị  bệnh  hả? Tiếc quá, dạo này thầy bận bịu lắm, đi vắng suốt nên tạm ngưng khám bệnh một  thời gian. Khoảng vài  tháng nữa sẽ khám trở lại”.

Sau một hồi  than vãn về bệnh  tình trong  người, lại đến  từ  nơi xa xôi, ông T. tỏ  vẻ  thông  cảm  và muốn ra tay  nghĩa  hiệp  thay  “thầy”  giúp  PV chữa  bệnh.  Sau khi thăm dò về  tình hình sức khỏe, ông nói: “Tưởng gì chứ chứng viêm xoang của chú dễ ợt. Nhà tui  có  thuốc. Nhiều người  khỏi bệnh cũng  nhờ  đó”. Ông  nhanh  nhảu  vào trong  nhà  lấy  một  cái  ly  nhỏ  rồi  ra sau hè. Dõi  theo, PV không khỏi ngỡ ngàng vì nơi mà ông T. ra lấy thuốc là một  cái chòi  nhỏ,  trông  giống  như... chuồng gà.

Giở  những  bao, đệm,  ông  T.  lấy thuốc  từ  trong một  cái  thùng  trắng ngả màu mang vào nhà. Ông lấy một mẫu bông gòn chấm  thuốc  đưa  cho PV bảo tôi hít mạnh vào. Thứ mà ông T. gọi là thuốc thực ra là một hỗn hợp chất  lỏng không rõ thành phần, màu xanh sậm  phản  phất mùi  thảo  dược và cồn. Ông tiếp tục chấm thuốc vào một mẫu bông gòn khác thoa lê‌n đỉn‌h đầu, sau  gáy  PV  và  nói:  “Để  tui  cho chú một  ít mang  về.  Cứ  hít  và  thoa đều đặn mỗi ngày, bệnh tình sẽ giảm. Còn muốn  trị  dứt  bệnh  thì chờ  thầy về”.

bệnh càng thêm bệnh

PV  ngỏ  lời  ở  lại  nghỉ  chờ  trời  dịu nắng  sẽ  về, ông T. niềm nỡ  chỉ  sang quán nước  cạnh  bên  do  người  nhà “thầy”  mở  để  phục  vụ  khách  thập phương.  Tại  đây,  PV  được  chị  L.D.H. cung cấp số điện thoại của mẹ “thầy” Du  để  tiện  bề liên  lạc. Chị H.  không quên căn dặn khoảng 19-20h gọi  thì mới mong hỏi chuyện được.

Theo  lời dặn dò của chị H., vào  lúc 20h, PV gọi cho mẹ “thầy” Du hỏi thăm khi  nào  thầy về để đến khám bệnh. Trò chuyện với PV qua điện thoại, bà nói: “Chán  lắm,  người  ta  thấy  nhiều người tìm đến nhà con tôi chữa bệnh nên đến kiểm tra rồi buộc ngưng hoạt động.  Bên  Công  an có nói, nếu vẫn tiếp tục khám bệnh mà không có giấy tờ  đầy  đủ  thì  sẽ  phạt  nặng.  Bởi  vậy, con tôi đi học lấy bằng rồi. Chú bệnh nhẹ  thì  chờ đến  tháng  10,  tháng  11, con tôi lo giấy tờ xong sẽ khám trở lại. Hiện giờ  “thầy” đang ở bên gia đình vợ trên TP.HCM”.

Qua  tìm hiểu, thực tế không  phải ai đến tìm “thầy” Du chữa bệnh cũng khỏi. Trong số những người từng được thầy  đích  thân chẩn  bệnh  và cho thuốc có không  ít người  lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”. Người dân ở khu vực huyện Thủ Thừa, huyện Bến Lức  (tỉnh Long An) đưa đơn  trình  lên chính quyền địa phương khiếu nại về phương  pháp  chữa  bệnh  của  “thầy” Du. Một số người cho rằng,  cách “thầy”  Du  chữa  bệnh  không  đúng với y học, những bài  thuốc không  rõ nguồn gốc có thể là do gia đình thầy tự chế có phần không hợp vệ sinh.

Ông T.C.Q. (ngụ  huyện Bến Lức) nghe nhiều người đồn đại về “thầy” Du nên  tìm  đến.  Kết  quả, ông  phải ngậm đắng nuốt cay vì phương thuốc bí  truyền của ông thầy  thuốc này. Ông Q. cho biết: “Tôi đưa con đến nhà “thầy” Du trị bệnh. Thầy  khám  xong nhưng  không  nói  bị  bệnh  gì  và  cho thuốc. Sau khi uống  thuốc, bệnh của con  tôi  không  những  không  thuyên giảm mà  còn có dấu hiệu trở nặng. Đưa đến bệnh viện, bác sĩ bảo con tôi bị đau dạ dày”.

Cùng  cảnh ngộ  với ông  Q., chị N.T.K.L.  (ngụ  huyện  Thủ  Thừa)  cũng trải  qua một  phen  khiếp  vía. “Tôi  bị viêm  xoang  nên  tìm  đến  ông Du  trị. Ông lấy thuốc đưa cho con tôi ngửi và thoa  khắp  người. Mùi  thuốc  rất  khó chịu.  Sau  khi thoa, tôi  bị mẩn ngứa. Tôi hoảng hốt đến bác sĩ da liễu khám mới biết  tôi bị dị ứng  hó‌a chấ‌t. Tôi nghi ngờ do dùng  thuốc của “thầy” Du nên tôi bị như thế”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật