Dòng vốn thực cho bất động sản

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lực đẩy tài chính, nhiều giải pháp kỹ thuật từ phía cơ quan quản lý ra đời để kích hoạt thị trường bất động sản.
Dòng vốn thực cho bất động sản
Ảnh minh họa

Gói 30.000 tỷ bước sang năm thứ hai, tương tự một gói liên kết 4 nhà 50.000 tỷ đồng nhưng với ruột thực chỉ là 10.000 tỷ cũng được công bố. Điềm lành đang đến nhưng bức tranh BĐS thật sự có tươi sáng?

Tiền treo
Sau hàng loạt thông tin về gói tín dụng khủng 50.000 tỷ đồng, 70.000 tỷ đồng, thậm chí 120.000 tỷ đồng với sự liên kết  4 nhà được đưa ra, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức lên tiếng. Theo đó, trong gói tín dụng 50.000 tỉ đồng Ngân hàng Xây dựng (VNCB) chỉ cho vay 10.000 tỉ đồng tương tự như mức VNCB đã đăng ký với NHNN.
Về bản chất, đây là chương trình tín dụng thông thường, không có ưu đãi về lãi suất, nguồn vốn do ngân hàng tự huy động để cho vay, quy mô gói tín dụng cũng chỉ là dự kiến. Việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng các điều kiện tín dụng thông thường của khách hàng như dự án, phương án sản xuất kinh doanh phải khả thi, hiệu quả; khách hàng có khả năng trả nợ hay không... cũng như khả năng huy động vốn của ngân hàng và thỏa thuận.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù  nhiều giải pháp kỹ thuật từ phía các ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn, khơi thông lại thị trường nhưng để BĐS tan băng không chỉ đơn giản chờ vào chính sách.
Có cảm giác như tiền dành cho BĐS hiện nay vẫn là những khoản tiền treo. Gói 30.000 tỷ là có thực nhưng tốc độ giải ngân quá chậm nay chỉ giải ngân được 4%, tương đương 1200 tỷ. Gói liên kết 4 nhà cũng chỉ là ý tưởng đang nằm chờ cam kết.  Để vực dậy thị trường BĐS, yếu tố quyết định là vốn thực và niềm tin.
Dù ngân hàng khẳng định vẫn dành tiền tươi thóc thật cho doanh nghiệp BĐS và người vay tiền mua nhà, nhưng về bản chất, hơn 2 năm nay khối ngân hàng khá "kiềng mặt” đối với thị trường này. Tại các ngân hàng  lớn như VietinBank, dư nợ cho vay trong ngành BĐS ở mức từ 6-7% tổng dư nợ, tương đương 20.000-25.000 tỉ đồng.Tại BIDV, dư nợ cho vay xây dựng lên tới 56.000 tỉ đồng, chiếm 14% dư nợ; cho vay BĐS cũng chiếm gần 28.000 tỉ đồng, tương đương 7%. Ngân hàng Quân đội MB trung bình hàng năm cũng giải ngân được 10.000-15.000 tỉ đồng  cho xây dựng và BĐS. Tuy nhiên những con số thực sự không đủ sức nặng để vực dậy doanh nghiệp lĩnh vực này.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết chiều ngày 6-4, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành khẳng định, nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đang rất khát tiền tươi thóc thật. 30.000 tỷ là tiền thật nhưng cơ chế tiếp cận khó, khiến nó biến thành "ảo”.
Đổi cơ chế khơi thông dòng vốn
Điểm lại thị trường BĐS những năm 2007 – 2008 gắn với tốc độ tăng trưởng tín dụng nóng 30% thấy rằng, một khoản tiền cực lớn của ngân hàng đã dồn vào BĐS. Một doanh nghiệp chỉ cần 30% vốn thậm chí doanh nghiệp không có vốn vẫn có thể "tay không bắt giặc”. Doanh nghiệp huy động tiền người nhà mua mảnh đất giá 20 tỷ, rồi thiếu 80 tỷ lại đi vay ngân hàng. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp không đồng vốn vẫn kinh doanh BĐS. Rồi chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng bắt đầu làm BĐS mềm dần. Cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư quay sang "lừa đảo” lẫn nhau bằng cảnh cho mua nhà trên giấy, thế chấp nhà trên giấy. Thị trường địa ốc vì vậy rơi vào cảnh thiếu tiền.
Tổng hợp thông tin từ khối ngân hàng cũng cho thấy, các khoản tiền theo chính sách vẫn liên tiếp được rót vào BĐS. Tuy nhiên, do cơ chế ngành nhiều điểm nghẽn nên thị trường không thể hấp thụ nổi. Chẳng hạn như tại TPHCM, cho vay BĐS năm 2009 là 78.290 tỉ đồng thì đến năm  2013 con số này tăng vọt lên  103.000 tỉ đồng.
Vậy làm sao để khơi thông dòng vốn thực trên thị trường BĐS? Làm sao để thị trường đón được làn gió mới kích hoạt chuyển động? Theo ông Nguyễn Văn Đực, tại TP.HCM các doanh nghiệp đã chủ động giảm giá bán để tiếp cận với các gói tiền từ cơ quan quản lý. Thế nhưng, phía cơ quan quản lý lại không tạo điều kiện. Cụ thể là ngành xây dựng tìm cách, tìm mọi lý do để không cho doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản phảm. Doanh nghiệp xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nhưng để được duyệt chuyển đổi rất chậm. Doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn. Như vậy đường cung không tiến tới để gặp được đường cầu.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, để thị trường BĐS hồi phục và phát triển theo hướng minh bạch, ổn định và bền vững cần triển khai thực hiện quyết liệt giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Cùng với đó, việc xây dựng các nghị định, thông tư thi hành Luật Đất đai phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống và việc Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cũng được coi là sẽ đem  tới cho thị trường BĐS hy vọng.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật