“Con 50 tuổi vẫn còn thơ”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Vĩnh biệt mẹ!”, người thanh niên la lên thất thanh rồi nhảy ùm xuống nước. Nghe tiếng kêu la, hàng xóm lật đật chạy qua cứu giúp. Cứ vài ngày, cảnh ấy lại lặp lại, người ta lại chứng kiến bà Huệ khóc lóc can ngăn mấy đứa con lên cơn thần kinh, bất thần nhả‌y sôn‌g t‌ּự t‌ּử.
“Con 50 tuổi vẫn còn thơ”
Ảnh minh họa

Căn nhà xập xệ dưới chân cầu Nhị Thiên Đường của bà Huệ dạo ấy chẳng một ngày được yên. Giờ, gia đình bà đã dọn về căn nhà tình thương vững chãi hơn ở P.5, Q.8, TP.HCM. Ba người con đều đã ở tuổi trung niên, bản thân cũng sắp sang thất thập, vợ chồng bà Ngô Thị Huệ và ông Trần Văn Năm vẫn oằn vai nặng gánh “con thơ”.

Trần ai

Kể chuyện nhà mình, bà Huệ nhớ lại quãng thời gian sống trong căn nhà gỗ ven sông, cứ dựng lên sập xuống mỗi lần nước lớn. Căn nhà ấy đã chứng kiến người con trai khỏe mạnh duy nhất của bà lên đường nhập ngũ, ba người con còn lại cứ tới tuổi đỡ đần cha mẹ được thì lần lượt phát bệnh. Anh Trần Ngọc Hồ (SN 1969) bị động kinh từ nhỏ, biểu hiện tâm thần ngày một rõ từ lúc lên năm. Anh Trần Văn Giang (SN 1966) được phát hiện bị bệnh tâm thần lúc 10 tuổi. Cách đây 10 năm, vào cái ngày chị Hải Hà (SN 1972) lần đầu lên cơn co giật, bà Huệ chết lặng gục mặt vào vai chồng; ông Năm ngửa mặt lên trời khóc rống: “Tụi nó tâm thần hết rồi bà ơi!”.

Ngồi đếm… bệnh của cả nhà, bà Huệ tự nhận mình là người khỏe nhất, dù căn bệnh thấp khớp làm đôi chân bà luôn sưng vù, đau nhức không đi được. Ông Năm đã một lần mổ sỏi thận, vẫn còn bị hành hạ bởi bệnh sỏi bàng quang, gai cột sống, đôi tai nghễnh ngãng đã chuyển sang điếc, nói không rõ chữ. Từ ngày phát bệnh thần kinh, ba người con của ông bà bắt đầu suy giảm thị lực, tay chân yếu ớt, run rẩy, phải chống gậy mới đi được. Anh Hồ và chị Hà đã mù hẳn, mắt anh Giang thì đang mờ dần. Mắc bệnh trễ hơn nhiều so với các anh, năm 22 tuổi, biết mình không thoát khỏi căn bệnh gia đình, chị Hà đã nhiều lần tìm đến cái chết, nhưng bà Huệ đều phát hiện, năn nỉ, can ngăn. Nhiều lúc cùng đường, bà cũng muốn chết, nhưng nhìn đàn con ngơ ngác lại không đành. Gần 50 năm làm mẹ, bà xem chuyện mình lo cái ăn cái mặc, dìu đỡ con đi, dỗ dành lúc con bị kích động là chuyện bình thường. Có buổi sáng bà đi làm về tới đầu ngõ đã thấy anh Hồ bị ngã vào tấm cửa kính, đang ngồi bên đống kính vỡ, máu me đầy người, chị Hà và anh Giang đứng bên cạnh, cả ba mặt mũi tèm lem, vừa khóc vừa gọi mẹ. Từ ngày con bệnh, chỉ duy nhất một lần niềm vui lóe lên trong đời đôi vợ chồng già, là khi anh Giang cưới được vợ. Nhưng, cô con dâu không chịu được đòn từ những lần lên cơn của chồng, phải bỏ lại con thơ mà đi.

“Ổng là tay xe ôm… không có xe máy”, bà cười thẹn, kể về người chồng mười mấy năm hành nghề xe ôm bằng những chiếc xe thuê, xe mượn. Vì vẻ già yếu, nghễnh ngãng của ông, khách đi xe ái ngại chẳng dám thuê, nhiều buổi chiều ông về nhà tay không. Để phụ chồng, cứ 21g là bà Huệ lại bắt chuyến xe buýt cuối cùng tới chợ Bình Điền, phụ lặt rau nhút thuê tới 7g sáng hôm sau. Thời gian còn lại trong ngày, bà đi bán vé số, hoặc đi phụ rửa chén cho đám tiệc.

Ngoài chi phí điện nước, thuốc thang cho con, số tiền kiếm được của hai ông bà còn trang trải chuyện học hành cho cháu. Mỗi ngày bà Huệ lội bộ đến chùa Linh Bửu, nhận bảy suất cơm để cả nhà ăn suốt ngày. Sau giờ học, Ngọc Nhân, cháu nội bà, phải đi phụ quán ăn để được bao ăn, nhường phần cơm từ thiện cho cả nhà.

Những bữa không đau ốm, hai anh con trai nằng nặc đòi ra đường đi… làm ăn, kiếm tiền phụ mẹ. Ngăn con không được, bà Huệ phải ra đại lý quen xin cho con được nhận nợ vé số. Chiều nào trở về, con trai cũng ngồi trước mặt mẹ, chìa ra một xấp tiền lẻ, cười hề hà: “Bữa nay lời 700.000 luôn đó mẹ!”. Bà Huệ giật mình, nhìn sang mấy đồng bạc lẻ trên tay con, mới bật cười ra nước mắt. Có hôm, anh Hồ run run quờ quạng cây gậy, kéo lê đôi chân trên đường như đang cố chạy về nhà, vừa chạy vừa khóc vì bị người ta giật mất xấp vé số. Mắt không thấy đường, tay chân yếu ớt, nói năng chậm chạp nên cứ dăm ba hôm anh lại bị gạt, bị giật mất vé số, có khi còn té gãy chân. Bà Huệ lại bươn bả vào viện nuôi con, rồi kiếm tiền đền cho đại lý. Bà lựa lúc khuyên con thôi “làm ăn”, ở nhà nghỉ ngơi dưỡng bệnh, nhưng hai anh cương quyết gạt đi: “Sao nghỉ? Mỗi ngày kiếm năm bảy trăm ngàn về phụ mẹ cũng được chớ!”. Rồi ba người con vui vẻ xúm lại bàn chuyện… cất nhà lầu, chị Hà hào phóng đưa cái vòng bằng nhựa đang đeo trên tay, đòi đem bán để hùn tiền. Người mẹ ngồi giữa cuộc vui của con mà mếu máo. Có hôm bà đang lúi húi bày những phần ăn nhận ở chùa ra mâm, anh Giang xua tay, nổi nóng, trách mẹ có nhiều tiền mà sao cứ lấy cơm chùa. Bà Huệ ấm ức muốn khóc òa nhưng lại thôi. Bà buồn, giận run người, nhưng không phải giận con, mà giận đời, giận căn bệnh hoang tưởng sao khéo trêu ngươi.

Anh em chị Hà dìu nhau

Trả ơn đời

Năm 1987, ông Năm rứt ruột khuyên anh Trần Ngọc Hải, đứa con trai khỏe mạnh duy nhất nhập ngũ. Ngày người đồng đội trở về báo tin anh Hải hy sinh ở chiến trường Campuchia, chính quyền lại báo tin anh đào ngũ, vợ chồng bà như phát dại. Bà Huệ đau đớn chạy khắp nơi kêu oan: “Sao tui cũng chịu được, nhưng nói con tui đào ngũ, phụ rẫy đồng đội, tui đau lắm!”. Mãi 15 năm sau, anh Hải mới được tổ quốc ghi công, gia đình bà Huệ được cấp một căn nhà tình nghĩa, kết thúc quãng đời ăn nhờ ở đậu. Nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang. Một năm sau, bệnh thận của ông Năm trở nặng, phải mổ. Không còn cách nào cứu chồng, bà nhắm mắt bán đi căn nhà, để suốt đời đau đớn vì đã không giữ được “di vật” của con.

Biết hoàn cảnh khốn khó của bà Huệ, có người nhiều lần tới dỗ dành, rủ rê bà đi bán hàn‌g trắ‌ng để đổi đời. Có lúc miếng ăn của con, tiền học của cháu đuổi dồn, bà cũng lung lay, nhưng nghĩ tới người con liệt sĩ, bà lại thôi. “Nghèo đã là một cái tội, còn để cái nghèo tròng thêm vào cổ mình một tội nữa, thì mặt mũi nào mà nhìn đời, nhìn anh linh của con!”, bà nói. Nhưng “cái tội” nghèo đâu vì thế mà buông tha. Sống trong căn nhà tình thương, ăn cơm từ thiện, với bà, giấc mơ được sống một ngày không làm nặng gánh xã hội, hay một cái Tết không phải mang tô tới nhận cơm chùa, vẫn quá xa vời.

Bà rớt nước mắt nghĩ đến ngày mình chết đi, con dại bơ vơ, đứa cháu trai cũng đứt gánh học hành, rồi món nợ ân tình với xã hội chưa một lần đền đáp. “Tui chỉ có thân xác này để trả ơn đời”, nghĩ vậy, bà giấu chồng lên phường tìm hiểu, làm thủ tục hiến xác, đêm về bà tủi phận, trằn trọc không ngủ. Thấy chồng cũng trở người, nhìn mình trân trối, bà bật khóc trút bỏ nỗi dằn vặt, thú thật chuyện hiến xác của mình.

Suốt cuộc trò chuyện, bà Huệ thỉnh thoảng lại quay sang, vuốt tóc, xoa đầu con, cưng nựng: “Con 50 tuổi, vẫn còn thơ…”. Chị Hà đang ngơ ngác ngồi cạnh mẹ, bỗng lết lại, chụp cánh tay mẹ, run rẩy: “Ông Ba Bị kìa mẹ ơi, ổng cầm súng xông vô nhà mình kìa mẹ!”. Bà Huệ quay qua cười một cái để khách yên lòng, rồi đỡ con đứng dậy, dìu con vô phòng… nấp ông Ba Bị. Chiều đã nhập nhoạng, ông Năm vẫn bươn chải đâu đó chưa về. Mới được một người tặng chiếc xe cũ, ông phải gắng gượng, tiếp tục mưu sinh, “cho xứng với lòng tốt của người”.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật