Doanh nghiệp trong nước... dễ thua

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Số vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài tăng rõ rệt mấy năm gần đây, đặc biệt từ khi nước ta chính thức gia nhập WTO (11-1-2007). Thiếu nền tảng pháp lí, chưa có kinh nghiệm xử lí tranh chấp... nhiều doanh nghiệp phải nhận “quả đắng”, thậm chí ngay cả trong trường hợp chứng lí đúng mười mươi.
Doanh nghiệp trong nước... dễ thua
Hãng hàng không Việt Nam đã từng thua kiện một công ty nước ngoài. Ảnh: Bảo Trung

“Ở nhà nhất mẹ nhì con...”

 

Hàng loạt vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài mà phần rủi ro thuộc về doanh nghiệp trong nước đã xảy ra. Chẳng hạn, Công ty Vinafood II đã phải đền 5 triệu USD do không thực hiện được việc giao gạo cho đối tác nước ngoài, vụ Hãng hàng không Việt Nam bị luật sư Maurizio Liberati kiện đòi 5,2 triệu euro, Công ty Centrimex thua kiện mất 1,54 triệu USD vì từ chối không nhận lô phân bón Đức. Gần đây nhất, một doanh nghiệp xuất khẩu lạc đi Đài Loan cũng chịu thua thiệt chỉ vì hớ hênh khi trong hợp đồng dù qui định rất rõ ràng tiêu chí hàng hóa, lạc trồng vụ nào, khu vực nào, kích thước dài- rộng- đường kính hạt lạc bao nhiêu, độ ẩm bao nhiêu mà... “bỏ ngỏ” một chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Rốt cuộc, toàn bộ số hàng “được” xuất khẩu tiếp để sản xuất thức ăn chăn nuôi mà mọi chi phí doanh nghiệp trên phải “gánh”.

Đây là những kinh nghiệm xương máu cho doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế. Theo TS Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, số vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau, đặc biệt giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài tăng rõ rệt mấy năm trở lại đây. Từ năm 2002 đến năm 2008, Trung tâm Trọng tài quốc tế đã giải quyết 198 vụ kiện, trong đó có 149 vụ tranh chấp quốc tế, chiếm 75%. Riêng 10 tháng năm 2008, đã có 41 vụ nhờ đến Trung tâm Trọng tài quốc tế phân xử. Ông Chí dự báo số vụ tranh chấp năm nay có thể tăng lên 50 vụ, đồng thời đánh giá: Tranh chấp không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng cả về giá trị. Số vụ lớn, giá trị tranh chấp 2-5 triệu USD, ngày càng nhiều. Lĩnh vực tranh chấp cũng đa dạng, phức tạp hơn. Nếu như trước đây, các tranh chấp thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là thanh toán, vận tải, bảo hiểm... thì nay có thêm nhiều lĩnh vực mới như đại diện, đại lí, tài chính, ngân hàng, phân phối sản phẩm, đặc biệt là tranh chấp liên quan quyền sở hữu trí tuệ (chủ yếu là sở hữu công nghiệp)... đã xuất hiện. Ngoài ra, có thêm các tranh chấp khác như tranh chấp giữa các thành viên trong công ty, giữa các bên trong liên doanh...

 

Đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị được gì cho các tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh vì thiếu hiểu biết về pháp luật. Do đó, chuyện doanh nghiệp trong nước có thể làm ăn tốt nhưng “ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn ròn hơn ta”, không may gặp phải rủi ro, nhiều doanh nghiệp chấp nhận phần thua thiệt mà ở trên là những ví dụ điển hình.          

 

Thực tế hoạt động giao thương trên thị trường quốc tế cho thấy những yếu kém trầm trọng của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết, do hạn chế của chính lãnh đạo doanh nghiệp, sự hiểu biết chưa đầy đủ về hệ thống pháp luật và chính sách của nước ngoài, pháp luật và thông lệ quốc tế, nhiều doanh nghiệp không chịu tìm hiểu kỹ trước khi ký kết hợp đồng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của đối tác trong thực hiện hợp đồng mà các điều khoản này lại không được phép ở nước ngoài. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp “quên” thẩm định tư cách pháp lí, tài chính của đối tác mà tin tưởng tuyệt đối vào hồ sơ đối tác đưa ra. Thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp chưa tốt, do ở nước ta hệ thống pháp lí thương mại chưa hoàn chỉnh, nhiều quan hệ kinh doanh chưa dựa trên nền tảng pháp luật. Một “lỗ hổng” nghiêm trọng khác là doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý nên dễ bị mắc lỡm đối tác tại các điều khoản hợp đồng.

 

Tòa án hay trọng tài?

 

Phó viện trưởng viện Khoa học pháp lí (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Hạnh cho biết trong thương mại quốc tế, doanh nghiệp thường gặp các loại rủi ro pháp lí cơ bản như: rủi ro liên quan đến quá trình đàm phám, giao kết và thực hiện hợp đồng, rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế, rủi ro trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các vụ kiện chống bán phá giá... Thực tế rất đa dạng. Khi giao dịch, doanh nghiệp có hàng loạt nguy cơ tiềm tàng như rủi ro liên quan đến các quy định về xác lập quyền và chuyển dịch quyền sở hữu, quyền quản lý tài sản theo pháp luật nước ngoài, rủi ro liên quan đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, bí quyết kỹ thuật, chuyển giao công nghệ... Ngoài ra còn có các rào cản thương mại và kỹ thuật, các thỏa thuận về thuế, đặc biệt là việc hiểu và áp dụng pháp luật và thông lệ quốc tế cũng như các thỏa thuận song phương và đa phương giữa các quốc gia...

 

Thông thường, mỗi khi gặp “sự cố” trong nước, tâm lí cố hữu của doanh nghiệp là đề nghị cơ quan quản lí hành chính cấp trên xử lí, nếu không được thì đưa ra tòa. Hiện tại, xu hướng giải quyết tranh chấp bằng tòa án vẫn phổ biến. Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Chí cho hay, đa số quốc gia trên thế giới, mỗi khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp chọn con đường trọng tài do cách thức này có nhiều ưu thế so với giải quyết bằng con đường tòa án. Thứ nhất, thủ tục giải quyết đơn giản, nhanh chóng. Thứ hai, bảo đảm bí mật (xử kín). Đây là điều tối quan trọng đối với doanh nghiệp vì liên quan đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Thứ ba, các trọng tài viên đều là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên trách. Thứ tư, xét xử bằng cơ chế trọng tài chỉ một lần nên kết quả là chung thẩm và hoàn toàn trung thực. Quyết định của trọng tài buộc các bên phải thi hành ngay, nếu không sẽ được chuyển sang cơ quan thi hành án dân sự thực hiện. Đến nay, các quyết định của Trung tâm Trọng tài quốc tế đều được các bên tôn trọng.

 

Phương thức xử lí tranh chấp bằng trọng tài ở Việt Nam tuy đã phát triển song chưa tương xứng với thực tế phát triển của nền kinh tế.

 

Doanh nghiệp phải chuyên nghiệp

 

Việt Nam chính thức gia nhập WTO đã được 1 năm. Hiện cả nước có khoảng 350.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (các nước khác thậm chí gọi đây là những doanh nghiệp cực nhỏ). Ông Chí đánh giá là nhận thức và tác phong chuyên nghiệp trong làm ăn, đặc biệt với đối tác nước ngoài của hầu hết doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thương mại quốc tế. Để tránh những rủi ro pháp lí có thể xảy ra, TS Nguyễn Minh Chí khuyến nghị, doanh nghiệp phải tự nâng cao nhận thức về luật pháp, kĩ thuật, tập quán thương mại quốc tế, đặc biệt là quy định pháp lí liên quan đến xuất nhập khẩu tại các thị trường lớn. Thứ hai, doanh nghiệp cần tạo lập thói quen sử dụng tư vấn của luật sư, chuyên gia pháp lí, trong hợp đồng nên chọn luật (gắn liền nhất với quyền và nghĩa vụ các bên) để áp dụng. Thứ ba, cần kiểm tra xác minh tư cách pháp lí và năng lực tài chính của đối tác nước ngoài trước khi chính thức ký hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hoặc khi thiết lập các quan hệ hợp tác khác với đối tác nước ngoài. Đồng thời, doanh nghiệp nên đưa vào các hợp đồng giải quyết tranh chấp, nếu có, bằng con đường trọng tài. Lí do rất đơn giản là giải quyết bằng con đường tòa án thì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam... vô vọng do không đủ công sức, tài chính hầu tòa.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật