Xã Bình Trung, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn): Đánh cược mạng sống với hà bá

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thôn Xuân Lũng (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) từ lâu được xem như một “ốc đảo” nằm cô lập với vùng xung quanh bởi địa thế một bên là núi cao sừng sững, một bên là sông sâu hun hút.
Xã Bình Trung, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn): Đánh cược mạng sống với hà bá
Người dân qua sông bằng chiếc bè đơn sơ

Để giao lưu, buôn bán với bên ngoài, phương tiện duy nhất mà người dân có thể sử dụng là chiếc bè mảng ghép bằng tre vượt sông Kỳ Cùng.

Dòng sông Kỳ Cùng cắt xã Bình Trung làm 2 khu bên này và bên kia sông. Khu bên này sông thuận lợi bao nhiêu thì bị kia sông lại càng khó khăn, vất vả bấy nhiêu. Và Xuân Lũng thuộc bên kia sông nên mặc dù là một thôn đông dân nhất nhưng lại là thôn nghèo nhất của xã Bình Trung.
Người dân Xuân Lũng muốn đi chợ hoặc đi ra bên ngoài chỉ có cách duy nhất là dùng bè mảng để vượt sông Kỳ Cùng. Tại bãi sông, vài chục chiếc bè mảng xếp thành hàng dài. Ở đây mỗi hộ gia đình đều tự làm ít nhất một chiếc bè mảng để phục vụ cho việc đi lại. Hộ nào không có bè mảng coi như không đi đâu ra khỏi làng được. Đi nhờ bè mảng nhà khác thì lại vô cùng bất tiện. Sông Kỳ Cùng đoạn qua Xuân Lũng bình thường nước chảy khá hiền hòa nhưng vào mùa mưa lũ nước dâng lên cao, chảy xiết dưới đó lại là những mảng đá ngầm rất nguy hiểm. Ông Vi Văn Quân, trưởng thôn Xuân Lũng cho biết, trong thôn hộ nào cũng phải tự chặt tre, ghép lại thành mảng rồi khóa vào các bụi tre sông, tránh việc nước cuốn trôi mất. Nhà ai có xe đạp, xe máy đều phải gửi phía bên sông vì không thể vận chuyển xuống bè mảng được. Bởi vậy, Xuân Lũng có gần 100 hộ với hơn 500 nhân khẩu thì có tới 40 hộ nghèo. Cuộc sống hoàn toàn dựa vào nông nghiệp khi chỉ có 68 ha đất nông nghiệp. Ở Xuân Lũng nuôi được con lợn, con gà, mớ rau bán cũng thấp gần chục giá so với bên kia sông. Vì thế cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng bà con nơi đây đời này qua đời khác.
Theo người dân nơi đây, như khúc sông này, năm nào vào mùa mưa lũ cũng có người chết đuối. Mới đây anh H. V. B đi chợ qua sông thì gặp dòng nước lớn, bè bị chìm nghỉm, anh B. bị dòng nước cuốn đi, tìm mãi chỉ thấy mỗi đôi dép dạt mắc ở bụi cây ven sông.
Người lớn đi lại đã vất vả, đối với trẻ em, học sinh qua lại càng nguy hiểm gấp bội phần. Việc học tập của các em học sinh trong thôn vô cùng gian nan, ngoài việc đeo sách vở các em còn phải mang theo cả mái chèo. Cả thôn hiện có gần 70 em học sinh trong lứa tuổi đến trường. Hàng ngày các em phải tự mình chèo bè mảng vượt sông để đi học. Hàng ngày không chỉ đối mặt với sự nguy hiểm về tính mạng có thể bị "Hà bá” nuốt chửng bất cứ lúc nào. Vào mùa mưa lũ các em còn phải nghỉ học thường xuyên vì nước qua lớn không thể vượt sông. Em Vi Văn Sinh, học sinh lớp 6 chia sẻ: "Nhiều lúc gió bão, chúng em phải nghỉ học cả tuần vì nước quá lớn. Sau đó chúng em sẽ được học bù, nhưng vẫn không theo kịp được  các bạn học cùng lớp. Chúng em cũng chỉ mong có một cây cầu để đi học...”.
Trực tiếp trèo bè mảng dẫn chúng tôi qua sông, anh Vi Văn Biên, Phó Chủ tịch xã Bình Trung trấn an: "Cứ yên tâm, tôi tự chèo bè qua sông năm mấy chục năm rồi nên vững tay chèo lắm, chưa bị lật bao giờ”.  Theo anh Biên, anh sinh ra và lớn lên tại thôn Xuân Lũng nên anh thấu hiểu nỗi khổ của bà con nơi đây. Hàng ngày, để đi sang cơ quan làm việc, anh Biên cũng phải tự đóng cho mình một chiếc bè mảng, tự tay chèo bè vượt sông. "Nhiều lúc mưa to, gió lớn, tôi cũng phải xin nghỉ ở nhà vì không thể vượt dòng sông nước chảy cuồn cuộn… Mong muốn lớn nhất của bà con bao đời nay là có một cây cầu, dù là cầu treo hay cầu tạm cũng được. Như thế kinh tế của Xuân Lũng mới có điều kiện phát triển” - anh Biên thở dài.
Được biết, từ những lời khẩn cầu của người dân, cũng có nhiều đoàn công tác xuống khảo sát nhưng họ đến rồi lại đi đem theo niềm mong mỏi, hi vọng của bà con. Mãi đến năm 2006, UBND huyện Cao Lộc mới bỏ vốn đầu tư làm cho bà con thôn Xuân Lũng cái cầu tạm qua sông. Nhưng niềm vui "ngắn chẳng tày gang”, khi đập thủy lợi xã Khánh Khê (huyện Văn Quan) hoàn thành thì chiếc cầu tạm lại bị chìm sâu dưới lòng nước. Theo quan sát của chúng tôi, Xuân Lũng chỉ cách chợ Khánh Khê khoảng 500 mét. Chỉ cần leo lên bờ sông là đến con đường liên huyện, nên nếu có một cây cầu chắc chắn nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Quang Vỏng-Chủ tịch UBND xã Bình Trung thừa nhận, việc tai nạn và chết đuối khi chèo bè mảng qua sông ở xuân Lũng liên tiếp xảy ra. Việc người dân đi bè mảng tự tạo qua sông là rất nguy hiểm nhất là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, để xây dựng một cây cầu bắc qua sông cũng phải mất tiền tỷ. Xã Bình Trung là một xã miền núi nghèo khó nên ngân sách địa phương không có nên đành bất lực.
Đem những nguyện vọng của bà con Xuân Lũng trao đổi với ông Nguyễn Văn Mạnh- Trưởng phòng kế hoạch tài chính, Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn thì được biết, do địa hình tỉnh Lạng Sơn chia cắt phức tạp nên nhiều nơi người dân phải tự trèo mảng để qua sông vô cùng nguy hiểm. Riêng đối với địa bàn thôn Xuân Lũng, Sở GTVT Lạng Sơn cũng đã khảo sát, tuy nhiên việc xây dựng cầu cho bà con địa phương còn khó khăn do kinh phí eo hẹp, giờ chỉ trông chờ vào ngân sách trung ương.
Trong khi cơ quan chức năng loay hoay về kinh phí thì hàng ngày, hơn 500 con người thôn Xuân Lũng vẫn phải "đánh cược” số phận trên những trước bè mảng mong manh, không biết tai họa sẽ ập xuống bất cứ lúc nào.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật