TP.HCM: Nhiều mặt hàng “nóng” đưa vào diện bình ổn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều mặt hàng “nóng” như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, sữa đã được UBND TP.HCM đưa vào diện bán giá bình ổn từ nay đến Tết Ất Mùi 2015.
TP.HCM: Nhiều mặt hàng “nóng” đưa vào diện bình ổn
Ảnh minh họa

Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu bao gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô), đường (RE, RS), dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản. Ngoài ra, trong nhóm này cũng bổ sung các mặt hàng như nước tương, gia vị, cháo dinh dưỡng, miến, phở khô, thủy hải sản khô…

Sản lượng hàng bình ổn của nhóm lương thực, thực phẩm được cân đối từng tháng, chiếm từ 25 – 30% nhu cầu của thị trường. Cụ thể, lương thực 6.280 tấn/tháng; trứng gia cầm 27,65 triệu quả/tháng; thịt heo 4.395 tấn/tháng; thịt gia cầm 5.970 tấn/tháng; thủy hải sản 792,9 tấn/tháng; rau củ quả 3.440 tấn/tháng…

Đặc biệt, lượng hàng lương thực, thực phẩm bình ổn phục vụ dịp Tết Ất Mùi 2015 chiếm từ 30 – 40% nhu cầu thị trường và tăng bình quân từ 25 – 30% so với kết quả đã thực hiện trong Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua.

Giá bán bình ổn đối với nhóm mặt hàng này phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký giá ít nhất từ 5 – 10%.

Đối với mặt hàng sữa, chương trình bình ổn được áp dụng 6 nhóm sản phẩm gồm: sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho người cao tuổi, người bệnh; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột dinh dưỡng dành cho gia đình; sữa bột chức năng và sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất.

Lượng sữa bột nằm trong danh mục bình ổn thị trường khoảng 3.387 tấn/năm (tương đương khoảng 282 tấn/tháng), tăng 53,5% so với kết quả thực hiện năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014, chiếm 48,4% mức tiêu dùng bình quân của thị trường thành phố. Lượng sữa nước cung ứng ra thị trường phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Điều khiến nhiều người quan tâm đối với mặt hàng sữa hiện nay là giá bán. Kế hoạch bình ổn mặt hàng sữa do UBND TP.HCM ban hành nêu rõ, phải đảm bảo giá bán bình ổn thị trường có tính hợp lý, ổn định và có khả năng dẫn dắt thị trường.

Theo đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phải xây dựng và đăng ký giá bán với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá.

Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động theo hướng tăng, doanh nghiệp linh động điều chỉnh giá nhưng phải đúng quy định Pháp Luật và tính hợp lý.

Riêng đối với mặt hàng dược phẩm, danh mục thuốc bình ổn thị trường được xây dựng căn cứ vào danh mục thuốc chủ yếu dùng cho cơ sở khám chữa bệnh.

Danh mục này gồm 21 nhóm thuốc với 150 hoạt chất của 500 mặt hàng. Số lượng thuốc bình ổn chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu mà người dân thành phố sử dụng trong năm.

Giá thuốc tham gia chương trình bình ổn phải thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng biệt dược) trên thị trường ít nhất từ 5 – 10%, được đăng ký ở Sở Y tế và Sở Tài chính.

Đặc biệt, giá thuốc nằm trong danh mục bình ổn phải được niêm yết công khai và thống nhất ở tất cả các điểm bán thuốc bình ổn thị trường.

Về nguồn vốn cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng từ nguồn vốn tự có và vay các tổ chức tín dụng với hạn mức tín dụng và lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ để cung ứng phục vụ bình ổn thị trường.

Được biết, tính đến thời điểm này đã có 76 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn, tăng 12 doanh nghiệp so với năm 2013.

Tổng hạn mức tín dụng của các ngân hàng đăng ký giải ngân cho chương trình là 8.300 tỷ đồng, tăng hơn 6.300 tỷ đồng so với năm 2013.

Thời gian thực hiện chương trình bán hàng bình ổn đối với các nhóm hàng hóa trên kéo dài 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4/2014 đến hết ngày 31/3/2015.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật