Tâm tình của ôsin ngoại quốc trên đất Việt

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở khu Thảo Điền (Quận 2) có một nơi được xem là xóm trọ của ôsin ngoại quốc. Đó là nơi cư ngụ của hơn 40 người Philippines. Họ đã sang Việt Nam mưu sinh bằng nghề giúp việc nhà nhiều năm nay.
Tâm tình của ôsin ngoại quốc trên đất Việt
Phòng trọ của chị Toreon.

Nghèo khó nên chấp nhận viễn xứ

Khu Thảo Điền chủ yếu tập trung những người giàu có, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nhiều người không chỉ thuê mướn ôsin là người bản xứ mà còn thuê cả người nước ngoài giúp việc.

Chúng tôi có mặt tại dãy trọ của những giúp việc ngoại quốc vào buổi chiều những ngày cuối tháng 3, hơn một nửa số phòng vẫn còn khóa trái, do họ vẫn chưa đi làm về. Chúng tôi bắt chuyện với chị Toreon người Philipines (50 tuổi, quê tại vùng ngoại ô, cách thủ đô Manila hơn 6 giờ đi ôtô).

Chị Toreon sang Việt Nam gần 4 năm nay, hiện đang làm giúp việc, chăm sóc cây xanh cho một ông chủ người Pháp. Nói lý do sang Việt Nam, chị Toreon cho biết: “Sau cơn bão khủng khiếp năm 2009, tôi chẳng còn nhà cửa nên  được một chị họ bảo lãnh sang Việt Nam làm nghề giúp việc. Vừa rồi, cơn bão khủng khiếp Haiyan đổ bộ vào Philippines tháng 11/2013 cũng khiến nhiều người quê tôi tiếp tục trắng tay, sau đợt đó, nơi tôi ở cũng đã có gần 10 chị em tiếp tục kéo qua đây mưu sinh. Họ đi chỉ với hai bàn tay trắng”.

Cũng theo chị Toreon chia sẻ, ngoài nữ giới người ngoại quốc tham gia giúp việc, hiện trong khu chị ở cũng có 4 người đàn ông cũng sang Việt Nam để làm. Họ chủ yếu làm thợ nấu và chăm sóc thú cưng, cây xanh. Trong số đó, chỉ có vài người biết nói tiếng Anh có thể “dùng được”. Còn những người còn còn lại, câu được, câu mất rất khó giao tiếp.

Ở Philippines đa phần họ có cuộc sống nghèo khổ, đi làm công nhân xí nghiệp. Vài năm qua khủng hoảng kinh tế Philippines tăng cao khiến nhiều xí nghiệp, nhà máy cắt giảm biên chế, nhiều gia đình lâm vào cảnh thất nghiệp. Họ sang Việt Nam với ước mơ được “đổi đời”.


Xóm trọ của người dân Phillipines tại Quận 2.

Lương 8 triệu/tháng

Một người phụ nữ khác mà chúng tôi gặp là chị Krit. Chị sang Việt Nam ban đầu với ước mong giản dị là có hai bữa cơm ăn qua ngày. Công việc của chị là chăm sóc cây xanh cho một ông chủ người Ấn Độ. Trong 7 năm làm việc cật lực nhưng bản thân chị vẫn thấy không đủ an tâm.

Tổng thu nhập của chị Krit mỗi tháng tầm 350 đô-la Mỹ (hơn 8 triệu đồng). Giữa một khu có mức sống cao như Thảo Điền, không có "chợ quê" chỉ có siêu thị cao cấp, với thu nhập trên, chị phải rất tiết kiệm may ra mới có dư.Krit nhẩm tính: “Mỗi tháng tôi đóng tiền trọ gần 3 triệu, ăn uống và sinh hoạt gần 3,5 triệu, dư gần 2 triệu để gửi về quê lo cho con cái học tập. Từ ngày sang Việt Nam tôi chẳng dám đi chơi, mua sắm cho riêng mình, làm xong rồi về ngủ, nghỉ lấy sức mai đi làm tiếp. Đời giúp việc như chúng tôi cũng khá bấp bênh, hôm nay có việc không chừng ngày mai có khi lại thất nghiệp ngay. Cuộc sống chẳng biết đâu mà nói trước được, chỉ mong sao có tiền sống qua ngày”.

Theo quan sát, trước cổng siêu thị An Phú (P. Thảo Điền, Quận 2) có rất nhiều mẫu giấy tìm việc làm, đa phần do người Philippines viết và dán vào đó.

Tây “rau muống”

Để tiết kiệm chi tiêu, cuối tuần sau khi đi nhà thờ về các chị lại đón xe buýt sang khu chợ Thủ Đức mua đồ ăn về nấu. Ngoài những món ăn theo kiểu người Philippines họ còn ăn những món ăn Việt Nam. Rau muống là loại rẻ tiền, dễ ăn nên những ôsin ngoại quốc rất chuộng. Một số tiểu thương khu chợ thấy họ da ngâm, dáng cao to, nên gọi họ bằng cái tên “Tây rau muống”.

Chị Toreon cười buồn: “Nghèo quá, không có tiền đành mua rau muống ăn chứ biết làm sao. Chúng tôi cũng hay ăn mì gói lắm. Nhịn một món ăn để có tiền nạp điện thoại gọi về gia đình”.

Ngay tại khu chợ Thủ Đức, những người Philippines còn mặc cả từng đồng bạc. Họ không biết nói tiếng Việt nên chỉ đưa các ngón tay lên cao rồi gập xuống (hạ giá), đồng ý giá thì gật đầu.


Sau giờ làm việc chị Toreon lại về nhà nấu cơm, ngủ nghỉ.

Nỗi nhớ quê nhà

Nếu họ chăm chỉ làm việc, có thể thu nhập trên 8 triệu/tháng, đã là khá hơn so với nhiều người bản xứ không có việc làm hoặc không chịu làm việc. Tuy nhiên, ở họ vẫn triền miên nỗi buồn xa quê.

Trong số 40 con người, hầu hết đều đã có gia đình và con cái. May mắn người nào dư tiền thì 2 năm về nước một lần. Có người gần chục năm chưa biết “mặt mũi” sân bay Tân Sơn Nhất.

Chị Anna Rusia, có hai đứa con, đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi. Đã gần 4 năm chị chỉ nhìn thấy con mình qua email và trang facebook. Nhiều đêm, nhớ con chị chỉ biết khóc một mình.

Ngày chủ nhật được những người ngoại quốc xem là ngày họp “hội đồng hương”, dịp tâm sự, sinh hoạt chung.

Góc bếp của chị Toreon.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật