Ít ai tin cuộc chiến tranh chống ô nhiễm của Trung Quốc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo các nhà hoạt động môi trường, việc quan chức đồng lõa cũng như liên tục ngăn trở các nhà hoạt động môi trường sẽ làm gián đoạn “chiến tranh chống ô nhiễm“ mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát động.
Ít ai tin cuộc chiến tranh chống ô nhiễm của Trung Quốc
Ảnh minh họa

Chống ô nhiễm như chống đói nghèo

Nhiều ngày qua, miền bắc Trung Quốc (TQ) bị vẩn đục với những dải khói màu nâu bẩn, vượt qua mức độ quy định tiêu chí môi trường quốc tế, khiến công chúng thêm giận dữ. Ông Lý Khắc Cường đã công bố một loạt biện pháp để giải quyết tệ nạn môi trường ở nước này.

Tại kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc - Quốc hội Trung Quốc, trong báo cáo công việc hàng năm của mình, Thủ tướng (TT) Lý Khắc Cường nói: "Chúng ta sẽ kiên quyết tuyên bố chiến tranh chống ô nhiễm như chúng ta tuyên chiến chống lại đói nghèo". Ông mô tả làn sương khói màu nâu đó là "đè‌n đ‌ỏ cảnh báo của thiên nhiên đối với phát triển thiếu hiệu quả và mù quáng".

TT Lý cho biết TQ sẽ chuyển đổi 823.602 ha đất nông nghiệp thành rừng và đồng cỏ, đồng thời tiếp tục chiến đấu chống sa mạc hóa và phục hồi vùng đất ngập nước.

Trong một báo cáo riêng biệt, Bộ Tài chính TQ cho biết đã dành 21,1 tỷ nhân dân tệ (3,43 triệu USD) để bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường trong năm 2014, tăng 7,1% so với năm ngoái. 64,9 tỷ nhân dân tệ sẽ được phân bổ cho nông nghiệp, lâm nghiệp và bảo tồn nguồn nước, tăng 8,6%.

Phá hủy hệ sinh thái

Ông Liang Biqi - Trung tâm nghiên cứu thảm họa tự nhiên tại Đại học Trung Sơn (Quảng Châu), tán thành chương trình nghị sự của TT Lý. "Các hệ sinh thái nguồn nước phải được bảo vệ", ông Liang nói. "Hiện đang có sự phá hủy nghiêm trọng của hệ sinh thái của khu vực Lôi Sơn, và có vấn đề rất nghiêm trọng của sự phát triển và khai thác mỏ".

Theo ông Liang, tất cả các sông lớn trên khắp Trung Quốc đều có nguồn từ huyện Lôi Sơn của cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, nhưng các sông băng đang thu hẹp dần qua các năm, và sự sa mạc hoá vùng đồng cỏ tồi tệ hơn mỗi ngày. Ông Liang kêu gọi Bắc Kinh đẩy mạnh quá trình “cho nghỉ hưu” đất nông nghiệp, và khôi phục rừng và đồng cỏ, ngoài các chỉ tiêu cho phép trong báo cáo của Thủ tướng TQ.

"Ngoài ra, có rất nhiều vấn đề với mực nước ngầm ở miền bắc Trung Quốc vì có sự phát triển trên quy mô quá lớn làm các tầng chứa nước ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng", ông Liang nói. Trong khi đó, các con sông ở phía nam vẫn đang chịu áp lực môi trường rất lớn. "Đi theo sông Trân Châu ở tỉnh Quảng Đông, có thể thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục lặng lẽ lấy nước từ nó", ông nói .

Chương trình "Người gây ô nhiễm trả tiền"

Cùng lúc TT Lý tuyên bố về "cuộc chiến" của mình, Ủy ban nhà nước về Cải cách và Phát triển Trung Quốc cho biết sẽ thiết lập một đề án "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Đề án này sẽ bồi thường nạn nhân của thiệt hại môi trường và bảo đảm chính quyền địa phương có trách nhiệm.

Các nhà vận động nói rằng Trung Quốc đã có một thiết lập một khuôn khổ Pháp Luật về bảo vệ môi trường, nhưng quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các quan chức khiến cho Pháp Luật nhiều khi không được thực thi ở cấp địa phương.

TT Lý cho rằng tham nhũng vẫn là một trong những rào cản lớn nhất đối với bảo vệ môi trường ở Trung Quốc. "Theo quan điểm của tôi, vấn đề không chỉ là các công ty phải chịu trách nhiệm, nhưng các quan chức và cơ quan chính phủ có nghĩa vụ phải được ủng hộ trong việc giám sát các công ty", ông nói.

Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường – những người cố gắng hướng mọi người chú ý tới các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc các quan chức tham nhũng, thường bị giam giữ, bị sách nhiễu và trả thù bằng các hình thức khác.

Wu Lihong, người từng thụ án tù liên quan đến việc vận động chống ô nhiễm môi trường ở Thái Hồ - hồ lớn nằm ở miền Trung Trung Quốc, cho biết ông đã bị tăng giám sát an ninh trong thời gian diễn ra các phiên họp Quốc hội thường niên ở Bắc Kinh, kết thúc vào trung tuần tháng 3.2014.

"Việc đối xử với tôi kiểu đó là không bình thường ở mọi khía cạnh", Wu nói. "Tôi đã không làm điều gì để gây ra rắc rối xung quanh các phiên họp quốc hội, tôi cũng không tham gia vào các kiến nghị bất hợp pháp".

"Tôi đã đến Bắc Kinh để đề xuất một hành động nhằm cắt giảm khí nhà kính, nhưng cảnh sát từ quê hương Vô Tích của tôi, thậm chí cả các quan chức từ làng tôi, đã theo tôi đến Bắc Kinh và buộc tôi phải trở về nhà. Điều này vi phạm quyền con người của tôi", ông Wu nói.

Theo ông Wu, báo cáo công việc của Thủ tướng Lý đã có những lời lẽ mạnh mẽ nhằm bảo vệ môi trường, nhưng chính quyền địa phương rất khó thực hiện - họ còn mải lo lắng để tăng nguồn thu ngân sách và bảo đảm số liệu tăng trưởng kinh tế. "Chỉ một người muốn thì việc không thành", ông Wu nói.

Ủy ban Phát triển và Cải cách cũng đã hứa sẽ có hành động trong năm 2014 để giải quyết ô nhiễm môi trường nông nghiệp, bao gồm cả đất nông nghiệp ô nhiễm kim loại nặng, với 8 triệu mẫu đất quá ô nhiễm không thể trồng trọt.

Tháng 2.2014, chính phủ TQ cho biết sẽ chi 2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước khan hiếm. Nhưng ông Wu vẫn nghi ngờ, nhắc lại việc chính quyền trung ương đã được “đặt hàng” làm sạch Thái Hồ trong thập kỷ qua, nhưng mức độ ô nhiễm của Thái Hồ đã thay đổi rất ít.

Theo một báo cáo năm 2013 của nhóm “Những người bạn của thiên nhiên”, ô nhiễm không khí và nước tăng, cũng như các tranh chấp về ảnh hưởng của kim loại nặng từ khai thác mỏ và công nghiệp, đã buộc những người Trung Quốc bình thường ngày càng tham gia nhiều vào bảo vệ môi trường và các hành động phản đối.

Giải pháp và các nhà hoạt động

Theo ông Wu, giải pháp duy nhất cho vấn đề gắn liền với việc chính phủ chấp nhận các nhà hoạt động độc lập, các nhà hoạt động phi chính phủ. "Nếu họ tiếp tục đàn áp các nhà hoạt động môi trường và từ chối thực hiện giám sát công cộng, thì sẽ không có bất kỳ hy vọng gì có được một giải pháp cho vấn đề môi trường của Trung Quốc".

Các quan chức đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng môi trường, với hơn một nửa các thành phố bị ảnh hưởng bởi mưa axit và 1/6 số lượng sông lớn quá ô nhiễm, tới mức không thể lấy nước sông tưới cho mùa màng.

Tháng 7.2013, các nhà hoạt động ở thành phố Nam Kinh kêu gọi phải minh bạch chi tiết cho công chúng về chất lượng nước uống, giữa những lo ngại ngày càng tăng về y tế công cộng và an toàn của người tiêu dùng.

Trung Quốc đã ban hành một tài liệu ngày 1.7.2012 thiết lập tiêu chuẩn an toàn mới cho các nhà cung cấp nước uống công cộng, tăng từ 35 bài test bắt buộc kiểm tra độ tinh khiết lên 106, nhưng các nhà hoạt động nói rằng không có sự cập nhật của chính phủ kể từ đó.

Phương tiện truyền thông chính thức báo cáo trong tháng 1.2012, không tới một nửa số đơn vị cấp nước tập trung của Trung Quốc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng do Chính phủ ban hành.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật