“Mờ đi toàn cầu”

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khói thải che phủ bầu trời gây những nguy hại không kém “ấm lên toàn cầu”.
“Mờ đi toàn cầu”
Khói thải từ máy bay là một trong những nguyên nhân che phủ bầu trời -Ảnh: Wiki

Ba ngày sau sự kiện khủ‌ng b‌ố ngày 11-9-2001, trên bầu trời nước Mỹ đã xảy ra tình trạng chưa từng có: ngoại trừ một số ít máy bay quân sự, toàn bộ các máy bay khác đều không được cất cánh. Tình trạng này tạo ra một cơ hội hiếm có cho các nhà khoa học khảo sát ảnh hưởng của khói thải từ động cơ máy bay đối với khí hậu.

Khói thải chặn ánh nắng

Kết quả quan trắc cho thấy trong thời gian đó chênh lệch nhiệt độ ngày đêm nhiều thêm khoảng 1oC tại một số nơi trước đây có cường độ máy bay hoạt động cao. Kết quả này cho thấy khói thải có khả năng làm giảm nhiệt độ khí quyển. Các hạt li ti (aerosol particles) trong khói thải có tác dụng phản chiếu bức xạ mặt trời, làm cho lượng bức xạ đến được bề mặt trái đất giảm đi và do đó làm giảm nhiệt độ không khí.

Số liệu quan trắc toàn cầu cho thấy lượng bức xạ mặt trời đến được bề mặt trái đất đã giảm khoảng 4% trong giai đoạn 1950-1990. Hiện tượng này có nguyên nhân từ việc gia tăng hàm lượng các hạt li ti trong khí quyển, có nguồn gốc chủ yếu từ carbon và sulphat, do hoạt động của con người tạo ra. Các hạt li ti làm thành các nhân ngưng kết hơi nước, giúp hình thành những đám mây có khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời rất mạnh. Hiện tượng này được đặt tên là “global dimming” (tình trạng mờ đi toàn cầu).

Khói thải từ động cơ máy bay không phải là nguồn gốc duy nhất của các hạt bụi li ti trong khí quyển. Ô nhiễm không khí gây ra do việc cháy không hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, khói từ các nhà máy công nghiệp, cháy rừng, tro bụi phun trào từ núi lửa là nguyên nhân chính tạo nên các hạt li ti trong khí quyển. Tình trạng mờ đi toàn cầu tạo ra một ảnh hưởng ngược chiều với tình trạng ấm lên toàn cầu (global warming).

Nếu ví tình trạng ấm lên toàn cầu như là tấm chăn làm cho nhiệt độ khí quyển tăng lên, thì tình trạng mờ đi toàn cầu được xem như là chiếc ô làm mát trái đất. Tình trạng mờ đi toàn cầu đã làm các quan trắc về gia tăng nhiệt độ khí quyển không thể hiện được toàn bộ mức độ nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Nguy hiểm cận kề

Bộ mặt xấu xa của con quái vật “global warming” đã được mặt nạ “global dimming” che bớt một phần. Một số tính toán cho thấy tình trạng mờ đi toàn cầu có thể đã làm giảm đến 50% tác động gia tăng nhiệt độ khí quyển gây ra do tình trạng ấm lên toàn cầu. Và như vậy quy mô tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính thật sự nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những gì số liệu quan trắc đã cho thấy.

Ngoài tác động làm giảm nhiệt độ khí quyển, tình trạng mờ đi toàn cầu còn gây ảnh hưởng rất lớn đến chu trình tuần hoàn nước trên trái đất. Năng lượng cần thiết cho chu trình tuần hoàn nước đến từ ánh sáng mặt trời.

Việc giảm bức xạ mặt trời đến được bề mặt đại dương có thể làm giảm lượng nước bốc hơi và do đó gây trở ngại rất lớn đến tuần hoàn nước. Hậu quả là mưa sẽ ít hơn và lượng nước ngọt cung cấp cho các hệ sinh thái trên cạn sẽ ít đi. Một số nhà khoa học đã nêu giả thuyết tình trạng mờ đi toàn cầu là nguyên nhân chính gây ra hạn hán khốc liệt ở vùng cận sa mạc Sahara trong những năm 1970-1980. Tuy nhiên các giả thuyết này khó có thể được chứng minh một cách triệt để.

Từ năm 1990 đến nay tình trạng mờ đi toàn cầu có xu hướng giảm, chủ yếu do các nước công nghiệp hóa ở châu Âu và Bắc Mỹ đã áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí. Xu hướng trong sạch hóa môi trường đang ngày càng được mở rộng trên nhiều nước. Tình trạng sáng lên toàn cầu (global brightening) đang được ghi nhận. Tuy nhiên các nỗ lực làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính lại không có được tiến bộ gì đáng kể. Chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với biến đổi khí hậu ở quy mô và tốc độ lớn hơn nhiều so với dự kiến.

Gửi CO2 xuống biển

Theo báo cáo môi trường của LHQ, khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người tính từ năm 1970-2004 đã gia tăng đến 70%. Điều này làm trái đất ngày càng nóng dần. Một trong những biện pháp ngăn chặn sự nóng dần của địa cầu do Công ty Climos ở California (Mỹ) đề xuất thử nghiệm là đổ bụi sắt xuống biển.

Bà Margaret Leinin - trưởng nhóm khoa học gia tại Climos - giải thích phương pháp này sẽ thúc đẩy sự sinh sản của tảo dưới đáy biển để chúng hấp thu CO2 từ không khí. Khi tảo chết đi, chúng sẽ chìm dưới đáy biển và thải lại CO2. Cùng chung ý tưởng “đại dương là nơi lưu trữ rộng lớn đầy tiềm năng khí CO2” giống Climos là Công ty Ocean Nourishment của Úc và Atmocean ở New Mexico (Mỹ). Những nhà khoa học ủng hộ ý tưởng này cho rằng họ sẽ tổ chức các cuộc thử nghiệm tránh làm tổn hại đến đại dương.

Cũng có những ý tưởng khác là phun những phân tử khói nhỏ vào bầu trời để tạo lớp màn che phủ ánh sáng mặt trời, hay thậm chí “dàn trận” bằng một rào chắn kim loại mỏng trong không gian với khoảng 100 tàu con thoi để làm chệch tia nắng mặt trời.

Tuy vậy những người phản đối cho rằng các ý tưởng trên vẫn còn mang tính suy đoán và chưa được chứng minh. Đó là chưa kể những hệ lụy chưa tiên đoán được. Có thể kể ra được các tác động trước mắt khi đổ bụi sắt xuống biển là sẽ làm nước biển nhiều acid hơn. Hệ quả kèm theo là làm suy yếu khả năng tạo vỏ của các loài động vật có vỏ, cua hay tôm hùm. Như vậy nguyên chuỗi hải sản của đại dương bị tác động.

Theo ông Terry Barker - hiệu trưởng Trung tâm Cambridge chuyên về nghiên cứu sự làm nhẹ trong thay đổi môi trường - “đại dương của chúng ta đã chịu đựng quá đủ “chén xúp hóa học” về ô nhiễm do con người gây ra. Không cần thiết phải thêm chất nào vào để hỗn độn thêm nữa”. Với tình trạng suy thoái tài chính hiện nay, nhiều nhà khoa học đã e sợ nhiều chính phủ của các quốc gia sẽ tìm kiếm phương pháp “kỹ thuật địa cầu” ít tốn kém trong việc làm giảm khí thải trái đất để chống lại tình trạng Trái đất ấm dần.

Tuy nhiên, những người ủng hộ biện pháp “kỹ thuật địa cầu” như Công ty Climos cũng có những lý lẽ của mình. Họ cho rằng mức thiệt hại trên mặt đất do chính con người gây ra hiện nay từ khí thải nhà kính như lũ lụt nhiều hơn, hạn hán khắp nơi, nhiều dịch bệnh hay mực nước biển tăng. Điều này không khác gì “chúng ta đã dùng dùi cui để đánh thiên nhiên” theo cách ví von của giáo sư Victor Smetacek thuộc Học viện Alfred Wegener của Đức. Giáo sư Smetacek cũng có kế hoạch thử nghiệm tích trữ CO2 dưới đại dương với sulphat sắt vào đầu năm 2009.

Cụ thể, học viện của ông sẽ hợp tác với Ấn Độ rắc khoảng 20 tấn sulphat sắt ở vùng biển quần đảo Nam Georgia trên diện tích 300km2. Giáo sư cho rằng sắt có hiệu ứng rất tốt. “Thêm sắt vào đại dương chẳng khác gì đổ nước vào sa mạc. Chúng ta không có đủ không gian để chứa carbon mà chúng ta sản xuất trên mặt đất nên chúng ta tìm cách tích trữ dưới đại dương”.

Chi phí cho các cuộc thử nghiệm đổ bụi sắt xuống đại dương vào khoảng 10 triệu USD. Hiện Climos đang chờ kết quả báo cáo của Tổ chức Hàng hải quốc tế dự kiến sẽ được công bố tại London (Anh) trong tuần cuối tháng mười để đưa ra quyết định của chính mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật