Vì đâu... khắc khẩu?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Hễ tui nói đông thì ảnh nói tây, hễ tui nói xuôi thì ảnh nói ngược. Nhiều khi chuyện bé xé ra to, chuyện trên trời rớt đùng xuống mặt đất chỉ vì... khắc khẩu”, Mai bức xúc kể lể với cô bạn thân và không quên lôi ra hàng tá ví dụ cụ thể, sinh động.
Vì đâu... khắc khẩu?
Ảnh minh họa

Buổi sáng cuối tuần qua, hai vợ chồng dẫn cu Tin đi tập bơi. Ngồi trên bờ, Mai và ông xã đều thấy thư thái và hài lòng khi thầy dạy bơi rất nhiệt tình hướng dẫn và cu con cũng có vẻ hứng thú. Chuyện chẳng có gì nếu hai vợ chồng không... bỗng  nhiên trông thấy một cảnh đặc biệt: một ông bố trẻ nọ xuất hiện trong hồ bơi, anh ta cứ liên tục “làm xiếc” với cô con gái nhỏ xíu chưa đầy hai tuổi bằng cách tung bé lên, cho nó quay một vòng trên không rồi làm... rớt xuống nước.

Động tác anh ta rất nhẹ nhàng, chuẩn xác, tự tin, nhưng cố tình không đỡ cô bé ngay khi bé rớt xuống, thành ra bé sẽ có một khoảng thời gian chới với trong nước, và người ngồi trên bờ nhìn xuống không khỏi thót tim. Mai cố nghĩ rằng anh ta đang tập cho con, và tin rằng trẻ con có phản xạ với nước, sẽ biết nín thở khi bị rơi xuống như vậy, nhưng cô vẫn thấy xon xót cho đứa trẻ.

Khi đó, chồng cô bật ra nhận xét: “Thằng cha kia đúng là điên, hành tội con hắn, tưởng là hay”. Mai cũng đang định nói điều đó, nhưng không hiểu sao khi nghe chồng nói người kia “điên”, “hành tội con”, thì cô lại cãi thay cho anh ta: “Nhiều khi rèn cho con tính tự lập cũng là cách hay. Chắc anh ta cố tình như vậy vì biết em bé sẽ chẳng sao cả”. “Rèn tính tự lập cái gì. Anh ta muốn biểu diễn cho thiên hạ coi thì đúng hơn”.

Cứ mỗi người một câu, chuyện trở thành cuộc tranh cãi về quan điểm giáo dục trẻ, về điều kiện cơ sở vật chất của các hồ bơi xứ ta... rồi cuối cùng là “Cô thích tôi dạy con kiểu đấy hả?”, và “Vâng, tôi là người tính tình cẩu thả nhất thế giới”... và mặt ai cũng hầm hầm tức giận.

Rõ ràng khi nghĩ lại, trong nhiều chuyện khác, Mai thấy quan điểm của mình với chồng cũng chẳng khác nhau là bao, nhưng dù xuất phát điểm có giống nhau, cứ nói ra một lúc lại thành chuyện bất đồng.

Có hôm, chồng kể chuyện đồng nghiệp của anh có con mới bốn tuổi mà cho đi học thêm đủ thứ, từ tiếng Việt đến tiếng Anh, từ võ đến vẽ, từ đàn đến múa... Lâu nay hai vợ chồng đều thống nhất quan điểm về chuyện không nhồi nhét cho con, chú trọng dạy con kỹ năng sống, thế nhưng hôm đó trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa, khi Mai “lỡ” nói đến một cuốn sách hiện đại nào đó cho rằng trẻ con có thể dung nạp được rất nhiều điều, và dù là số ít, không phải phổ biến, nhưng vẫn có những đứa trẻ kiệt xuất, bố mẹ sẽ “có lỗi” khi không tạo điều kiện và khai thác hết tiềm năng của con.

Cứ như vậy, quan điểm dạy con kiểu ta, kiểu Tây, kiểu Nhật, kiểu Mỹ... tuôn trào theo tiếng nói mỗi người, để rồi cuối cùng cũng là mục “liên hệ” bản thân đầy hậm hực: “Anh chê tôi không biết nuôi dạy con hả?”, và “Cô coi thường tôi thế thì đừng có coi tôi là ba thằng Tin!”...

Mai thú thật là nhiều lúc cả hai vợ chồng đều có cảm giác mình sai, hoặc lên gân quá, nên chỉ cần một trong hai dịu giọng là người kia cũng hạ hỏa liền. Thế nhưng lần sau thì cứ thế.

Cô bạn thân đã nghe nhiều những lời kể lể của Mai, chỉ rút ra kết luận ngắn gọn là: phải nhịn! Anh ấy nói gì, dù thấy ngang, thấy ngược, hãy tập im lặng một chút trước khi phản kháng.

Mai vốn thông minh, lanh lẹ nên quen tính hiếu thắng, không phải cô không biết bí quyết “cơm sôi nhỏ lửa”, nhưng cô vẫn thấy khó, vì còn canh cánh câu hỏi: “Sao anh ấy không nhịn tôi?”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật