ĐD Nguyễn Tài Văn: Cái khó của phim khoa học là tạo nên sự mềm mại

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chia sẻ về điều khó khăn khi thực hiện một bộ phim khoa học, ĐD Nguyễn Tài Văn (Ban Khoa giáo - Đài THVN) cho rằng làm thế nào để tạo được sự mềm mại trong nội dung phim là điều ê-kíp sản xuất luôn cân nhắc bởi từ đó mới có thể thu hút được khán giả truyền hình.
ĐD Nguyễn Tài Văn: Cái khó của phim khoa học là tạo nên sự mềm mại
Đạo diễn Nguyễn Tài Văn (trái) nhận giải Cánh diều vàng

Kể từ sau khi nhận được chiếc cúp cho giải Cánh diều vàng dành cho Phim khoa học xuất sắc nhất và Đạo diễn phim khoa học xuất sắc nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Tài Văn cũng như cả ê-kíp vẫn chưa hết vui mừng và xúc động. Anh chia sẻ: “Đến tận bây giờ, tôi và các anh em trong đoàn làm phim vẫn cảm thấy rất vui và hồi hộp khi bộ phim của mình và bản thân mình được nhận một giải thưởng cao quý của Hội Điện ảnh như vậy”.

Trước khi lễ trao giải Cánh diều 2013 diễn ra, anh và ê-kíp có nghĩ tác phẩm của mình giành được ngôi vị cao nhất ở thể loại phim khoa học?

- Trong danh sách các tác phẩm đề cử ở thể loại này cũng có rất nhiều bộ phim hay. Với tôi, đây là một bộ phim đầu tay và thú thực là trước lúc lễ trao giải diễn ra, tôi cũng không nghĩ là bộ phim của tôi lại được giải thưởng cao nhất của Hội Điện ảnh. Vì tôi nghĩ tất cả những đạo diễn đi trước đều có nhiều kinh nghiệm, thủ pháp nghề nghiệp riêng và mình còn phải học hỏi nhiều! (Cười)

Vậy điều gì đã thôi thúc anh và ê-kíp thực hiện bộ phim này?

- Chúng tôi đã được lãnh đạo Ban Khoa giáo cũng như các đồng nghiệp của phòng Phim tài liệu khoa học tạo điều kiện rất nhiều trong quá trình sản xuất. Bản thân tôi là một người mới, tất cả những gì về mặt nghề nghiệp, kinh nghiệm về thủ pháp đạo diễn cũng còn nhiều yếu tố phải đặt ra. Nhưng sự giúp đỡ của các đồng nghiệp là động lực rất lớn giúp tôi hoàn thành bộ phim này.

Thể loại phim tài liệu khoa học dường như là khô khan và kén người xem. Anh có nghĩ đây là một trở ngại cho ê-kíp khi bắt tay sản xuất bộ phim này?

- Đúng là tất cả những nội dung khoa học thường rất khô khan, công thức và khi diễn tả những nội dung khoa học bằng hình ảnh lại rất khó nên việc làm thế nào để lôi cuốn người xem cũng là điều làm chúng tôi phải cân nhắc. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi đã cố gắng vận dụng rất nhiều thủ pháp của điện ảnh để làm “mềm” nội dung khoa học của bộ phim.

Sự mềm mại anh vừa nói đã được thể hiện trong “Chuyện của đá” như thế nào?

- Thế mạnh của tôi là hình ảnh. Tôi luôn muốn mang đến những hình ảnh thật đẹp, thật mềm mại để thu hút người xem lại gần với nội dung khoa học của tôi hơn. Ở Chuyện của đá, tôi đã dùng những thủ pháp của điện ảnh, kết hợp sự chuyển động của hình ảnh với âm nhạc để mang lại sự mềm mại trong nội dung bộ phim.

Tôi vẫn thắc mắc tại sao anh lựa chọn tên phim là “Chuyện của đá”? Có vẻ hơi cứng nhỉ!

- Nội dung phim của tôi muốn nói lên lịch sử hình thành vùng cao nguyên đá Hà Giang nên tất cả những gì về sự ra đời của đá, những nét văn hóa gắn liền với đá đã được tôi gói gọn trong cái tên Chuyện của đá.

Được biết bộ phim “Chuyện của đá” đã được phát sóng trên VTV. Vậy sau đó, anh và ê-kíp có theo dõi phản hồi của khán giả không?

- Bộ phim này khi phát sóng có thời lượng 2 tập. Sau đó, chúng tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực của lãnh đạo Ban Khoa giáo, lãnh đạo Đài THVN và cả khán giả. Theo như đánh giá của lãnh đạo Đài THVN, bộ phim của tôi có những hình ảnh đẹp, được trau chuốt kỹ lưỡng từ trước đến nay. Tôi cảm thấy rất vui về điều đó.

Anh có nghĩ điều đó là một thành công lớn của mình với bộ phim đầu tay?

- Cũng có thể đây là một thành công bước đầu của tôi. Trong thời gian tới, tôi nghĩ mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để phát triển các sản phẩm của mình.

Vậy trong quá trình sản xuất, anh và ê-kíp còn gặp khó khăn nào khác ngoài việc tạo sự “mềm mại” cho nội dung phim không? Tôi nghĩ quay phim trên một cao nguyên đá hiểm trở hẳn là một điều không dễ thực hiện!

- Khó khăn thì rất nhiều. Đúng như bạn nói, công việc di chuyển trên vùng cao nguyên đá cheo leo rất vất vả. Mặc dù trong phim tôi chỉ dùng 3 cảnh quay trên cao nguyên đá nhưng để quay được các cảnh tại đây cũng tốn thời gian, công sức. Chúng tôi đã mất khoảng 2 ngày để có được một cảnh quay ưng ý.

Có thể kể ra đây là cảnh đúc lưỡi cày của người H’Mông. Khi thực hiện cảnh quay này, chúng tôi phải tìm đến một lò rèn truyền của họ mà những lò rèn như vậy ở Hà Giang hiện nay là gần như không có. Chúng tôi đã phải di chuyển suốt 6 tiếng đồng hồ mới đến được địa điểm ghi hình.

Khi vào đến nơi lại không có một ai biết nói tiếng phổ thông nhưng rất may người dẫn đường của chúng tôi có thể hiểu được ngôn ngữ của người H’Mông, giúp chúng tôi thực hiện xong cảnh quay này.

Đạo diễn Nguyễn Tài Văn cho rằng điều khó khi làm phim khoa học là tạo sự mềm mại cho nội dung tác phẩm

Quá trình từ lúc bắt đầu cho đến khi bộ phim hoàn thành là bao lâu vậy anh?

- Tôi đã mất khoảng 3 tháng cho quá trình chuẩn bị thực hiện bộ phim, từ việc gặp gỡ các nhà khoa học cho đến việc nghiên cứu hướng khai thác đề tài bộ phim. Chúng tôi cũng trao đổi trước với các nhà khoa học để thuyết phục họ trở thành những nhân vật xuất hiện trong các cuộc trao đổi của bộ phim mỗi khi mời họ đến địa điểm ghi hình.

Kỷ niệm nào là đáng nhớ của anh và cả ê-kíp trong quá trình thực hiện bộ phim này?

- Đoàn chúng tôi đã di chuyển trong một khoảng thời gian “khủng khiếp” để có thể đến được tất cả các địa điểm mình mong muốn, nhất là khi đi cùng các nhà khoa học. Chúng tôi phải tính toán thời gian hợp lý nhất. Có khi đến được địa điểm ghi hình, các nhà khoa học cũng đã rất bơ phờ và họ không ngờ đoàn làm phim của VTV lại có thể di chuyển khỏe đến vậy.

Quá trình làm phim vất vả là vậy. Nhưng bù lại, thành công mà anh và ê-kíp sản xuất gặt hái được cũng xem như một phần thưởng xứng đáng khi cùng một lúc giành 2 giải Cánh diều vàng cho Phim khoa học xuất sắc nhất và Đạo diễn phim khoa học xuất sắc nhất. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với anh và cả ê-kíp?

- Đạt được giải thưởng như vậy, cá nhân tôi và các anh em trong đoàn làm phim đều cảm thấy rất vui. Niềm vui ấy vẫn còn râm ran trong mỗi chúng tôi cho đến tận ngày hôm nay. Tôi nghĩ đây là một động lực giúp cá nhân tôi và các đồng nghiệp phấn đấu hoàn thành các sản phẩm tiếp theo tốt hơn nữa, đặc biệt là khi có sự đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật giúp tạo nên những hình ảnh trau truốt cho một phim khoa học.

Nói một chút về 2 bộ phim giành giải Cánh diều bạc, anh nhận xét thế nào?

- Tôi đánh giá rất cao 2 bộ phim đó bởi tính công phu trong từng cảnh quay. Ví dụ như cảnh quay chim bắt mồi dưới nước, ê-kíp sản xuất đã phải đầu tư rất nhiều thời gian để diễn tả trọn vẹn hình ảnh đó. Tôi cũng là một thành viên có mặt trong đoàn làm phim đó nên có thể hiểu được sự vất vả của cả ê-kíp trong quá trình sản xuất. Tôi nghĩ rằng bộ phim của tôi may mắn hơn một chút khi được Ban giám khảo đánh giá cao ở thể loại này.

Theo anh, yếu tố nào là quan trọng nhất để làm nên thành công cho một bộ phim khoa học? Nghĩa là không làm phim quá khô cứng và vẫn thu hút được người xem!

- Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp lẫn nhau giữa những người làm phim và các nhà khoa học. Khi kết hợp được với những nhà khoa học, mình sẽ hiểu rõ thêm vấn đề và chuyển biến những thông tin, hình ảnh khoa học tới khán giả một cách linh hoạt và mềm mại.

Đây là lần đầu tiên anh đạt giải Cánh diều vàng dành cho đạo diễn xuất sắc nhất. Vậy trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục thực hiện công việc của mình như thế nào?

- Đạt được giải Cánh diều vàng chính là động lực giúp tôi phấn đấu hoàn thiện những sản phẩm tiếp theo của mình. Tôi nghĩ mình sẽ cố gắng phát huy nhiều hơn nữa thế mạnh của mình trong tương lai.

Anh có nghĩ rằng thành công này tiếp tục là đà phát triển cho các bộ phim khoa học do Đài THVN sản xuất trong tương lai?

- Tôi nghĩ cùng với sự đam mê làm phim khoa học, sự quan tâm của lãnh đạo Đài THVN, sự đầu tư trang thiết bị kỹ thuật sẽ giúp thành công này được phát triển hơn nữa trong tương lai.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp phòng Phim tài liệu khoa học giành được giải thưởng của Hội Điện ảnh. Tôi nghĩ thành công này chính là động lực giúp cho thế hệ những nhà làm phim đi sau phấn đấu hơn nữa trong quá trình làm nghề.

Nhìn rộng ra một chút, trong suốt quá trình gắn bó với nghề nghiệp, anh đánh giá thể loại phim khoa học Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào để có thể thu hút người xem?

- Nói về sự thu hút người xem ở thể loại phim khoa học, có thể thấy, ở nước ngoài, điều này là rất thành công vì họ đã có những đầu tư chiều sâu, kể cả về phương tiện kỹ thuật, con người, thời gian và kinh phí. Vậy nên, theo tôi, nếu các bộ phim khoa học ở Việt Nam được đầu tư hơn nữa sẽ có được bước phát triển mới và thu hút khán giả truyền hình.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! Chúc anh và các đồng nghiệp sẽ có nhiều hơn nữa những bộ phim khoa học thu hút sự quan tâm của khán giả truyền hình Việt Nam!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật