S-Fone sẽ kéo Saigon Postel (SPT) ‘ra đi’?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau EVN Telecom, có thể sẽ có thêm một doanh nghiệp viễn thông nữa sẽ biến mất trên thị trường Việt Nam vì không cạnh tranh nổi.
S-Fone sẽ kéo Saigon Postel (SPT) ‘ra đi’?
Mạng di động S-Fone của SPT hầu như không còn thuê bao nào nữa!

10 năm trước đây, một kịch bản cho thị trường viễn thông Việt Nam trong tương lai đã được các chuyên gia viễn thông dự báo rằng, sau thời gian trăm hoa đua nở sẽ trở về đâu đó ở con số 3 như một con số chung của nhiều thị trường trên thế giới. Lẽ đương nhiên sau khi không chịu nổi áp lực cạnh tranh sẽ có doanh nghiệp bị phản sản hoặc phải sáp nhập. Thời điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel (lúc đó là Phó Tổng giám đốc Viettel) đã dự báo và lưu ý rằng thị trường viễn thông Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhà nước, vì vậy ngoài yếu tố thị trường còn có ý chí của Nhà nước.

Sau thời gian mở cửa, thị trường viễn thông Việt Nam đã chứng kiến những đại gia viễn thông thế giới "sa lầy" rồi phải chọn giải pháp "tẩu vi thượng sách" như Vimpelcom, SK Telecom. Không chỉ có các đại gia viễn thông ngoại, trên thị trường viễn thông Việt Nam ngoài VNPT và Viettel thì hầu hết các doanh nghiệp viễn thông khác đều gặp khó khăn.

Cuối năm 2011, sau khi không thể gượng nổi, EVN Telecom "chuyển khẩu" sang Viettel sau một quyết định mang tính hành chính và từ ngày 28/12/2011, mạng CDMA của EVN Telecom xây dựng trước đó đã khai tử. Sau khi Vimpelcom "bỏ của chạy lấy người", Gtel đã mua lại 49% cổ phần của tập đoàn này với giá giá 45 triệu USD và đổi tên mạng Beeline thành Gmobile. Thế nhưng, sau gần 2 năm mua lại 49% cổ phần của VimpelCom, thì Gmobile cũng đang ở trong tình trạng hết sức khso khăn và rất nhiều kịch bản cũng đã được đặt ra cho mạng di động này. Còn S-Fone của SPT cũng đã ở trong tình trạng "chết nhưng chưa báo tử". Dự án S-Fone không là "con gà đẻ trứng vàng" mà đã khiến SPT nhiều năm lao đao. Có khá nhiều đồn đoán xung quanh số phận của SPT sau khi bị dự án S-Fone kéo chìm. Những khoản nợ khổng lồ mà S-Fone để lại cho SPT đã khiến cho SPT sống dở chết dở. SPT đang ôm một khoản nợ khổng lồ gồm tất cả các khoản tiền phải đóng cho Nhà nước như phí tần số, kho số, viễn thông công ích. VNPT và Viettel đều cho biết S-Fone và công ty mẹ SPT đều là con nợ lớn của họ. Dường như S-Fone sẽ kéo SPT "ra đi"!

Liên tục trong các buổi họp gần đây với Bộ TT&TT và các doanh nghiệp có hạ tầng mạng, SPT đã lên tiếng xin các doanh nghiệp giãn nợ, không cắt kết nối dịch vụ của họ. SPT cũng đề nghị VNPT và Viettel cho mở kết nối vào hai nhà mạng này để họ có thể có được chút lợi nhuận khi cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc SPT cũng phải lựa chọn hướng đi cho mình. Cách đây 2 năm đã rộ lên tin đồn S-Fone sẽ sáp nhập vào Viettel, tuy nhiên đây chỉ là tin đồn để đẩy giá SIM đẹp của mạng S-Fone lên trước khi mạng này "ra đi".

Theo nguồn tin của ICTnews, kịch bản tái cơ cấu SPT đã được đặt lên bàn cơ quan quản lý. Nếu kịch bản này được thông qua, thêm một thương hiệu viễn thông nữa sẽ biến mất trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc biến mất theo hình thức phá sản sẽ khó xảy ra hơn là kịch bản "chuyển khẩu" sang một mạng lớn nào đó sẽ được lặp lại như trường hợp EVN Telecom về với Viettel.

Phát biểu tại buổi tọa đàm Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam mới đây, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, Luật Viễn thông không hạn chế việc gia nhập thị trường, cạnh tranh của các doanh nghiệp. Và trong quá trình cạnh tranh đó, đương nhiên một doanh nghiệp có thể tồn tại hoặc không tồn tại. Thế nhưng, lĩnh vực viễn thông với đặc thù nhất định vẫn có cửa cho những doanh nghiệp gặp khó. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng và cung cấp dịch vụ ra thị trường, sau khi bị thu hồi giấy phép hoạt động, không đơn giản là họ sẽ phải ngừng ngay việc cung cấp dịch vụ.

Ông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, trước khi ngừng hoạt động hay phá sản, doanh nghiệp cần xây dựng phương án sáp nhập, chuyển sang kinh doanh mạng dịch vụ khác… để tận dụng hạ tầng sẵn có, cung cấp dịch vụ cho người sử dụng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Điển hình với trường hợp EVN Telecom. Thời gian qua, dù EVN Telecom đã ngừng cung cấp dịch vụ nhưng sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, mạng này đã sáp nhập vào Viettel trên cơ sở tiếp tục tận dụng hạ tầng đầu tư, và người sử dụng mạng EVN tiếp tục sử dụng được dịch vụ của Viettel mà không bị ngừng cung cấp dịch vụ.

Hiện Bộ TT&TT đang tiến hành tái cơ cấu toàn bộ thị trường viễn thông, trong đó xác định tái cơ cấu VNPT là một trong những nội dung quan trọng. Hơn nữa, việc tái cấu trúc VNPT còn đóng vai trò rất quan trọng, bởi nếu MobiFone tách khỏi VNPT, MobiFone sẽ trở thành một doanh nghiệp mới hoạt động độc lập, có khả năng cạnh tranh với 2 doanh nghiệp lớn trên thị trường là Viettel và chính VinaPhone của VNPT. Khi đó, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ hình thành ít nhất 3 doanh nghiệp tương đối mạnh, tạo thế chân vạc đảm bảo cho thị trường cạnh tranh, phát triển bền vững hơn.

"Doanh nghiệp lớn thì có năng lực cạnh tranh, nhưng không phải doanh nghiệp nhỏ không có năng lực cạnh tranh. Khi họ chọn thị trường hợp lý, có phương pháp kinh doanh hiệu quả thì vẫn tồn tại và họ phải được đảm bảo quyền thâm nhập thị trường. Bộ TT&TT sẽ bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp này. Nhưng cũng sẽ không bảo vệ bằng mọi giá tất cả doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh. Vì vậy, những doanh nghiệp không có năng lực cạnh tranh thì hoàn toàn có thể bị chết, chấm dứt và rút khỏi thị trường", ông Phạm Hồng Hải nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật