Tháng 3 ở Điện Bàn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bà vẫn ngồi đó. Bao lâu rồi đôi mắt vẫn chăm chăm ngóng về góc khuất cuối con đường làng, có ý ngóng trông.
Tháng 3 ở Điện Bàn
Đã 26 năm rồi, mẹ Ngò vẫn ngồi đó, nhìn xa hút ra đầu ngõ, ngóng tin con.

Đã 26 năm rồi, dù biết chắc rằng người con trai út đã anh dũng gửi thân lại trên mảnh đất tiền tiêu của tổ quốc ngoài biển, nhưng dường như niềm hy vọng, chờ đợi sự trở về của anh chưa bao giờ tắt trong bà.

Định mệnh ở Trường Sa
Ngôi nhà mẹ Ngò - mẹ của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường - người con duy nhất của Quảng Nam nằm lại với Biển Đông, trong trận chiến ở đảo đá Gạc Ma năm 1988 - nằm ven con đường làng, nhìn thẳng ra đồng lúa. Cửa mở toang, mẹ đang ngồi gọt bí sau nhà. Bà không nhớ nổi tôi là lượt nhà báo thứ bao nhiêu đến hỏi chuyện mà bà đã tiếp trong 26 năm qua, kể từ ngày con trai hy sinh tại Gạc Ma, Trường Sa, nhưng bà vẫn rất vui mỗi lần có khách đến thăm hỏi dịp này. Dường như bà luôn mong chờ có người để tâm sự, chia sẻ, những mong sẽ vơi đi phần nào nỗi khắc khoải về đứa con xa.
Từ ngày bố liệt sĩ Cường - ông Nguyễn Bá Ngưu mất - mẹ Ngò sống một mình trong căn nhà quạnh vắng này. "Từ sau tết đến nay, hai cái đầu gối tôi bị sưng to, đi lại khó khăn, cộng với bệnh huyết áp cao trở nên thất thường nên tôi gọi thằng con trai đầu ở Đà Nẵng về chăm nom. Nó mới tranh thủ đi thăm bà con quanh làng" - nói đoạn rồi mẹ gọi với sang hàng xóm, nhờ người đi gọi con. Giọng bà vui khi nhắc đến liệt sĩ Cường, nhưng đôi mắt mờ đục cứ rớm lệ như bao lần kể chuyện khác. Mỗi lần nhắc về anh là như chạm đến vết thương chưa bao giờ lành trong trái tim người mẹ.
Giọng bà chậm rãi, nhưng rành rọt, chi tiết đến bất ngờ ở tuổi cổ lai hy này: "Cường nó hy sinh ở Trường Sa như là định mệnh. Tôi có 3 thằng con trai, nó là út. Hai anh đầu đều là lính chiến. Anh cả Nguyễn Bá Xuân tham gia chiến trường Campuchia đến 5 năm; anh thứ 2 Nguyễn Bá Hùng cũng nhập ngũ từ 1976 ở mặt trận Tây Nguyên, rồi ở lại học sĩ quan, theo binh nghiệp. Hùng còn là thương binh nặng, bởi vậy, ngày Cường đăng ký đi khám, rồi trúng nghĩa vụ quân sự, các chú các anh từ xã đội đến huyện và tỉnh đội đều hỏi thăm ý kiến của cha mẹ. Tôi thì tất nhiên là không muốn thằng con út xa mình, để rồi lại biền biệt đời lính như 2 thằng anh nó. Nhưng Cường lại yêu thích con đường binh nghiệp, nên cứ nằng nặc đòi đi.
Năm 1983 Cường nhập ngũ. Sau đó anh thi đậu vào Học viện Hải quân ở Nha Trang thì bắt đầu xa nhà. Đầu năm 1988 thì mãn khoá học, Cường viết thư về cho nhà, xin ở lại học để lấy bằng hoa tiêu quốc tế. Anh nói, sĩ quan hoa tiêu vốn đã ít người, có bằng quốc tế lại càng hiếm nên quyết theo đuổi. Cũng vì ở lại học tiếp nên Cường tham gia chuyến ra Trường Sa lần đó, rồi mãi không về...
Mẹ vẫn chờ mong
Người anh cả Nguyễn Bá Xuân tuổi cũng đã 65, lặng lẽ ngồi rót nước cho mẹ. Ông ngồi đó, trầm tư, "nhường" cho mẹ say sưa với ký ức về người con liệt sĩ: "Năm đó, nhằm ngày 27 tháng giêng âm lịch, tôi xách giỏ đi chợ, như mọi ngày. Nhưng hôm nay thấy nhiều ánh mắt rất lạ. Chợt có người lại nói: Cường nó đã hy sinh ngoài đảo rồi... Trước mắt tôi, trời đất như quay cuồng, đổ sập, tôi xỉu xuống giữa chợ...".
Ông Xuân gạt nước mắt, tiếp lời mẹ, anh em tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, đọc báo Nhân Dân nên đã biết rõ sự kiện này, nhưng ai cũng giấu mẹ, một phần vẫn hy vọng Cường sống sót. Nhưng rồi niềm hy vọng cứ cạn dần. Hai năm sau thì gia đình tôi mới lập bàn thờ. Quê tôi làm nông, bao đời rất hiếm người chết mất xác nên không có mộ gió bao giờ. Nhưng rồi chúng tôi học cách của người miệt biển, cũng cậy nhờ thầy pháp về nặn hình nhân, chiêu hồn nhập tượng rồi "u hồn úp nấm" (làm mộ gió) cho chú em ở ngoài nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn. Đó có lẽ là nấm mồ duy nhất không có hài cốt ở nghĩa trang này.
Bây giờ, những kỷ vật cũ, dăm chiếc quần áo lính... hành trang đơn sơ của liệt sĩ Cường mà đơn vị gửi về cho mẹ Ngò trong chiếc rương cũ đã trở thành báu vật đối với bà. Mẹ không nhớ nhiều về hình ảnh anh bộ đội Cường ngoài những dòng thư đầy tình cảm thương cha, nhớ mẹ. Nhưng bà lại nhớ như in hình bóng cậu thiếu niên Cường những ngày còn quấn quýt chân mẹ. Một cậu bé Cường luôn nũng nịu với mẹ nhưng lại cương nghị, bản lĩnh ở ngoài đời. Hồi còn bé, Cường đã dám ưỡn ngực lý sự, cãi nhau với đồn trưởng cảnh sát, ngăn không cho bắt mẹ vì "tội không chỉ điểm Việt cộng"...
Không chỉ luôn sống với những kỷ niệm đẹp của con thời còn thơ dại, mà mẹ Ngò vẫn còn hy vọng có một ngày tìm được th‌i th‌ể của anh. Ông Xuân kể, năm 2008, khi một tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi vớt được th‌i th‌ể của 4 người ở Gạc Ma, Bộ Quốc phòng, Hải quân Vùng 4 đã tìm đến từng nhà của 64 liệt sĩ xin mẫu ADN để xét nghiệm, định danh liệt sĩ, mẹ tôi đã rất hy vọng. Bà cứ chờ mãi dù những hài cốt kia biết chắc là không phải Cường. Nhưng rồi ngày nào, bà vẫn ngồi đó, đôi mắt chăm chăm nhìn xa hút nơi cuối đường làng, ngóng trông... Đã 26 năm, ngày xuân của trời đất, niềm vui của muôn nhà nhưng lại là những ngày tha thiết buồn của mẹ Ngò. Tôi ái ngại khi thấy mẹ một mình trong căn nhà cũ, chông chênh với căn bệnh huyết áp cao ở cái tuổi gần đất xa trời.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật