Kiên Giang: Nhiều hộ nông dân muốn phá mía trồng gừng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, giá gừng củ liên tục tăng, giúp cho nông dân vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang) có thu nhập cao.
Kiên Giang: Nhiều hộ nông dân muốn phá mía trồng gừng
Nông dân thu hoạch gừng. (Ảnh: Trần Quốc La/TTXVN)

Thế nhưng, đây lại là nỗi lo của chính quyền địa phương bởi rất dễ xảy ra “điệp khúc” người dân phá mía trồng gừng, rồi phá gừng trồng mía.

"Ghẻ lạnh" với mía vì gừng

Trong những ngày này, khi về vùng đệm U Minh Thượng, cảnh xuồng ghe mua bán mía tấp nập, nhưng nhiều người lại không bàn tán về giá mía lời lỗ mà bàn tán về giá củ gừng, rồi tính đến bỏ mía sang trồng gừng.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng, hiện nay giá gừng củ đang “sốt” từng ngày.

Trước Tết Nguyên đán, giá gừng bắt đầu nhích lên từ 10.000 đồng, rồi 12.000 đồng, 20.000 đồng và nay là 35.000 đồng/kg, nhưng nông dân không có nhiều để bán.

Trước năm 2011, diện tích trồng gừng của nông dân hai xã vùng đệm An Minh Bắc và Minh Thuận có gần 300ha, nhưng do giá cả bấp bênh, chỉ ở mức 2.000-3.000 đồng/kg, lại bị sâu tấn công chết hàng loạt, nên người dân đã phá bỏ gừng để trồng mía hay các loại rau màu khác, khiến diện tích này hiện nay chỉ còn khoảng 60ha nên nguồn cung giảm.

Dọc địa bàn ấp Minh Thành, xã Minh Thuận, một số hộ dân trồng gừng rất phấn khởi bởi không chỉ trúng mùa mà lại được giá.

Ông Trần Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng màu ở đây cho biết, trong ấp còn năm hộ trồng gừng, do được giá cao nên đã mua thêm đất để mở rộng diện tích.

Điển hình như anh Phạm Văn Minh, ở tổ 6, trước đây nhà nghèo, ruộng đất ít, nhưng đã mạnh dạn đi thuê đất trồng gừng. Nhờ siêng năng chăm sóc, ngay năm đầu tiên (2012) trúng mùa, được giá, sau khi trừ chi phí anh còn lãi trên 600 triệu đồng.

Năm 2013, anh Minh mua thêm 1ha đất mở rộng diện tích trồng gừng và đến tháng Một năm nay thu được 4-5 tấn, giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Anh Minh cho biết, do mấy năm trước giá cả bấp bênh, thời tiết không thuận lợi khiến gừng bị chết nên năm nay khi bán được hơn 1 tỷ đồng cho 4-5 tấn gừng là rất phấn khởi. Tuy nhiên, vào thời điểm này, giá gừng còn lên cao hơn, có thể lên tới hơn 1,6 tỷ đồng cho khối lượng gừng nói trên.

Nhà ông Phạm Văn Tâm, nằm trên trục đường chính dẫn vào ấp Minh Thành, mới được xây dựng khang trang hơn một năm nay sau khi ông trúng hai vụ gừng liên tục trên 1ha.

Ông Tâm cho biết sau vụ thu hoạch mía này, ông sẽ phá bỏ và tiếp tục theo nghề trồng gừng.

Những rủi ro nhìn thấy trước

Tuy nhiên, trồng gừng cũng gặp nhiều rủi ro. Theo ông Trần Quốc Tuấn, gừng không chịu được mưa nhiều, dễ sâu bệnh và bị thối củ. Khi phát hiện bệnh này cũng đồng nghĩa với việc cả diện tích gừng không được thu hoạch.

Ông Tuấn cho biết, năm 2011, thấy nhiều người trồng gừng thu nhập khá, ông cũng trồng 0,3ha. Thế nhưng, mới bước sang tháng thứ tư (thường 7-8 tháng mới thu hoạch) đã có biểu hiện thối củ và chỉ vài ngày sau toàn bộ diện tích gừng của ông bị chết.

Ông Tuấn đã đem mẫu gừng này đến Trường Đại học Cần Thơ để kiểm tra, kết quả cho thấy đây là một loại vi khuẩn không có thuốc đều trị. Như vậy, với 0,3ha gừng bị mất trắng, ông Tuấn mất gần 100 triệu đồng tiền lên liếp và giống.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng, hiện nay do giá gừng tăng, nhiều nông dân trồng mía, dứa có dấu hiệu muốn phá bỏ để chuyển sang trồng gừng. Thế nhưng, họ làm như vậy là phá hỏng quy hoạch chung của huyện.

Đặc biệt, hiện nay gừng vẫn chưa có đầu ra ổn định, nếu trồng ồ ạt sẽ lặp lại điệp khúc “phá mía trồng gừng, rồi phá gừng trồng mía” như những năm trước đây.

Hiện nay, diện tích mía trồng trong vùng đệm U Minh Thượng khoảng 2.917ha. Mía dù có thăng trầm, không làm giàu, nhưng theo nhiều hộ dân nơi đây, trồng mía vẫn cho thu nhập ổn định.

Ông Dương Quốc Khởi, Bí thư xã Minh Thuận cho biết, khoảng năm năm trở lại đây, người dân trồng mía trên địa bàn vẫn thu nhập ổn định.

Hiện nay, giá mía thương lái mua bên ngoài vùng đệm là 750 đồng/kg, còn vào trong vùng đệm còn 650 đồng/kg. Tính bình quân mỗi công đất cho thu hoạch 8 tấn, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi khoảng 2,5 triệu đồng.

Người trồng mía ở đây, có thể thu hoạch từ 5-7 năm, thậm chí 10 năm mới phá bỏ trồng mới nên chi phí đầu tư thấp.

Do vậy, xã rất lo ngại khi người dân thấy lợi trước mắt mà không tính đến lâu dài, hậu quả sẽ khó tránh được. Bởi, khi người dân mất mùa sẽ đồng nghĩa với nghèo, đi kèm là nợ nần chồng chất.

Ông Trần Quốc Tuấn cho biết thêm, hiện nay đã có một số hộ đang phá mía để trồng gừng. Khi biết hộ nào có ý định chuyển đổi, xã cố gắng tuyên truyền, vận động, phân tích cho họ đừng thấy lợi trước mắt mà chuyển sang trồng gừng sẽ gặp nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đứng ra hợp đồng với một công ty tư nhân ở tỉnh Hậu Giang để ứng vốn đầu tư lên liếp, bao tiêu giá mía cho nông dân.

Cách làm này trong năm 2013 của ấp Minh Thành đã đem lại hiệu quả và lợi ích cho 25 hộ dân ở đây. Các hộ dân sau khi chấp nhận trồng mía sẽ được phía công ty cho ứng vốn trước để lên liếp, mua giống. Công ty cũng bao tiêu đầu ra với giá ban đầu là 500 đồng/kg và mua mía theo giá thị trường có lợi cho nông dân.

Năm nay, công ty tiếp tục ứng vốn khoảng 1 tỷ đồng cho nông dân vùng đệm U Minh Thượng đầu tư trồng mía. Xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ở những ấp còn lại trong thời gian tới.

Tuy nhiên, lãnh đạo hai xã vùng đệm An Minh Bắc và Minh Thuận vẫn rất lo ngại việc bà con nông dân sẽ âm thầm phá mía hoặc dứa để trồng gừng nhằm mục tiêu làm giàu nhanh chóng

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật