Vượt lên số phận tật nguyền

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù tàn tật đôi chân, nhưng anh không chỉ vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp làm ra những sản phẩm gỗ cao cấp đẹp đẽ, mà còn truyền nghề cho những người khuyết tật (NKT) khác để họ có thể hòa nhập với cuộc sống đời thường.
Vượt lên số phận tật nguyền
Lê Hồng Sơn đang làm mộc bằng đôi chân tật nguyền.

Người có nghị lực phi thường đó là Lê Hồng Sơn ở xóm Phú Yên, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Số phận hẩm hiu
Dù lần đầu tiên gặp anh nhưng tôi có cảm giác rất gần gũi. Ở chung một phòng trong khách sạn nên hai anh em nhanh chóng bắt thân. Có lẽ cũng do cùng hoàn cảnh là những NKT nên chúng tôi dễ đồng cảm và chia sẻ những nỗi niềm tâm sự.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng quê Hà Tĩnh năm 1979, không may mắn như bao đứa trẻ khác, ngay từ khi lọt lòng, cậu bé Sơn đã có một thâ‌n hìn‌h không hoàn chỉnh, tứ chi co quắp, các ngón tay và chân dính chặt vào nhau. Càng lớn đôi tay của anh bị teo dần không có khả năng cử động nữa. Tuổi thơ của anh cũng có bao hoài bão và mơ ước như các bạn cùng trang lứa, nhưng hoàn cảnh tật nguyền đã khiến anh không thể biến ước mơ thành hiện thực. Cậu bé Sơn mong một lần được cắp sách tới trường nên đòi bố mẹ cho đi học, nhưng ông bà chỉ biết lặng lẽ ngậm ngùi nhìn con mà nước mắt lã chã tuôn rơi.
Mãi khi lên 9 tuổi anh mới có điều kiện cắp sách tới trường. Cũng từ ngày đó dù nắng hay mưa, Sơn vẫn chăm chỉ gắng sức học tập. Sơn nhớ lại: "Để viết được chữ, tôi phải kiên nhẫn tìm cách để cặp bút vào chân tập viết. Lúc đầu rất khó viết và chữ xấu, nhưng tập dần dần rồi chữ cũng tròn đẹp hơn...”. Sang cấp 3 vì trường cách nhà quá xa và sức khỏe không cho phép, nên Sơn đành ngậm ngùi chấp nhận ngừng lại việc học tập của mình dù lòng không muốn.
Nhìn anh dùng đôi chân tàn tật của mình cặp lấy chiếc thìa xúc từng miếng cơm ăn ngon lành, tôi không khỏi xúc động, tự nhủ: "Động lực nào giúp anh vươn qua nghịch cảnh không may này, để tồn tại và giúp ích đời. Đôi chân anh thế kia mà làm sao anh có thể làm được những việc phi thường?”.

Lê Hồng Sơn hạnh phúc bên gia đình
Tàn nhưng không phế
Anh Sơn luôn ý thức được số phận mình chịu nhiều thiệt thòi về c‌ơ th‌ể, nhưng phải làm sao để tiếp tục sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Hồi bé, từ việc nhỏ đến việc lớn đều phải có người giúp khiến anh cảm thấy tự ti, chua chát và đắng lòng. Chính từ cảm xúc đó mà khi lớn lên, anh khao khát được học nghề, được làm việc. Đó là động lực giúp anh vượt qua số phận.
Hàng ngày, Sơn lân la đến các xưởng mộc, ngồi dán mắt vào từng đường bào, nhát đục của các bác thợ, rồi về nhà tự mày mò làm theo. Nhưng làm sao được khi tay chân tật nguyền, thế là chiếc cưa tay được Sơn buộc thêm sợi dây thừng, chiếc dùi được nối thêm cán, chiếc đục đổi bằng cán gỗ. Nhiều khi đang làm bị cán đục đâm thẳng vào chân, chảy máu, trầy xước khắp người khiến bố mẹ xót xa. Lúc đầu, sản phẩm làm ra cứ méo mó, góc cạnh, không bằng ai. Nhưng Sơn không chịu đầu hàng, cứ lao vào làm tiếp. Dần dà, những sản phẩm được Sơn làm ra ngày một đẹp hơn. Và rồi cuối cùng anh cũng trở thành... thợ mộc. Tôi hỏi: "Sao anh không kiếm một nghề dễ hơn để theo đuổi, vì nghề mộc rất khó lại đòi hỏi kỹ thuật và sức mạnh?”. Anh cười bộc bạch: "Vì mình yêu và đam mê với nghề mộc từ nhỏ, nên càng khó mình càng quyết tâm làm bằng được...”.
Năm 1991, Sơn giành giải Nhất nghề mộc của hội thi khéo tay do huyện đoàn Hương Khê tổ chức. Năm 1992, anh tiếp tục đoạt giải Nhất của hội nghị trẻ em nghèo vượt khó tổ chức tại Hà Nội. Anh chia sẻ: "Để đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của mọi người, mình phải học cho thành thạo nghề mộc để tự nuôi sống bản thân và làm được cái gì đó dù nhỏ bé thôi đóng góp cho xã hội”. Mong muốn giúp ích cho đời của Sơn đã trở thành hiện thực. Năm 1997, anh được Trung tâm Dạy nghề, phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh nhận vào dạy nghề cho các học viên khuyết tật. Tại đây, anh đã tìm thấy hạnh phúc cho cuộc đời mình cùng cô gái kém anh 3 tuổi, hiền lành, nết na, Nguyễn Thị Vân.
c‌ơ th‌ể không lành lặn, Lê Hồng Sơn luôn thấu hiểu nỗi khổ của những NKT. Biết họ rất khó tìm được việc làm phù hợp với bản thân mình, tháng 6-2008, Sơn đã vay vốn ngân hàng mở doanh nghiệp tư nhân Mạnh Dũng (tên hai cậu con trai đầu lòng). Với số vốn ban đầu bỏ ra hơn 40 triệu đồng, anh mua sắm máy móc, dụng cụ, xây dựng nhà xưởng gần 100m2, chia làm 2 gian, để vừa làm nghề, vừa dạy nghề mộc cho NKT, trẻ mồ côi và người nghèo trong vùng. Các sản phẩm bằng gỗ từ giản đơn cho đến cao cấp, dành cho khách hàng từ doanh nghiệp đến các cơ quan trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2008 đến nay doanh nghiệp của anh Sơn đã đào tạo cho hơn 100 người có việc làm ổn định tại cái xưởng mộc tư nhân. Hiện, đang có 10 NKT có tay nghề được anh Sơn giữ lại làm việc. Ngồi trên xe lăn, anh Dương Định Nghị rưng rưng: "Tôi làm ở đây đã được gần 4 năm rồi, trước đây tôi chưa biết nghề mộc, nhờ có anh Sơn chỉ dạy giờ tôi đã thành thạo nghề và được giữ lại làm việc. Giờ thu nhập của tôi là 3 triệu đồng/ tháng”.
Rất nhiều tấm bằng khen ghi nhận những thành tích của Sơn từ địa phương đến Trung ương trao tặng được anh treo cẩn thận trên tường nhà. Tôi không thể kể ra tất cả những ghi nhận đó vì nó quá nhiều. Đáng chú ý là lá thư động viên của Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 1998, được anh phóng to ra treo ở xưởng mộc như muốn truyền thêm nghị lực cho mọi người.
Tục ngữ Việt Nam có câu "giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Vậy mà với bàn tay bị liệt và đôi chân bị tật bẩm sinh, nhưng có niềm khát khao được hoà nhập với cuộc sống đời thường, anh Sơn đã sống và tồn tại bằng cả nghị lực của mình. Tôi không thể cầm được nước mắt khi nhìn một người nhỏ bé chưa đầy 35kg với hai bàn tay xuôi xuống, đôi chân tàn tật đang kẹp cây bút trong chân viết dự án cho doanh nghiệp.
Tôi cũng là người có số phận như anh, cũng có đầy nghị lực và nhiều ước mơ. Nhưng để làm được những việc phi thường như anh e là rất khó. Khi chứng kiến những việc anh Sơn làm, trong tôi như có thêm động lực để bước tiếp vậy.  Lê Hồng Sơn là tấm gương sáng, anh đã thắp lên ngọn lửa niềm tin yêu cuộc sống cho tôi và NKT khác.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật