Tiếng đàn bầu ở chợ đêm Phú Quốc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chúng tôi quay trở lại quán cóc đã ngồi để nghe thêm một lần nữa tiếng đàn bầu ở cuối chợ đêm Phú Quốc (thuộc thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Đêm trước, tiếng đàn ấy đã khiến cả bọn bùi ngùi, có đứa sụt sùi vì nhớ mẹ...
Tiếng đàn bầu ở chợ đêm Phú Quốc
Nay đã 34 tuổi, chị Nhiều có trên 10 năm ngồi phục vụ đàn bầu cho du khách tại thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang

QUẦY HÀNG NGOẠI LỆ

Lúc cả bọn đang “lén” theo dõi cách dọn hàng của người phụ nữ gù có chiếc đàn bầu, thì bất chợt nghe trộm được câu chuyện của những người bán hàng rong gần đó. Chị bán bánh bò nói với anh bán vò viên: “Con Mụi có cái duyên buôn bán quá. Vừa dọn hàng ra là có khách liền”. Anh bán vò viên cãi: “Nhờ nó có cây đàn bầu thu hút người ta đó chứ”. Chị kia nói tiếp: “Mà nó ăn nói cũng hay. Hôm nào tao cũng qua ngồi gần nghe nó giới thiệu hàng. Nghe vui và thoải mái hơn, bớt buồn vì bán bánh ế. Mày không để ý chứ bữa nọ nó bán tờ tiền 10.000 đồng đỏ, từ thế kỷ trước. Cái ông kia lại xem, nó nói hồi ông mua bằng 50.000 đồng luôn”. “Hồi trước, khi chưa có vốn nhiều nó chỉ bán vé số. Nhiều ông đi qua nghe nó đàn, mua hai tờ vé số nhưng trả tiền năm tờ. Có ông không mua nhưng rút ví tiền cho nó một xấp dày. Tôi chứng kiến rõ ràng. Do cây đàn bà ơi” - anh bán vò viên quyết định hơn thua. Chị bánh bò không chịu thua: “Cây đàn cũng một phần, còn do nó ăn nói hay và tốt bụng nữa. Mày không nhớ chuyện nó lượm cái bóp đầy đôla đem trả lại sao. Rồi chuyện nó bán vé số cho người ta trúng an ủi hoài. Nhờ ở đời có đức nên trời ban phước”...

Chúng tôi men lại làm quen với những người bán hàng rong. Qua họ, chị gù được phác họa là một người tử tế và nghị lực. Gần mười năm trước, chị xuất hiện ở ngay vị trí hôm nay chị đang ngồi. Chị khẩy đàn bầu và bán vé số. Chị bán luôn đắt nên vốn tăng, mở rộng bán thêm hàng lưu niệm. Giờ quầy hàng của chị không dưới vài chục triệu đồng, bày la liệt trên mép đường với hai mặt hàng chính là quà lưu niệm và thảo dược. Chị Hoa, tức chị bán bánh bò nói trên kể: “Nó được bán ở ngoài khu chợ đêm. Công an hình như cũng thích nghe tiếng đàn của nó nên đâu có dẹp. Còn người dân xung quanh thì khỏi nói, ủng hộ nó lắm. Cứ chạng vạng thấy nó ra là mỗi người một tay tiếp nó dọn hàng. Ai tiếp nó trả tiền, không lấy nó trả bằng quà lưu niệm”. Quả thật, khi hàng đã bày xong, những người tiếp dọn hàng cho chị trở lại vị trí là anh bán hàng rong, chị bán thức ăn nhẹ, nước giải khát.

BÀI CA LÒNG MẸ

Hơn 7 giờ tối, quầy hàng của chị gù bày biện xong, trên lề đường ở cuối chợ đêm Dương Đông, trước Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu. Dưới ánh đèn cao áp vàng vọt, người phụ nữ này bắt đầu đàn lên những nốt nhạc đầu tiên của điệu Lòng mẹ. Tiếng sóng biển rì rào ngoài kia hình như cũng hòa vào chung điệu nhạc, tạo một âm thanh não nề, gợi nhớ sâu xa.
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình... dạt dào
Tình mẹ tha thiết như đồng lúa chiều... rì rào
...
Những nốt nhạc trầm run rẩy theo cánh tay gầy guộc của chị gù nghe não nuột làm sao. Chị tâm sự với chúng tôi: “Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, lại tật nguyền thế này. Tuổi thơ của tôi, niềm hạnh phúc lớn nhất và duy nhất là được mẹ thương yêu, âu yếm. Nhưng mẹ tôi đã ra đi vĩnh viễn khi tôi chưa đầy 10 tuổi. Trước lúc từ trần, bà sờ lưng tôi bảo con cố sống cho tử tế”.

Ở cái tuổi quá nhỏ để hiểu được sống tử tế là thế nào, cô bé gù tên Lê Thị Nhiều (còn có tên khác như Xí Mụi, chị Gù, chị đờn bầu) khi đó chỉ biết khóc ngất, trong nỗi đau mất đi niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời. Và hơn ai hết, đứa bé tật nguyền ấy cảm nhận sâu sắc sự quan trọng của người mẹ đối với con. Có lẽ đó cũng là cái cơ duyên khiến chị quyết tâm học đàn bầu ngay khi lần đầu tiên nghe tiếng đàn này từ một vị sư ở Dinh Cậu trên đảo Phú Quốc. Chị cho hay: “Những tháng đầu đàn được bản Lòng mẹ, bao giờ nước mắt tôi cũng chảy dài. Nhưng kỳ diệu lắm, sau những cơn khóc đó, thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Và cây đàn đã trở thành người bạn tri âm, có lẽ là vĩnh viễn đối với tôi. Nó chia sẻ với tôi mọi buồn vui trong cuộc sống”. Những ngày tháng ở các dinh, miếu, chùa chiền, chị Nhiều cũng dần được các sư cắt nghĩa cái từ “sống tử tế” mà người mẹ đã trăng trối với chị. Và chị đã quyết tâm phải sống như thế.

Quầy hàng của chị luôn được đông đảo khách ghé thăm
TIẾNG ĐÀN XUYÊN LỤC ĐỊA

Theo chị cảm nhận, sống tử tế là sống không lừa lọc, không tổn hại người khác, biết giúp đỡ mọi người khi cần thiết. Bởi vậy mà năm 2011, sau khi vợ chồng chị nhặt được cái túi xách tay đầy đôla đã tất tả tìm người mất để trả lại. Chị kể: “Khi nhặt được giỏ xách đó, vợ chồng tôi lo lắm. Nó quá nhiều tiền đô. Có mấy chiếc điện thoại trong đó, loại rất đắt tiền. Tôi lo cho cái người mất, chắc họ đang rất khổ sở. Tôi giao việc đi lấy hàng cho chồng, còn mình đi tìm người mất để trả lại. Cũng may là tôi nhớ mặt tài xế chở đoàn khách bị mất của đó”. Chị đã chặn đầu chiếc xe khách 16 chỗ để trả lại cái túi xách cho người mất. Người ta đã cảm ơn chị nồng nhiệt và đầy xúc động rồi thưởng chị 200 ngàn đồng. Chị quyết không nhận, nhiều người trên xe nhảy xuống đường động viên chị nhận để họ được vui.

Ai cũng thấy rõ mục đích chính của chị Nhiều không phải là tiền bạc. Quầy hàng của chị cứ bày ra la liệt trên lề đường, nếu ai có bàn tay nhám nhúa, trà trộn vào đám đông sẽ lấy đi vài món đồ rất dễ dàng. Chị cũng sẵn sàng nếu khách bảo cần mua thảo dược này trị bệnh nhưng hết tiền, hoặc thích món đồ lưu niệm nọ nhưng lỡ mua quà cháy túi... Chị có suy nghĩ rõ ràng về cái sự dễ dãi, vô tư đó. Chị nói: “Tôi coi như là sự sẻ chia cuộc sống cho nhau giữa người nghèo, người giàu. Có vị khách trả tiền thừa nhưng không chịu nhận tiền trả lại. Ngược lại có người túng quá phải xin hay lén lấy”.

Hạnh phúc thực sự của chị là được phục vụ du khách gần xa những tiếng đàn bầu. Tiếng đàn được trỗi lên từ nỗi lòng khổ đau của một người con tật nguyền sớm mồ côi mẹ. Và chị đã nhận được niềm hạnh phúc đó ở mỗi đêm bán hàng lưu niệm. Khi thì vài vị khách đến xin chị đàn cho nghe một bản. Lúc thì ở đâu đó, phía bên ngoài đảo Phú Quốc, thậm chí từ Mỹ, Anh, Canada... khách gọi điện cho chị yêu cầu được nghe một bản đàn bầu. Bao giờ chị cũng vui vẻ đặt chiếc điện thoại xuống gần cây đàn bầu rồi trỗi lên một bản nhạc lòng đầy ai oán.

Khi được hỏi về những điều ước của mình, chị Nhiều cười tươi: “Chỉ ước có sức khỏe tốt, sống lâu hơn để được đàn tại đây mãi mãi. Cái lưng nó bị gù, ép trái tim đau. Bác sĩ nói tôi bị bệnh tim, phải điều trị thường xuyên. Tiền tôi kiếm được phần nhiều lo trị bệnh”. Chị muốn đàn mãi vì nghĩ rằng tiếng đàn của mình đôi khi khiến cho ai đó chạnh lòng và nhớ mẹ. Với chị, mẹ là báu vật quý nhất của con người. Từ niềm hạnh phúc đó, số tiền kiếm được, ngoài lo trị bệnh, lo cuộc sống cho chồng con (chị có đứa con trai nuôi 4 tuổi), chị đã in đĩa CD tiếng đàn của mình để tặng cho những ai yêu tiếng đàn bầu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật