Giếng cổ, giếng làng bỗng... cạn trơ đáy bí ẩn ở Hòa Bình

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đi kèm với hiện tượng sụt đất ở làng Khi, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình là hàng loạt giếng bỗng dưng cạn trơ đáy, khiến cuộc sống xáo trộn.
Giếng cổ, giếng làng bỗng... cạn trơ đáy bí ẩn ở Hòa Bình
Một người dân tò mò xem hố sụt lớn ăn hõm qua mặt đường.
Điềm báo từ chiếc giếng cổ
Có mặt tại làng Khi vào những ngày này, hẳn nhiều người thắc mắc về hiện tượng đối lập là ngoài đồng thì đầy nước, còn hàng loạt giếng nằm trong phạm vi 4ha sụt đất lại không giọt nước dính gầu.
Việc mâu thuẫn này theo giải thích của ông Bùi Văn Cảnh, Trưởng xóm Khi là vì nước trên đồng do chính quyền địa phương xả từ phía thượng nguồn xuống để người dân cày cấy, đổ ải, chứ cách đây mấy ngày thì cánh đồng cũng cạn khô, nứt nẻ chân chim... cho nên ngoài đồng đầy ắp nước là chuyện không có gì ngạc nhiên, mà điều ngạc nhiên, lo lắng nhất là hàng loạt giếng nước bỗng dưng bị “hà bá” hút hết, cạn khô trơ đáy. đây là chuyện mà trước đây chừa từng xảy ra, chính vì thế nên bà con hoang mang, lo lắng là có cơ sở.
Theo phản ánh của nhiều người dân làng Khi thì trước khi xảy ra hiện tượng mất nước hàng loạt, người dân đã thấy hiện tượng bất thường từ chiếc giếng cổ nằm ở giữa làng, đó là giếng nổi màu vàng đục khoảng 2 – 3 ngày, sau đó cạn đi nhanh chóng. Nhiều người dân địa phương đều khẳng định, đây là chiếc giếng cổ, quanh năm có nước, cho dù mùa khô có khắc nghiệt đến mấy thì nước giếng vẫn cứ trong vắt, tràn trề, có khi cả làng dùng vẫn không hết nước. Ấy thế mà khi sụt đất thì giếng bỗng dưng mất nước khiến người dân lạ lùng, khó hiểu.
Theo chân một người dân địa phương, chúng tôi đến chiếc giếng cổ để tận mắt chứng kiến hiện tượng kỳ lạ. Giếng sâu khoảng 3m, bán kính 1m, điều rất lạ là xung quanh giếng đều lênh láng nước nhưng chiếc giếng thì cạn trơ đáy cứ như thể có người vừa tát cạn.
Ông Bùi Văn Ban tỏ ra lạ lùng bảo: “Lẽ ra với lượng nước tràn trề xung quanh thì có thể ngấm một lượng nhỏ xuống giếng, nhưng đằng này giếng lại cạn khô mới “đểu”. Trước đây, dưới đáy giếng có một mạch nước to như ngón chân phun lên, làm cho nước giếng lúc nào cũng đầy ăm ắp. Nhớ một lần hội làng, dân chúng tôi ra giếng mổ trâu mà không làm cho mực nước cạn đi, thế nên nhiều người còn gọi giếng cổ này là thần giếng”.

Cận cảnh đáy giếng cổ.
Hàng loạt giếng mất nước
Ngay sau khi chiếc giếng cổ của làng mất nước là hàng loạt giếng của các hộ dân làng Khi cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Theo thống kê của ông Bùi Văn Cảnh thì hiện đã có trên 15 giếng bị mất nước hoàn toàn hoặc gần cạn đáy, trong đó, nặng nề nhất là mấy hộ dân nằm gần các hố sụt lớn.
Theo giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình ông Bùi Văn Lưu nằm cạnh đường, ông Lưu dẫn chúng tôi ra chiếc giếng sâu khoảng 15m. Từ trước đến nay, giếng của gia đình ông được coi là nhiều nước nhất làng, chỉ sau giếng cổ, có người ví von bảo, “khi nào giếng cổ cạn đáy thì giếng nhà ông Lưu mới hết nước”, không ngờ sự việc lại xảy ra đúng như lời ví von đó. Ông Lưu cho biết: “Giếng của gia đình tôi có hiện tượng cạn nước từ khoảng ngày 13/2, đến ngày 16/2 thì cạn hẳn khiến mọi người rất lo lắng. Trước đây nhà tôi dùng một máy bơm nước lên bể dùng thoải mái, từ ăn uống, tắm giặt rồi rửa chuồng lợn, chuồng gà tốn rất nhiều nước mà giếng vẫn không thể cạn. Bỗng dưng mất nước thế này thấy khó chịu, lo lắng vô cùng”.

Giếng cổ vừa được trùng tu lại nay đã không còn một giọt nước.
Chia nhau từng giọt nước
Mỗi ngày 3 buổi sáng – trưa – tối, hơn 15 hộ dân mất nước tại làng Khi lại xách thùng, xô, chậu đến những nhà xung quanh xin nước, vào mùa khô cạn như hiện nay thì mỗi giọt nước quý như vàng, có thương, quý nhau thì mới chia sẻ với nhau nước dùng. Tuy nhiên, đáng thương nhất là những gia đình có nhu cầu sử dụng nước nhiều, vì đi xin cũng phải có ý, chỉ xin đủ thùng nước về vo gạo, nấu nước uống, ngoài ra thì phải dùng nước ngoài ruộng, khe, suối...
Nói như chị Bùi Thị Đạt, thì người dân làng Khi đang thể hiện tình đoàn kết thông qua việc chia sẻ nguồn nước sinh hoạt với nhau, chia nhau từng giọt nước... Gia đình nào có điều kiện, thì mua ống nhựa, dùng máy bơm nối với giếng còn nhiều nước rồi bơm về bể dùng dần, đỡ vất vả hơn những người phải đi cả hàng trăm mét leo đồi, dốc mới có được gánh nước cho cả nhà dùng.

Nhiều vết nứt lạ thường vẫn đang không ngừng xuất hiện.
Để đối phó lại với cảnh mất nước sinh hoạt, người dân làng Khi đang tập dần với cách sống tiết kiệm nước, chị Đạt tính toán: “Hằng ngày, nếu chỉ dùng vào việc ăn, uống, tắm giặt thì chỉ mất 2 gánh nước. Dùng nước ít vậy là do người dân chúng tôi tiết kiệm nhất theo mức có thể, chẳng hạn như trước đây, nước rửa rau, vo gạo đổ đi thì nay giữ lại để nấu cám lợn, cho lợn ăn, còn rửa bát hay giặt quần áo thì dùng nước suối hoặc hút từ ruộng đồng về, đến lần giặt cuối thì giũ qua nước sạch cho đỡ ngứa.
Ngoài ra, những công việc cần nhiều nước như rửa chuồng lợn, chuồng gà trước đây hoàn toàn sử dụng nước giếng thì nay chuyển sang dùng nước ngoài đồng, mặc dù vất vả, bất tiện nhưng dù sao vẫn còn xin được giọt nước uống trong thời buổi này đã là may mắn lắm”.
“Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, khảo sát của UBND huyện Lạc Sơn thì đúng là có hiện tượng giếng của nhiều người dân làng Khi bị mất nước một cách bất thường, chính quyền vẫn đang nỗ lực nghiên cứu, truy tìm nguyên nhân, tuy nhiên vẫn chưa thể đưa ra một kết luận chính xác nào vào lúc này”.
Ông Quách Khắc Dương (Phó trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lạc Sơn)
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật