Đâu rồi - Điện ảnh Hà Nội?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khán giả yêu màn ảnh Hà thành đôi khi cứ thảng thốt kêu lên như thế, nhất là vào thời điểm này, theo đồng hồ đếm ngược trước đền Ngọc Sơn, thì chỉ còn non 700 ngày nữa sẽ đến kỷ niệm Đại lễ Thăng Long- Hà Nội ngàn năm tuổi
Đâu rồi - Điện ảnh Hà Nội?
Một cảnh trong phim “Em bé Hà Nội”

Hà Nội đã từng có khuôn hình riêng góp mặt vào nền điện ảnh nước nhà “vang bóng một thời”, ấy thế mà nay... đâu mất?

Theo hồi ký “Nhớ và ghi” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, từ năm 1923, hãng “Phim và xi nê ma Đông Dương” (Indocchine Films et cinéma)  đã được thành lập, và rạp chiếu bóng Palace (Tràng Tiền) và Family (Hàng Buồm) do công ty này quản lý khai trương năm 1924. Năm 1937, sinh viên Y khoa Đàm Quang Thiện (tức Nguyễn Văn Nam) đứng ra thành lập nhóm gồm những người khát khao “Phim Việt Nam do tài tử Việt Nam đóng, nói tiếng Việt Nam”. Nhóm đã thực hiện bộ phim “ Cánh đồng ma” quay ở Hongkong. Trong những người tham gia đóng phim có sự hiện diện nhà văn Nguyễn Tuân.

Sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, nổi lên các phim: “Giông tố”, “Sao tháng Tám”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”, “Em bé Hà Nội”, “Phía bắc Thủ đô”, “Tiền tuyến gọi”… Về thời kỳ sau chiến tranh năm 1975, có “ Cạm bẫy tình”, “Hát giữa chiều mưa”... Về lớp thanh niên sống ở Hà Nội thời kỳ sau chiến tranh như: “Những người đã gặp”, “Hãy tha thứ cho em”, “Cách sống của tôi”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”...

Xưởng Điện ảnh Hà Nội được thành lập và đã sản xuất được những bộ phim có giá trị như : “Hà Nội 12 ngày đêm lập công”, ghi lại hình ảnh những tổn thất của Hà Nội và cuộc chiến đấu anh hùng của Hà Nội trong những ngày Mỹ đánh bom B52, phim nói về cuộc sống mới, con người mới như  “Giang Biên đổi mới” và “Xóm thợ”...

Phim thời sự tài liệu có “Hà Nội 5 ngày đọ sức” (giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 3 năm 1975), đặc biệt là bộ phim “Hà Nội lập công mừng thọ Bác Hồ” (giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ 3)… Thập niên 80 có hai bộ phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thuỷ gây xôn xao dư luận: “Hà Nội trong mắt ai” và “Những người tử tế”, không những đánh dấu sự sáng tạo nghệ thuật mới mẻ của thể loại phim tài liệu mà còn ghi nhận sự dũng cảm tuyệt vời các nhà làm phim trước hiện tình xã hội, đặt những vấn đề quan thiết  tới đời sống không chỉ riêng cho người dân Hà thành.

Từ năm 1990 trở đi, và gần một thập niên thế kỷ mới, phim về Hà Nội, về con người Thủ đô dường như vắng bóng hẳn trên màn ảnh nuớc nhà. Thi thoảng cũng có những phim truyện, phim nhiều tập, phim tài liệu, phóng sự..., nhưng chưa có bộ phim nào thực sự gây ấn tượng… Hầu hết phim mang tính thông tấn, thiếu giá trị nghệ thuật, không có sức sống lâu dài. Nghiêm túc nhìn lại, điện ảnh Hà Nội mươi mười lăm năm qua đã làm được những gì khả dĩ?

Đã có các cuộc hội thảo nghề nghiệp, đưa anh chị em hội viên đi thực tế, mở trại sáng tác kịch bản, hợp tác với công ty nước ngoài gọi tài trợ để thành lập và triển khai dự án  xây dựng hoàn chỉnh CLB Điện ảnh chiếu phim kinh điển và nổi tiếng thế giới bằng kỹ thuật số, tuyển diễn viên điện ảnh - truyền hình cùng đơn vị kết nghĩa là Hội Điện ảnh TP.HCM... Nhưng nhìn chung, các hoạt động này không mấy hiệu quả thiết thực, mang tính “hội hè” là chính. Một công việc trọng tâm là vừa tham vấn, vừa thực hiện quy trình, quy chế tiến hành cuộc thi kịch bản và làm phim hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì cho tới nay chưa có tín hiệu khả quan.

Các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật như văn học, hội hoạ, âm nhạc, sân khấu, kiến trúc... đã từng có những tác phẩm để đời, có những tác phẩm đỉnh cao. Điện ảnh về Hà Nội cũng từng có một thời kiêu hãnh. Nhưng sao những năm tháng này đây, thiếu vắng quá, bơ thờ quá.

Địa giới Hà Nội nay đã mở rộng. Dân số đã hơn 8 triệu dân. Nhiều vùng kinh tế, vùng sinh thái, vùng văn hoá... khác  nhau. Bao nhiêu biến chuyển trong đời sống dân cư. Chúng tôi không có kỳ vọng từ nay đến 2010, nhất là vào dịp Đại lễ Thăng Long - Hà Nội sẽ có những tác phẩm lớn (vì ngay bộ phim truyện mà Hà Nội cùng quốc gia chú mục đầu tư đầy tham vọng, bộ phim về Đức Thái tổ Lý Công Uẩn đến thời điểm này cũng đã tuyên bố... tạm dừng). Khán giả yêu màn bạc vẫn thèm được xem những bộ phim về Hà Nội. Hà Nội xưa, Hà Nội nay. Và hình như tôi hơi lẩn thẩn nghĩ rằng, gần 700 ngày nữa đến ngày đại lễ thiêng liêng, cớ sao những người làm điện ảnh Hà Nội, các nhà điện ảnh đắm đuối với Hà thành không hợp lực cùng nhau hoàn thành, chí ít là một hai bộ phim truyện “hoành tráng” về đất Kinh kỳ cổ xưa, về Hà Nội “muôn mặt đời thường” hôm nay...?/.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật