Nghịch lý ngân hàng vừa ‘đuổi’, vừa ‘câu khách’

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên thị trường đang diễn ra nghịch lý các ngân hàng vừa “đuổi khách” vừa “câu khách”.
Nghịch lý ngân hàng vừa ‘đuổi’, vừa ‘câu khách’
Eximbank liên tục điều chỉnh giảm lãi suất
"Đuổi" khách
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013 cho thấy ngân hàng đang lo ngay ngáy vì nằm trên đống tiền thừa. Tăng trưởng huy động vốn luôn cao hơn tăng trưởng tín dụng nên dòng vốn “ế” của các ngân hàng rất lớn. Để hạn chế sự gia tăng của dòng vốn “ế” này, một số ngân hàng hạ lãi suất.
Từ giữa tháng 2, nhiều ngân hàng đã niêm yết biểu lãi suất mới. 22/2 không phải là lần đầu tiên trong năm , Eximbank hạ lãi suất. Sau nhiều lần điều chỉnh giảm, lãi suất huy động VND của ngân hàng này niêm yết ở mức: kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6,4%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 6,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 6,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm.
Như vậy, chỉ trong tháng 2, Eximbank đã điều chỉnh lãi suất giảm 3 lần. Tốc độ giảm khá chậm. Mỗi lần điều chỉnh từ “mất” từ 0,1% đến 0,2%/năm. Điều đáng nói, ngân hàng âm thầm giảm lãi suất mà không rầm rộ công bố.
HDBank điều chỉnh lãi suất giảm từ 0,1% tới 0,3%/năm. Mức lãi suất huy động mới nhất của ngân hàng này cao hơn ở Eximbank một chút. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 6,8%/năm, 2 tháng là 6,9%/năm, kỳ hạn cao hơn là 7%/năm.
Kể từ ngày 15/2, ACB cũng áp dụng biểu lãi suất mới. Lãi suất tiết kiệm tiền gửi không kỳ hạn là 1,2%/năm. Lãi suất huy động vốn cho kỳ hạn 2 tháng là 6,4%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 7%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,9%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 8,4%/năm và kỳ hạn 36 tháng là 8,5%/năm.
Sau 2 đợt điều chỉnh, kể từ ngày 20/2, lãi suất tại Sacombank giảm khoảng 0,2%/năm. Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn có lãi suất 0,3%/năm, thấp hơn nhiều so với một số ngân hàng khác. Lãi suất kỳ hạn từ 4-6 tháng là 7%/năm, kỳ hạn 7 và 8 tháng là 7,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,9%/năm, kỳ hạn 36 tháng là 8,4%/năm. Kỳ hạn 13 tháng có mức lãi suất cao nhất 8,5%/năm.
Ở các kỳ hạn ngắn hơn, từ 1 đến 3 tháng, lãi suất được tính theo giá trị của tiền gửi. Mức lãi suất cao nhất là 6,68%/năm cho hợp đồng trên 50 triệu đồng và kỳ hạn 3 tháng.
Lãi suất tại BIDV đã giảm 0,3%/năm ở kỳ hạn 2 tháng, chỉ còn 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi 3 tháng giảm xuống 6,75%/năm. Tại Techcombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 6,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 6,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 6,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,9%/năm.
Ngân hàng “câu khách”
Trong khi “đuổi” khách hàng bằng cách hạ lãi suất, các ngân hàng này lại tạo nghịch lý khi “câu khách”. Cách tốt nhất để “câu khách” chính là tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn với “mồi câu” có giá trị “khủng” nhà nhà, xe hơi.
Eximbank có nhiều đợt giảm lãi suất liên tục nhưng lại tung ra chương trình khuyến mại “Xuân An Khang, Nhận Lộc Vàng”. Tổng trị giá của chương trình là này 3 tỷ dành cho khách hàng cá nhân gửi tiền, khách hàng thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, viễn thông tại Eximbank. Khách hàng mới cũng được ưu đãi. Phần thưởng cao nhất khách có thể nhận được là xe hơi Chevrolet Aveo 1.5.
HDBank lại có chương trình tiết kiệm dự thưởng “Quà tặng hết ý - Trúng vàng nguyên ký”. Sẽ có 15.000 phần quà được trao và giải thưởng lớn nhất là 1 kg vàng SJC.  Điều kiện rất đơn giản, chỉ cần gửi từ 5 triệu đồng hoặc 250 USD, khách hàng đã có thể tham gia chương trình.
ACB cũng thu hút khách bằng chương trình “Xuân Sung Túc, Phúc Cả Năm” với giải thưởng rất hấp dẫn. Món quà giá trị cao nhất mà khách gửi tiền có thể nhận được là một căn hộ tiện nghi trị giá 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra khách có cơ hội nhận tiền lì xì và một số đồ gia dụng hữu ích.
Sacombank cũng không kém cạnh với “Khai Xuân Đắc Lộc”. Tham gia chương trình rút thăm trúng thưởng, khách có cơ hội nhận nhiều phần thưởng là đồ da dụng như bếp lẩu nướng điện, nồi áp suất, máy vắt cam, bàn ủi,… Ngoài ra, chỉ cần gửi 1 triệu đồng hoặc 50 USD, khách hàng được quay số trúng thưởng. Giải đặc biệt là ô tô Mercedes C20.  Khách hàng có 50 số dự thưởng được quay thưởng trúng 8 coupon du lịch Dubai.
Tiền gửi ngân hàng có bị cạnh tranh?
Lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng giảm nhưng không vì thế mà kênh đầu tư bị người dân quay lưng. Bằng chứng là người dân vẫn chọn ngân hàng là điểm đến cho khoản tiền nhàn rỗi của mình. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng nhiều khả năng, huy động vốn tại các ngân hàng vẫn tăng trưởng.
“Bây giờ tôi cũng không biết làm gì với tiền nhàn rỗi của mình. Đầu tư vào bất động thì tôi không đủ vốn. Mua chứng khoán tôi lại không dám vì chứng khoán đã tăng quá mạnh trong suốt thời gian dài qua rồi. Bây giờ mua vào không khéo lại lỗ vốn. Tôi thấy gửi tiết kiệm là hiệu quả nhất. Lãi suất thấp một chút nhưng an toàn” – Chị Nguyễn Thu Phương (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ.
“Chương trình khuyến mại lớn của các ngân hàng cũng là lý do tôi gửi tiết kiệm. Biết rõ cơ hội trúng thưởng không cao nhưng tôi vẫn thử vận may cho mình. Biết đâu lại có xe hơi đi” – Chị Phương cho biết thêm lý do mình đi gửi tiết kiệm.
Không ít người có quan điểm như chị Phương nên dù có “đuổi khách” bằng cách giảm lãi suất, ngân hàng vẫn không lo tiền trong dân chúng sẽ ồ ạt chảy sang những kênh đầu tư khác.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật