Vợ chồng ... khắc khẩu

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều cặp vợ chồng cãi nhau thường xuyên như cơm bữa nhưng sau đó lại nói cười, tối nằm chung chăn chung gối như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Họ cãi nhau đã quen miệng, đánh nhau đã quen tay… và làm hoà cũng rất chóng vánh.
Vợ chồng ... khắc khẩu
Ảnh minh họa
Những cuộc tranh luận là điều khó tránh trong cuộc sống nhưng nếu để tìm ra hướng giải quyết cho một vấn đề thì không có gì phải bàn. Điều đáng nói ở đây là nhiều trường hợp coi chuyện cãi vã như một cách “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau. Họ không tiêc lời đay nghiến, chỉ trích đối phương và ai cũng hiếu thắng, cũng cho là mình đúng. Đối phương tiến một bước, họ cũng phải cố gắng làm đúng như vậy, không ai chịu về nhì.

Như trường hợp của anh Vinh và chị Hà, đều là người có học thức, làm việc trong môi trường hiện đại văn minh nhưng mỗi khi to tiếng, bao nhiêu “mỹ từ” được anh chị xài cho hết. Trước là nói móc, nói kháy, sau thì thoá mạ, xúc phạm nhau. Những câu chữ nhằm làm đau đối phương, khiến đối phương tức giận được cả hai thay phiên nhau sử dụng.

Kết thúc trận khẩu chiến, anh Vinh gân giọng “ Tôi thề từ bây giờ thân ai người ấy lo, cô đừng có mong đợi ở tôi bất cứ điều gì”. Không chịu thua, chị Hà lập tức cho một tràng “Được, tôi đã nhớ hết từng câu từng lời của anh rồi. Tôi “sống để bụng, chết mang theo” chứ không bao giờ tha thứ cho anh đâu”.

Ấy vậy nhưng ngôi ngoai một lúc, khi ăn cơm họ đã bắt đầu chuyện trò đôi ba câu, và tối đến thì tuyệt nhiên không có chuyện ly thân bao giờ. Sáng hôm sau thức dậy, họ lại có thể sẵn sàng đối đầu cãi vã nhau như bình thường.

Hàng xóm láng giềng đã quen với việc cãi nhau như cơm bữa rồi làm lành chóng vánh của anh chị nên chẳng ai để ý nhiều. “Cái mồm nói cho sướng rồi thôi ấy mà, chẳng ai giận được ai lâu đâu. Vợ chồng nhà này buồn cười lắm”- bà Giang (hàng xóm của chị Hà) cho biết.

Nếu chỉ đấu khẩu như vợ chồng anh Vinh vẫn còn may mắn. Không ít các đôi không kiềm chế được bản thân còn cào xé, cấu véo, đấm đá để trả thù đối phương. Lúc đó mới thực là thảm hại.

Buổi chiều, chị Hạnh có việc bận nên gọi điện nhờ chồng đón con. Anh Quang nhận lời nhưng khi tan sở, bạn rủ đi ăn khao nên anh quên hẳn chuyện đón bé Vi. Vậy là tối trở về, hai vợ chồng cãi nhau thậm tệ làm náo động cả ngõ phố. Hết lời, họ lại chuyển sang “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Quang biết sai và nhận lỗi nhưng cái miệng chua ngoa nói dai dẳng của Hạnh không ngớt sỉ vả anh. Bực mình, Quang cũng nói lại và bới móc những lỗi lầm trước kia của chị. Vậy là thành cuộc cãi nhau to. Khi cuộc ẩu đả đi đến hồi kết cũng là lúc bao nhiêu bát đĩa, thìa đũa, ấm chén, nồi xong bị ném la liệt đầy sân.

Những buổi cãi vã có sự đụng chạm tay chân như vậy thường xuyên diễn ra, nhưng Quang và Hạnh chẳng thể giận nhau lâu. Họ cãi cọ, giận nhau vài ngày, tối về lại rúc rích, thậm chí sau đó lại tiếp tục cãi nhau ngay được.

Quang không ngại ngần cho hay: “Chúng tôi vẫn rất yêu nhau, chỉ khắc khẩu, thi thoảng khắc chân tay một chút thôi. Vợ yêu chồng, tận tụy với chồng con. Chồng thương vợ, lương nộp đủ. Nhưng cứ nhìn vợ mồm năm miệng mười, mặt mũi vênh lên, tru tréo méo giật, lúc đó tôi lại không thể chịu đựng nổi”. Đó là câu trả lời của không ít các ông xã hiện nay. 

Cãi nhau, rồi sau đó lại làm hoà đã thành quen, nhưng các cặp vợ chồng có nghĩ đến những vết thương lòng để lại sau mỗi cuộc khẩu chiến ấy. Hàng xóm láng giềng chê trách, con cái khổ tâm khi thấy cha mẹ mâu thuẫn…Tệ hại nhất là những hố sâu ngăn cách trong đời sống vợ chồng đã dần hình thành và cả hai đều ngày càng thiếu tôn trọng nhau. Đó chính là mầm mống đầu tiên, là nguy cơ khiến cho nhiều gia đình tan vỡ.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật