26 năm sống chui dưới hầm sân bay

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ tọa phiên tòa: “bị cáo đã khai nhận rằng đã sống bên trong sân bay từ hai năm nay…”. Luật sư bào chữa lên tiếng: “Thưa quý tòa, không phải hai năm mà là… 26 năm”. Cả phiên tòa sững sờ…
26 năm sống chui dưới hầm sân bay
Bãi đậu xe ngầm tại các ga 2A và 2B của Sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle nằm gần khu chứa rác của các nhà hàng và khách sạn, vì thế dễ dàng cho Ismaël tìm chỗ trú ẩn.
Ismaël Nohou, một người vô gia cư, người gây ra nhiều vụ trộm cắp vặt, sẽ phải bước vào tù hoặc một bệnh viện tâm thần trong nay mai.

Sân bay Roissy - Charles de Gaulle, điểm đến cuối cùng

Chính tại đây, trong khu vực sân bay lớn thứ nhì châu Âu, Ismaël đã dừng chân. Kể từ ít nhất 12 năm nay theo hồ sơ tòa án (casier judiciaire) với 11 án phạt, chủ yếu là tội trộm cắp và phá hoại. Nhưng thật ra đúng hơn đó là 26 năm, theo kết luận điều tra của tổ chức luật sư giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng (Apcars) của TP Bobigny, tỉnh lỵ tỉnh Seine-Saint-Denis.

Christophe, một nhân viên công tác xã hội trước đây và thường lui tới khu vực này kể lại: “Tất cả mọi người ở đây đều biết anh ta, ít ra là cũng nhìn thấy hắn ở đâu đó. Anh ta da ngăm đen, để tóc dài, cặp mắt luôn nhìn quanh quất, lơ đãng. Một con người sống bên lề xã hội, khác với những người vô gia cư khác trong sân bay, anh ta sống ẩn dật dưới lòng đất và rất ít khi lên khỏi mặt đất”.

Một mê cung mà Ismaël đã thuộc nằm lòng

Bên dưới sân bay này là hàng trăm hecta đường hầm ngầm, kho chứa và khu kỹ thuật mà công chúng bình thường không thể biết được.

Naoufel, một nhân viên xã hội khác phụ trách theo dõi những người vô gia cư, giải thích: “Diện tích mặt bằng ngầm của sân bay dưới lòng đất rộng gấp 4-5 lần diện tích “bề nổi” của sân bay, chỉ có các nhân viên có phận sự và cảnh sát mới bước xuống đây qua lối vào riêng. Để đi từ tầng này sang tầng khác, người ta sử dụng cái gọi là “vỏ ốc”, tức là những cầu thang xoắn rất hẹp chỉ đủ cho một người đi mà thôi. Đây là một ma đồ trận vô cùng tận. Ismaël đã “dựng trại” tại đây sau khi tìm được một khu vực lõm kín đáo. Có lẽ anh ta là một trong những người hiếm hoi có thể nhắm mắt mà định vị được vị trí tại nơi này”.

12 lần ra tòa

Khi anh ta bị đuổi khỏi các khu vực an ninh, anh ta náu mình trong các bãi đậu xe ngầm, thường là tại khu vực ga đến 2A và 2B, nơi gần các thùng rác của các nhà hàng và khu khách sạn. Tuy nhiên, Ismaël đã bị cảnh sát biên phòng phát hiện tại ga đến số 3 vào ngày 25-11 năm ngoái khi anh ta đang cố gắng phá cửa các xe hơi để lấy cắp đồ đạc. Trên người anh ta khi bị bắt là một chiếc máy nghe nhạc iPod mà anh ta thú nhận đã lấy cắp từ một chiếc xe không khóa cửa. Ismaël bị giam và bị ra tòa. Đây là lần thứ 12 nhưng là lần đầu tiên mà cảnh sát mới thật sự biết được “nơi ăn chốn ở” của Ismaël. Ngoài thâm niên cư trú dưới tầng hầm sân bay, một khoảng thời gian không ai tin nổi, kết quả điều tra của tổ chức Apcars cũng giúp cơ quan chức năng lần ra quá khứ cuộc đời của Ismaël.

Bỏ nhà và trốn trại

Sinh ra tại quần đảo Comores (châu Phi) ngày 26-11-1967, Ismaël đến Paris lúc 14 tuổi theo diện đoàn tụ gia đình. Có quốc tịch Pháp và là con trai một, Ismaël đã bỏ nhà ra đi vào năm 17 tuổi sau khi có bất hòa cãi vã trong gia đình. Không bằng cấp, không nghề nghiệp, chàng trai trẻ đến sống tại một hội quán rồi sau đó tham gia quân đội, nơi anh ta học được bập bõm các kiến thức sơ đẳng về cơ khí. Xuất ngũ trở về, Ismaël đến trọ trong một hội quán dành cho các lao động trẻ tại Melun nhưng vẫn không tìm được việc làm. Anh trốn đi khỏi đây vào năm 20 tuổi khi không có một xu dính túi, để cuối cùng “hạ cánh” tại Sân bay Roissy.

Lang thang một mình nhưng không bao giờ đi xin ăn

Nếu không tính đến những lần trộm cắp vặt thì kẻ lang thang Ismaël hoàn toàn không có đặc điểm gì đặc biệt khiến các bộ phận chuyên trách của sân bay phải quan tâm. Nhân viên xã hội Christophe nhớ lại: “Vào cái thời còn có nơi đón tiếp những người vô gia cư, người ta thấy anh ta sáng sáng đến đó uống cà phê, rồi thoắt biến mất. Tôi đã nhiều lần thử bắt chuyện với anh ấy nhưng anh ấy không trả lời. Anh ấy cứ ru rú trong thế giới riêng của mình mà thôi”.

Luật sư Azia Mumtaz Taj của Ismaël phát biểu: “Ismaël diễn đạt như một đứa bé năm tuổi vậy: Anh ấy chỉ biết nói “vâng”, “có”, “không” hoặc “tôi không biết” mà thôi”. Do đó, Ismaël không bao giờ làm phiền ai cả.

Nhân viên xã hội Naoufel thì ghi nhận: “Ismaël không đi xin ăn, anh ta không vòi vĩnh này nọ của bất kỳ ai cả. Ngược lại, nếu bạn đến và cho anh ta một điếu thuốc, anh ta vui vẻ nhận ngay. Đa số thời gian trong ngày anh ta rút xuống thui thủi một mình dưới lòng đất và luôn lẩm bẩm trong miệng một điều gì đó”.

Phải chăng Ismaël bị tâm thần?

Đối với đa số những người đã từng gặp Ismaël, thái độ và cách sống khác thường của anh ta khiến ai cũng nghĩ anh ta đang bị bệnh tâm thần. Khi bị giam, Ismaël còn có lần kể cho cảnh sát nghe là anh ta đã trốn khỏi trại tâm thần “cách đây khoảng hai tháng” nhưng chi tiết này không thể xác minh được.

Về phía tòa án, đối với trường hợp can phạm quá nghèo túng và bất thường như thế, tòa đã phải chờ bên giám định y khoa về tình trạng của Ismaël nhưng tuyên bố tạm giam anh ta. Luật sư Taj của Ismaël nhận định: “Nơi đến của Ismaël không phải là nhà tù. Cho dù anh ấy có nhiều tội nhưng tòa đã không hề xem xét đến quá khứ cuộc sống và tình trạng sức khỏe tâm thần của anh ấy trong suốt những năm vừa qua. Hiện nay, ngoài bệnh viện tâm thần, Ismaël không có con đường nào khác”.

Có hai câu hỏi then chốt được đặt ra sau khi “chuột chũi” Ismaël Nohou bị bắt, đó là:

- Vì sao an ninh sân bay đã không thể phát hiện ra (hoặc đã bỏ qua) trường hợp của Ismaël trong suốt 26 năm anh ta sống chui rúc ngay bên dưới tầng ngầm của sân bay?

- Vì sao tòa án Pháp chỉ biết được nhân thân của Ismaël sau khi đã kết án anh ta đến những 11 lần trước đó, bởi sau mỗi lần ra tòa Ismaël vẫn lại quay về sống ở chỗ cũ?

Những câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật