PGS Văn Như Cương: Điểm sàn ‘phủ nhận’ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xung quanh đề xuất nên nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ làm một và hướng tới một bài thi chung cho tất cả các môn học vừa được Bộ GD-ĐT công bố xin ý kiến dư luận, PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh đã có những chia sẻ với Một Thế Giới về vấn đề này.
PGS Văn Như Cương: Điểm sàn ‘phủ nhận’ kỳ thi tốt nghiệp THPT
PGS Văn Như Cương

Thưa PGS Văn Như Cương, ông có quan điểm như thế nào về đề xuất gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ làm một vừa được Bộ GD-ĐT công bố xin ý kiến dư luận?

Mỗi kỳ thi có một tính chất và mục đích khác nhau. Nếu ta gộp hai kỳ thi làm một vô tình sẽ làm thay đổi tính chất và mục đích hướng đến của hai kỳ thi.

Thực tế cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều tiêu cực trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ về mặt bằng chung là nghiêm túc và ít tiêu cực. Do đó, kỳ thi tuyển sinh giúp chúng ta lựa chọn được những thí sinh “tạm yên tâm” về năng lực.

Nếu bây giờ gộp hai kỳ thi này làm một, chắc chắn tiêu cực thi cử sẽ nhiều hơn. Các trường ĐH-CĐ không đảm bảo sàng lọc, lựa chọn được những thí sinh giỏi và phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình.

Có gộp hay không gộp hai kỳ thi làm một cần phải nghiên cứu rất kỹ, xem xét hiệu quả của nó sẽ đi đến đâu. Làm giáo dục không thể mạo hiểm và phiêu lưu được.

Còn đề xuất hướng đến một bài thi chung cho tất các môn học thì sao thưa ông?

Ý tưởng đó không mới. Cách thức thi này thế giới đã làm nhiều như: SAT của Mỹ, thi tiếng Anh TOEF, IELTS.
Theo phương thức thi này, tất cả các môn học ở THPT sẽ được đưa vào một bài thi chung để đánh giá năng lực tổng thể của thí sinh. Tôi ủng hộ đề xuất này của Bộ. Các trường ĐH-CĐ hoàn toàn có thể tiến hành cách thức thi này để tuyển chọn đầu vào cho mình.
Tuy nhiên, khối lượng kiến thức các môn phân bổ như thế nào trong đề thi, thời gian làm bài thi bao lâu, thi theo hình thức nào cần được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng.

"Trường hợp học sinh quá yếu kém không đủ điều kiện học tập tại các trường ĐH-CĐ là cái sai của giáo dục phổ thông", GS Văn Như Cương.

Nhiều người lo ngại, một bài thi chung cho tất cả các môn học sẽ không đánh giá được năng lực thực của học sinh, các trường ĐH-CĐ sẽ khó lựa chọn được đầu vào theo đúng lĩnh vực giảng dạy, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Không đáng lo ngại. Các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh cũng đã làm rồi. Một đề thi chung cho tất cả các môn học sẽ ngăn chặn việc học sinh học tủ, học lệch như hiện nay.
Nó giúp kiểm tra và đánh giá được kiến thức của học sinh. Tuy nhiên, với mỗi ngành nghề, lĩnh vực đào tạo cần tạo ra “điểm nhấn”, sự chuyên sâu, phân loại trong đề thi chung ấy.

Với các trường đào tạo các chuyên ngành xã hội nhân văn, lượng kiến thức về lĩnh vực này nên nhiều hơn, yêu cầu cũng phải cao hơn. Thí sinh trúng tuyển phải thỏ‌a mã‌n các điểm số theo quy định về nội dung này.

Tương tự với các chuyên ngành khoa học tự nhiên, lượng kiến thức toán học, vật lý, hóa học, sinh học… cũng yêu cầu ở mức độ cao hơn, câu hỏi nhiều hơn, khó hơn để chọn lọc và phân loại học sinh.

Hình thức ra đề thi nên căn cứ vào đặc thù của từng môn học. Cụ thể như: toán, ngữ văn phải thi tự luận; Các môn sinh học, hóa học, ngoại ngữ, lịch sử, địa lí… có thể thi trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm kết hợp tự luận.

Thi chung một đề thi, bộ phận ra đề của các trường cần có sự linh hoạt với việc phân bổ khối kiến thức các môn học trong đề thi. Việc làm này là để đảm bảo thí sinh có thể hoàn thành bài thi trong khoảng thời gian quy định, tránh việc đề thi quá dài, những kiến thức trọng tâm để phân loại, sàng lọc thí sinh thì thiếu mà những kiến thức đánh giá kiến thức chung lại quá nhiều…

Đề thi chung cho tất cả các môn học phải thỏ‌a mã‌n việc vừa đánh giá được kiến thức tổng thể vừa giúp sàng lọc, tuyển chọn với từng lĩnh vực đào tạo.

Nếu hướng đến một đề thi chung, điểm sàn và khối thi sẽ như thế nào thưa PGS?

Nếu hướng đến một đề thi chung cho tất cả các môn học, khối thi sẽ tự dưng biến mất. Còn về điểm sàn, cá nhân tôi cực kỳ phản đối ngay từ những ngày bắt đầu thực hiện “3 chung”. Đó là điều cực kỳ vô lý.

Học sinh tốt nghiệp THPT có nghĩa là đã được chứng thực đủ điều kiện học tập các trường ĐH, CĐ, TCCN nếu các trường đó nhận. Điểm sàn vô tình “phủ nhận” kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Về mặt luật pháp, đây là điều vô lý.

Trường hợp học sinh quá yếu kém không đủ điều kiện học tập tại các trường ĐH-CĐ là cái sai của giáo dục phổ thông.

Nên bỏ điểm sàn nhưng mỗi trường nên có 1 tiêu chí đánh giá riêng trong tuyển sinh.

Trân trọng cảm PGS!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật