Giúp bé tự lập như thế nào?

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trẻ em mỗi ngày khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn. Bé tự giải quyết được những việc nhỏ hàng ngày tốt bao nhiêu thì sẽ tư duy để đối phó với những vấn đề lớn hiệu quả bấy nhiêu, và hơn thế bé sẽ tự tin hơn.
Giúp bé tự lập như thế nào?
Ảnh minh họa
Cổ vũ những mong muốn tích cực

Bản chất của mọi trẻ em là mong muốn được tự chủ và trở nên độc lập “như một người lớn”. Vậy thì hãy đề bé làm như vậy. Bạn trấn an bé bằng tình yêu thương, bạn giúp bé thêm mạnh mẽ bằng những lời khuyên, bạn luôn ở bên bé, để nói cho bé những bài học từ những thành công hay thất bại.

Bé sẽ luôn tìm mọi dịp có thể để thực hiện “những thử nghiệm mới”. Hãy xem đó là một may mắn. Điều ấy sẽ giúp bé củng cố những cá tính của mình. Chúng khiến bé tự hiểu biết về mình hơn, và cũng vững vàng hơn khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Chúng cũng khiến bạn hiểu nhiều hơn về bé nữa đấy.

Kiềm chế mong muốn được giúp khi bé gặp những khó khăn rất nhỏ

Bé còn nhỏ quá, bé đang tập bò, bé ngồi chưa vững... Bé đang muốn lấy lại món đồ chơi vừa đánh rơi, bé loay hoay giữa đống đồ chơi mà không nhìn thấy vật mình đang tìm. Bạn đừng lo lắng. Bé sẽ tự lấy được con gấu bông mà bé thích, sẽ tự xoay xỏa để nhìn được mọi vật xung quanh dễ dàng hơn. Hãy hình dung bé sẽ có thói quen ra sao khi cứ cần cái gì thì kêu “ê ê” là sẽ được đáp ứng ngay?

Không cấm bé “mạo hiểm”

Tất nhiên, trong một chừng mực cho phép. Bé muốn một mình trèo lên cầu thang dẫn tới phòng làm việc của bố. Hãy gợi ý rằng mẹ chỉ đi đằng sau thôi, vì mẹ muốn lên cùng con tìm một thứ đồ chơi con thích.

Chấp nhận mất thời gian

Để bé tự ăn sẽ lâu hơn rất nhiều so với khi bạn xúc thìa cho bé. Và bạn sẽ phát điên đầu trước cậu con trai mặc đi mặc lại chiếc áo khoác ba lần vẫn trái, trong khi đã sắp muộn giờ làm... Nhưng nhớ rằng, thời gian bạn bỏ ra ngày hôm nay, bạn sẽ thu lại vào những ngày sau.

Tin tưởng giao nhiệm vụ

Hãy tin tưởng giao cho những đứa con bạn những nhiệm vụ phù hợp với khả năng của chúng. Sẽ không có gì khiến chúng tự hào và hoan hỉ hơn. Một cô bé lên bốn, tất nhiên sẽ không thể mang ly để giúp bố rót sâmbanh cho khách. Nhưng bé hoàn toàn có thể mời khách dùng bánh quy trong khi uống trà. Và bạn nghĩ sao nếu giao cho bé trách nhiệm tưới cây hoa nhỏ trước cửa sổ mỗi buổi sáng?

Để bé tự hoàn tất những việc đơn giản Hãy để bé tự làm những việc bé có khả năng hoàn tất trong khả năng của bé: thả bát đã ăn xong vào chậu rửa, rút khăn sạch trên giá, giúp mẹ mang đồ khi đi chợ. Thậm chí sẽ có lúc bạn tự hỏi vì sao bé lại có thể khéo léo đến vậy, và tại sao bạn lại từng có ý định giúp bé làm những việc đó. Đừng chạy ngay đến và làm giúp bé những việc đơn giản ấy ngay khi bé vừa chán nản buông tay, hoặc chỉ vì cảm xúc nhất thời không muốn làm nữa. Bé hoàn toàn có thể tự làm! Bé tự lựa chọn

Bất cứ khi nào có thể, hãy để cho bé được lựa chọn. Đơn giản và dễ gây hứng thú nhất là trước buổi đi chơi: hôm nay con sẽ mặc cái váy hay cái quần dài này? Mặc áo sơmi hoa hay áo pull màu hồng?

Dạy bé tự chịu trách nhiệm kết quả những hành động của mình

Tùy theo từng độ tuổi, hãy dạy bé phải chấp nhận và chịu trách nhiệm kết quả những hành động của mình. Bé quên không mang mũ từ trường về. Bé không nhớ buổi tiệc sinh nhật của cậu bạn tốt nhất sẽ tổ chức lúc mấy giờ. Đừng đặt vào tay bé mọi đồ vật và thông tin bé muốn tìm kiếm. Bé sẽ phải tự tìm trong trí nhớ.

Thậm chí bé sẽ phải chấp nhận một số sai lầm (không có chiếc mũ ưa thích, không đi sinh nhật bạn), từ lần sau bé sẽ có ý thức lưu tâm đến những vấn đề thuộc về “trách nhiệm của bé”.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật