35 năm nuôi ‘người dưng’ bại liệt, tâm thần

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không phải bà con, họ hàng thân thích vậy mà hơn 35 năm qua cô Đoàn Thị Thanh Bình (1955), trú tổ 14, thôn 3, xã Bình Triều, H. Thăng Bình (Quảng Nam) đã nuôi nấng và chăm sóc một đứa con nuôi bị bại liệt và tâm thần. Đây là câu chuyện nhiều đau thương nhưng thấm đẫm tình người.
35 năm nuôi ‘người dưng’ bại liệt, tâm thần
Hơn 35 năm qua, chị Bình vẫn tận tụy chăm sóc đứa con nuôi của mình.

Thương một phận người

Đến thăm cô Bình vào những ngày đầu năm mới, trong căn nhà nhỏ, ọp ẹp nhưng ngăn nắp, gọn gàng. Tiếp chúng tôi, cô Bình kể về cuộc đời nhiều đắng cay của mình. Năm 1977, cô yêu và lập gia đình với một thanh niên trong làng. Sau hai năm chung sống nhưng không có con, nghe tin trạm xá xã có người mẹ sinh con rồi bỏ đi biệt tăm, vợ chồng cô bàn với nhau xin đứa bé về nuôi để có niềm vui trong cuộc sống.

Đứa bé được vợ chồng cô đặt là Thủy Thị Thanh Thúy theo họ mẹ đẻ. Cứ tưởng hạnh phúc từ đây sẽ đến với gia đình nhưng đau đớn thay, đứa con xin về nuôi sau hai năm vẫn nằm im một chỗ, không nói không rằng. Vợ chồng cô chạy chữa khắp nơi thế nhưng đi đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu của bác sĩ. Hai vợ chồng buồn rầu khi biết đứa con nuôi của mình chưa đến hai tuổi lại mang hai căn bệnh trong người: bại liệt và thần kinh.

Cô Bình tâm sự: "Thấy con Thúy mang bệnh, chồng tôi nản quá nên quyết định ly dị và có vợ khác. Tôi một  mình lầm lũi nuôi nó hơn 35 năm qua. Tôi cứ nghĩ mới sinh ra nó đã bị mẹ bỏ rồi thì mình làm sao mà bỏ nó lần nữa.

Trừ khi là tôi chết đi, chứ còn sống ngày nào thì tôi vẫn chăm sóc nó ngày đó". Từ khi người người chồng bỏ đi, cuộc mưu sinh nặng nề hơn với người phụ nữ này. Bà làm tất cả mọi việc để nuôi con, ai thuê gì thì làm đó để có tiền mua thuốc cho con. Nhìn Thúy nằm quằn quại  trên giường, cô Bình ứa nước mắt: "Lúc lên cơn nó kêu la, đập giường rồi bứt tóc. Những lúc như thế lòng tôi đau lắm, con nuôi cũng như con ruột vậy thôi, gia đình chỉ còn 2 mẹ con, tôi thì già yếu nhưng cũng cố gắng chăm lo cho nó".

Ở góa nuôi con nuôi

Căn nhà cấp bốn trở nên hiu hắt hơn khi vắng đi bóng dáng người đàn ông. Mọi chuyện trong nhà đều do một tay cô Bình gánh vác. Để trang trải cuộc sống, cô Bình ôm con bôn ba khắp nơi để tìm việc. Từ công nhân xí nghiệp gốm Quảng Thanh (H. Thăng Bình) cho đến việc bưng bê, quét dọn tại các nhà hàng tại Đà Nẵng. Đi đâu cô cũng cõng Thúy theo. Sau nhiều năm bôn ba, năm 2005 cô về lại quê mở tiệm tạp hóa nho nhỏ kiếm sống qua ngày. Hằng ngày, cô Bình vừa bán quán vừa trông con.

Nhiều lúc con lên cơn, cô phải cõng đến trạm xá. "Nếu không may tôi mất trước con thì không biết ai sẽ lo cho con Thúy bây giờ"-cô Bình buồn rầu lo lắng. Ông Trần Ngọc Tuấn (hàng xóm cô Bình) cho biết: "Hoàn cảnh chị Bình đáng thương lắm, hơn 35 năm qua 1 mình chị nuôi đứa con bị bại liệt, ngớ ngẩn. Nhiều người thấy khổ cực quá khuyên chị đi lấy chồng khác, nhưng chị không chịu vì thương đứa con nuôi bệnh tật".

Tuổi đã ngoài 60 tuổi, cô Bình bị đau khớp nên không làm được việc nặng. Cuộc sống chỉ trông chờ vào đồng tiền lời ít ỏi từ quán tạp hóa. Nhiều người trong thôn thấy hoàn cảnh khó khăn của cô nên đến mua giúp. Bất chấp bệnh tật và cái nghèo đeo bám, người mẹ này vẫn sống và chăm lo cho đứa con gái tật nguyền từng li, từng tí.

Đó là sự cảm thông của tình người, tình mẹ con cao cả. Hiện nay, gia đình cô Bình được nhà nước phụ cấp 360 ngàn đồng/ 1 tháng thuộc diện nuôi người khuyết tật. Thế nhưng số tiền còn quá ít ỏi không đủ mua thuốc cho con. Cuộc sống thiếu thốn là vậy, nhưng tình thương người mẹ dành cho đứa con nuôi này chưa bao giờ cạn.

Ông Nguyễn Công (Chủ tịch UBND xã Bình Triều) cho biết: "Đây là hộ đặc biệt khó khăn nên địa phương luôn tạo mọi điều kiện để giúp đỡ gia đình. Các dịp lễ, tết và các đợt hỗ trợ của các nhà hảo tâm đều ưu tiên cho gia đình chị Bình. Hơn 35 năm qua, chị Bình nuôi con nuôi bị tật nguyền, tâm thần nghĩa cử cao đẹp đó người dân ở đây ai cũng nể phục và quý mến".

chia tay gia đình cô, lòng chúng tôi nặng trĩu nỗi lo. Tương lai chị Thúy sẽ đi về đâu khi cô Bình đang ở tuổi xế chiều, cái tuổi mà bệnh tật đeo bám và cần sự chăm sóc của con cái? Cuộc sống hối hả, đâu đó vẫn còn những mảnh đời khốn khổ, đau thương nhưng đậm tình người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật