Giá không còn leo thang

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người ta nói 30 chưa phải là Tết. Vậy nên mới là mùng 9 Tết mà nói giá cả các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống dân sinh của năm Giáp Ngọ giữ được ở mức bình ổn, không tăng đột biến liệu đã nên chăng?
Giá không còn leo thang
Ảnh minh họa

Nhưng nói gì thì nói, chứ giá cả các nhu yếu phẩm trong mấy ngày Tết như thịt lợn, thịt bò, rau, củ, quả... không bị tư thương lợi dụng tăng giá gấp đôi, gấp ba như những năm trước đã là điều đáng mừng của đại bộ phận người dân rồi.

Câu chuyện trong các cuộc "trà nước” tại các công sở vào những ngày đầu "khai xuân” không chỉ còn là việc đi lễ ở đâu, chùa nào linh hay đền nào thiêng nữa. Người ta không chỉ bàn tán về việc muốn phát tài phát lộc thì đi lễ bà Chúa Kho phải sắm lễ như thế nào, muốn thăng quan tiến chức thì phải đến Nam Định xin ấn Đền Trần ra sao... Mà các câu chuyện bù khú đầu xuân đã có cả câu chuyện giá cả các mặt hàng năm nay bỗng có sự thay đổi bất thường. Bất thường ở chỗ mọi năm cứ đến gần Tết Nguyên đán là cái "anh giá” cứ thế là leo thang vùn vụt. Vậy nhưng năm Giáp Ngọ này không chỉ những ngày giáp Tết giá cả ổn định, mà ngay cả trong những ngày "nóng” (30, mùng 1, mùng 2 Tết) thì giá các mặt hàng cũng chỉ nhỉnh lên đôi chút.
Nói giá cả các mặt hàng trong dịp Tết Giáp Ngọ thay đổi bất thường là nói cho nó "vui mồm”, hơn nữa còn thể hiện sự chua chát mà người tiêu dùng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt”, đành chấp nhận sự leo thang giá cả mỗi độ Tết đến xuân về, thành một thứ bình thường như "chuyện thường ngày ở huyện”. Còn nói theo góc độ kinh tế học thì việc giá cả của hầu hết các mặt hàng trong những ngày Tết không tăng, thậm chí có mặt hàng còn giảm là kết quả khách quan và tất yếu của một nền kinh tế thị trường.
Tại sao nói giá cả các mặt hàng giữ vững không tăng đột biến trong dịp Tết Giáp Ngọ là kết quả khách quan và tất yếu? Xin thưa, khách quan là vì nền kinh tế của đất nước dần đã tuân theo đúng quy luật cung - cầu của thị trường. Tức là nó đã dần trở thành nền kinh tế thị trường thực sự. Tất yếu bởi không chỉ tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường, mà nó còn chịu sự giám sát, điều tiết của Nhà nước một cách có hiệu quả. Hàng loạt các biện pháp đã và đang được Chính phủ thực hiện nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát phần nào đã phát huy tác dụng. Khi nền kinh tế vĩ mô ổn định, đồng tiền không bị mất giá thì hà cớ gì mà giá cả lại leo thang?!
Vậy thì quy luật cung - cầu hiện nay như thế nào mà khiến "thằng giá” lại chịu lùi bước? Không có gì đặc biệt cả. Chỉ đơn giản là nền kinh tế năm qua gặp nhiều khó khăn, người người, nhà nhà đều phải thắt lưng buộc bụng, không dám tiêu xài lãng phí mà phải tính toán rất kỹ trước khi tiêu dùng. Khi người ta không có tiền thì sẽ hạn chế chi tiêu, thậm chí có tiền nhưng còn phải "tích cốc phòng cơ” thì cũng phải thắt chặt chi tiêu. Nhu cầu người tiêu dùng giảm mạnh, trong khi nguồn cung các mặt hàng thì lại dồi dào, thậm chí dư thừa thì dù các tư thương có muốn tăng giá cũng không được. Cùng một cái tivi, anh tăng giá lên vài trăm nghìn đồng, trong khi cửa hàng bên cạnh không những không tăng mà lại tặng khuyến mãi thì đương nhiên tôi sẽ không bao giờ mua của anh. Dù mớ rau, lạng thịt là thực phẩm thiết yếu hàng ngày tôi phải ăn, nhưng nếu anh "bó‌p c‌ổ” trong khi người khác giữ giá thì sao tôi lại dại dột mua của anh? Và hệ quả tất yếu là các nhà sản xuất, kinh doanh dù không muốn cũng buộc phải tuân theo luật chơi do người tiêu dùng áp đặt.
Nhưng như vậy có người sẽ nói: Những người sản xuất, kinh doanh đa số đều có kiến thức về kinh tế học, am hiểu, thậm chí lọc lõi về quy luật cung - cầu của nền kinh tế thị trường, họ đều biết phải kinh doanh ra sao để có thặng dư lớn nhất, vậy vì sao lại chuẩn bị hàng hóa dồi dào đến vậy để rồi bị ế? Thưa rằng, họ đều biết hàng hóa dồi dào thì sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt, từ đó rất khó có thể ép giá người tiêu dùng. Nhưng với một số người thì là tại lòng tham, muốn "ăn dầy” nên đầu cơ tích trữ hàng hóa để tung ra bán "cắt cổ” người tiêu dùng dịp Tết. Nhưng số này không nhiều nên cũng không thể khiến nguồn cung hàng hóa dồi dào đến vậy. Đó là nhờ sự can thiệp đúng đắn và kịp thời của Nhà nước, bằng các hình thức chuẩn bị nguồn hàng, mở các điểm bán hàng bình ổn giá...

Qua việc giá cả các mặt hàng trong dịp Tết Giáp Ngọ bình ổn, không có sự tăng đột biến có thể thấy người tiêu dùng đúng là "thượng đế” và họ hoàn toàn có thể áp đặt cuộc chơi cho các nhà sản xuất, kinh doanh. Người tiêu dùng không cần phải "thông thái” như "lời khuyên” của cơ quan quản lý thị trường, họ chỉ cần biết cách chi tiêu hợp lý, tính toán việc tiêu dùng một cách hiệu quả thì sẽ kiểm soát được giá cả. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Nhà nước như quản lý thị trường, quản lý giá... thực sự "xắn tay vào cuộc” thì tin rằng không chỉ xuân Giáp Ngọ người dân mới có may mắn bỏ tiền ra mua đúng giá trị hàng hóa. Khi mà Nhà nước và nhân dân cùng làm thì giá sẽ không còn leo thang nữa!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật