Liên Hợp Quốc thất vọng khi đàm phán Geneva 2 không đạt kết quả

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 3/2, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Valerie Amos tuyên bố lấy làm tiếc vì Hội nghị Geneva 2 kết thúc cuối tuần trước đã kết thúc mà không đạt được bất cứ tiến triển nào, nhất là đối với cuộc sống của hàng triệu người dân Syria đang bị ảnh hưởng bởi nội chiến kéo dài.
Liên Hợp Quốc thất vọng khi đàm phán Geneva 2 không đạt kết quả
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo, Valerie Amos (Ảnh: un.org)

Trước đó phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Cairo, Ai Cập, Tổng thư ký Liên đoàn Arap ông Nabil El Araby cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Syria và lực lượng đối lập tại Geneva, Thụy Sĩ đã kết thúc mà không có tiến triển nào cụ thể nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân Syria.

Ông Nabil El Araby, Tổng thư ký Liên đoàn Arap nói: “Thật không may là người dân Syria không có gì để trông đợi sau hội nghị Geneva 2 và cũng chẳng có thay đổi nào đối với cuộc sống của họ”.

Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Italy và Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề nhân đạo ở Rome, bà Amos cho biết, khoảng 7 triệu người dân trong lãnh thổ Syria khó có thể tiếp cận được với các tổ chức viện trợ nhân đạo, trong số đó có gần một nửa cần hỗ trợ khẩn cấp và khoảng 250.000 người bị bao vây bởi xung đột nên không thể tiếp cận được họ.

Bà Amos nhấn mạnh: “Tất cả chúng tôi lấy làm thất vọng vì các cuộc thảo luận tuần trước ở Geneva chỉ tập trung chủ yếu vào vấn đề chính trị mà không đem lại tiến bộ nào cho tình hình nhân đạo ở Syria, điều mà chúng tôi cho là tiềm năng xây dựng lòng tin giữa 2 bên”.

Phát biểu bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, vừa qua, Ngoại trưởng Iran Javad Mohammad Zarif cũng cho rằng, Liên Hợp Quốc phải là bên đứng ra giải quyết tình trạng đổ máu ở Syria trước khi tìm được một giải pháp ngoại giao và chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong khi đó, Hội nghị Geneva 2 kết thúc hôm 31/1 vừa qua mà không đạt được tiến bộ nào về mặt chính trị do những bất đồng về chính phủ chuyển tiếp. Hội nghị Geneva 2 lâm vào bế tắc bởi cả 2 bên ngồi vào bàn đàm phán khi họ chưa sẵn sàng thỏa hiệp. Cách duy nhất để đạt được hòa bình cho Syria là phải tìm một nhà lãnh đạo quá trình chuyển giao chính trị mà tất cả các bên đều có thể chấp nhận được.

Theo kết quả của Hội nghị Geneva 1 năm 2012, chính phủ chuyến tiếp phải bao gồm đại diện chính phủ, phe đối lập và các nhóm chính trị khác. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng điều này có nghĩa rằng Tổng thống as‌sad sẽ không còn vai trò gì trên chính trường nữa, bao gồm cả giai đoạn chuyển tiếp, một luận điệu bị chính phủ Syria phản đối kịch liệt.

Reuters dẫn phát biểu của Thủ tướng Italy Enrico Letta sau cuộc hội đàm hôm 3/2 với các quan chức Qatar thảo luận về tình hình khu vực Trung Đông: “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải sớm đạt được một thỏa thuận về chính phủ chuyển tiếp ở Syria. Đây không chỉ là cách tiếp cận của Italy mà của cả châu Âu. Chúng ta sẽ không thể thúc đẩy tiến trình hòa bình trong bối cảnh không có sự hội tụ về mặt quan điểm và kỳ vọng như hiện nay”.

Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab, Lakhdar Brahimi cũng bày tỏ hy vọng có thể thúc đẩy được một thỏa thuận cho phép phân phát lương thực và nhu yếu phẩm, thuốc men cho thành phố Homs, nơi phe nổi dậy chiếm giữ, cũng như sơ tán phụ nữ và trẻ em khỏi khu vực này.

Trong khi đó, tiến trình giải trừ vũ khí hóa học ở Syria đang chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Ngày 3/2, phát biểu sau chuyến thăm hạm đội tàu của Đan Mạch và Nauy thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí hóa học ta khỏi Syria, Ngoại trưởng Cộng hòa Cyprus, Ioannis Kassoulides cho biết, đến nay chỉ có khoảng 5% nguyên liệu chế tạo vũ khí hóa học được đưa ra khỏi Syria.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Cộng hòa Cyprus khẳng định, những con tàu này vẫn ở đây sẵn sàng đợi lệnh để đến cảng Latakia bất cứ lúc nào khi tình hình an ninh cho phép



Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật