Cây roi của bà

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà tôi có một cây roi trồng ngoài sân. Ông tôi kể rằng nó được trồng vào chính năm tôi được sinh ra, do chính hai bàn tay run run của bà tôi trồng.
Cây roi của bà
Ảnh minh họa
Mấy tháng sau đó, khi còn đang khâu dở chiếc áo sơ sinh cho tôi thì bà mất. Vì vậy, cây roi của bà chính là kỉ vật cuối cùng mà bà dành tặng cho tôi. Dáng bà gầy gò đổ dài trên bóng cây vừa cao tới ngực người lớn. Vậy là năm nay, cây roi bà trồng cũng bằng tuổi tôi rồi đấy.

Vì là đất phù sa do sông Hồng bồi đắp nên cho dù chỉ còn một khoảnh đất ngoài sân dành cho nó, nhưng cây roi của bà tôi vẫn lớn rất nhanh. Suốt những năm tuổi thơ của tôi, vào tháng 6-7-8, tức là tháng vào mũa lũ sông Hồng cũng là khi cây phát triển nhất. Ban đầu là hoa roi nở trắng cây, trắng cả một khoảng trời bé nhỏ. Khi hoa đã nở bung ra và chuẩn bị ra quả, chỉ cần một cơn gió nhẹ thôi cũng đủ làm thổi bung những cánh hoa mỏng manh. Giống như hoa Bồ Công Anh, hoa roi phát tán theo gió và rơi đầy trên sân nhà, dưới giếng, trên cả áo mọi người trong gia đình.

Vào mùa roi, sáng ra ngoài sân, nghe tiếng chim sâu lích rích, nhìn lên cây, những chú chim nhỏ xinh đang nhảy nhót bắt sâu cho hoa. Mùa roi nở chín rộ nhất, ở chỗ tôi cũng là mùa lũ. Nước từ đầu nguồn, từ trên núi cao xả xuống, ngập trắng cả một vùng bãi ngoài Thủ Đô. Cây sai quả và trĩu nặng đến nỗi khi có người đi đò qua, họ thường “tiện tay” vặt lấy vài chùm mọc với ra ngoài tường rào. Biết là cây trĩu quả là thế nhưng vì sân ngập đầy nước nên cứ phải trơ mắt để quả chình ình trước mặt mà không ăn được. Tiếc hùi hụi…Không những thế, trái cây gặp nước bị ủng, chín vàng, chẳng tươi được bao lâu. Thương cây roi của ngoại.

Mùa chín rộ nhất là mùa nước lên. Tuy nhiên, một năm, cây roi của bà cũng cho quả thêm mấy đợt nữa, có khi lại cho quả trái mùa. Anh em tôi thích thú vô cùng và lúc nào cũng muốn vặt hết trái và ăn cho thỏa thích thì thôi. Dẫu thế, với những mùa roi sai quả thế này, anh em tôi lại phải ngồi cùng nhau lên kế hoạch để chống trả với những “kẻ thù bất đắc dĩ”. Đầu tiên là lũ trẻ con trong xóm. Lũ này lúc nào cũng lăm le hái trộm những trái roi xanh mướt, ngọt ngào của nhà tôi. Tụi nó cực kì ranh mãnh. Vì thế, ngày cả khi anh em tôi đã phân chia nhau ngồi trông thì vẫn có lúc lơ đễnh bị tụi nó lấy cây gậy dài chọc. Uhm… Chỉ ghét chúng làm những trái roi tươi xanh bị rơi xuống nền đất, dập nát. Còn kẻ thù thứ hai là sinh vật cực kì gớm ghiếc, chúng là… những con sâu róm!!! Hic. Những con sâu với hình thù xấu xí, những chiếc gai cuốn, đen láy, chúng mà rơi vào ai thì người đó ngứa bảy ngày bảy đêm không hết. Có những lần, tôi sợ đến nỗi, không dám ra ngoài sân ngắm cây roi yêu quý của mình. Mỗi lần bố tôi bắc thang, lấy gậy chọc roi, tôi cầm cái rổ hoặc chiếc nón ở dưới hứng mà sợ xanh mắt mèo. Ui thui, nếu bị những chú sâu róm đó rơi vào người thì kinh khủng lắm. Vì thế, nỗi sợ trong suốt những năm thơ ấu của tôi là nỗi sợ… sâu róm.

Tôi là con gái nên sợ sâu róm cũng là chuyện thường. Còn anh trai tôi thì lại coi chúng chỉ “nhỏ như con thỏ”. Một trong những người hàng xóm của tôi là anh Điệp, anh Điệp lớn hơn tôi và cả anh tôi nữa. Để chống lại những con sâu róm gớm ghiếc, anh Điệp và anh trai tôi ngồi làm những chiếc ná thun để bắn chúng “chíu chíu”. Đạn là giấy cuộn nhiều lớp rồi gập đôi hoặc những đoạn dây điện bỏ đi ngắn ngủn uốn đôi. Nhà anh Điệp đối diện ngay sân nhà tôi, cách một con đường nho nhỏ vài mét. Từ phía nhà anh, có thể nhìn một cách dễ dàng cây roi và những tán lá xum xuê của nó. Chúng tôi thường trèo lên gác 2 nhà anh, nơi có ban công rộng và đứng trên đó, ngắm bắn những con sâu róm, những con sâu to bằng ngón tay cái. Và nhiều khi thiện xạ đến nỗi, sâu róm rơi lả tả đầy sân. Anh em tôi coi đó là những chiến tích có một không hai. Hura!!!

Nghĩ lại ngày xưa mà thấy nuối tiếc, vì cây roi bây giờ đã không còn được như trước nữa. Mùa roi ra quả thất thường, chỉ lơ thơ vài quả, có khi hoa nở bung rồi, rụng hết cánh rồi mà quả chỉ lớn được bằng trái mận là lại rụng hết. Ngay bên cạnh nhà tôi còn có nhà làm bánh phở. Cây roi đã phải chịu nóng, chịu những chất phế thải của nhà bánh phở thải suốt gần chục năm. Cây roi bây giờ cành khô, dễ gãy, lá cũng rụng hết. Chỉ khi mùa xuân đến, mới thấy hé lên một vài mầm biếc. Mầm roi màu đỏ tươi, rung rinh trước gió. Thưở bé, tôi thích nhặt những chiếc lá rơi, đưa lên trời rồi nhíu mắt nhìn qua kẽ lá. Ánh sáng mặt trời soi qua lá màu xanh biếc, nhìn thích mắt vô cùng.

Bây giờ cây roi của bà cũng chắng còn có sâu róm nữa. Tự dưng nhớ những chú sâu lông rậm rạp đến thế! Nhớ những trái roi màu xanh mà ngọt mát, thanh thanh đến tao nhã. Đôi khi thấy mấy chị bán hàng rong gánh roi đi qua. Những quả roi màu đỏ, to và bèn bẹt, nhìn cũng thích mắt. Nhưng ăn vào thì nhạt quá, càng nhớ vị roi nhà mình. Cây roi được trồng trên đất phù sa, được trồng bằng bàn tay gầy guộc của bà và lớn lên cùng với những năm tháng tuổi thơ của tôi.

Ngày hôm qua bố vừa chặt bớt những cành cây khô héo. Thấy thương cây quá! Cây có đau không nhỉ? Những ngôi nhà cao tầng mọc lô nhô che hết ánh nắng mặt trời và cả không khí thoáng đãng. Chẳng biết cây còn sống được bao lâu nữa. Nhưng trên thân cây vẫn còn đó dấu hiệu của một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Những nhánh cây non mọc lên trên thân già, những thớ cây, vòng xoáy săn chắc như thách thức với thời gian và thời đại.

Thương cây lại nhớ đến bà. Mong cho cây đừng bao giờ ra đi. Để sau này, khi đã có con, mình lại được đưa con ra ngoài sân vườn, nắm tay con và chỉ lên cây roi, nơi những ánh nắng xuyên qua tán cây, kẽ lá rằng: “Con à, đây là cây do chính tay cụ trồng đấy! Và nó chính là người bạn thân nhất thưở nhỏ của mẹ”.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật