Sự tích thần tài

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự tích về Thần Tài thì có rất nhiều truyền thuyết, mọi người ai cũng biết. Tuy nhiên hiện nay, trong phong tục thờ Thần Tài và cúng Thần Tài vào ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hoặc vào ngày mùng 10 âm lịch hằng tháng, là theo sự tích sau, để các bạn tham khảo:
Sự tích thần tài
Sự tích truyền thuyết về Thần Tài

Chuyện kể rằng dưới trần gian không có Thần Tài, chỉ có Thần Tài trên trời, vị Thần cai quản tiền bạc, tài lộc.

Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì, sáng ra mọi người thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng cải lương thì lấy làm lạ và tưởng bị điên.

Mọi người cũng lột hết sạch quần áo mũ nón của Thần Tài đem bán, Thần Tài tỉnh dậy không có quần áo trên người và cùng do bị va đầu vào đá nên không nhớ mình là ai.

Thần Tài không biết làm việc dưới trần gian nên thường đi lang thang xin ăn khắp nơi. Có cửa hàng nhà kia kinh doanh buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm, thấy Thần Tài đến ăn xin thì mời vào ăn.

Thần Tài ăn rất nhiều và rất thích ăn heo vịt quay, kỳ lạ thay từ lúc Thần Tài vào ăn thì khách ăn khác kéo đến nườm nượp, người bán hàng thấy vậy nên ngày nào cũng mời Thần Tài vào ăn.

Khách hàng ở quán đối diện trước nay rất đông khách bỗng dưng chuyển hết qua quán bên này ăn.

Được một thời gian người bán hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày ăn uống đồ ăn ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi, lang thang không tắm giặt.

Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn cho người ăn mày nên người bán hàng mới đuổi Thần Tài đi.

Quán đối diện ngày xưa rất đông khách nay vắng hoe, thấy vậy thì liền mời Thần Tài vào ăn, kỳ lạ thay mọi người lại ùn ùn kéo đến ăn rất đông.

Mọi người thấy vậy nên ai cũng giành mời cho bằng được Thần Tài đến hàng quán của mình ăn để khách đến đông, vậy nên mới có câu “Thần Tài gõ cửa”.

Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn đi mua quần áo, mọi người dẫn Thần Tài đến cửa hàng nơi quần áo ông bị bán, sau khi mặc quần áo mũ nón vào thì Thần Tài nhớ lại mọi chuyện và bay về trời.

Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và lập bàn thờ, tôn thờ từ đó, hóa thân Thần Tài là một người lang thang ăn xin quần áo rách rưới. Ngày Thần Tài bay về trời là ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch.

Ngày vía của Thần Tài

Để tưởng nhớ Thần Tài, mọi người chọn ngày vía Thần Tài là ngày Thần Tài bay về trời: Ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch.

Ngày vía của Thần Tài mọi người thường mua : 1 bình bông, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa quả, chum rượu, để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt.

Ngoài ngày vía chính của Thần Tài là ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch. Nhưng mọi người vẫn chọn ngày mùng 10 âm lịch hằng tháng để cúng Thần Tài, cầu xin cho may mắn về tài lộc trong tháng đó, nên trở thành thông lệ.

Thông thường thì vào ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch, cùng với bàn thờ Tổ tiên và các bàn thờ khác trong nhà, hoặc vào ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng. Cúng Thần Tài để trả lễ khi gặp vận hên tài lộc.

Đồ cúng thường là các món ăn ngon như heo vịt quay, gà, hoa quả, nước uống hàng ngày… Dân gian truyền miệng Thần Tài rất thích món Cua biển và heo quay, chuối chín vàng.

Thường ngày nên đốt nhang mỗi sáng từ 6h - 7h và chiều tối từ 6h - 7 giờ, mỗi lần đốt 5 cây nhang. Thay nước uống khi đốt nhang, thay nước trong lọ hoa, và chưng thờ nải chuối chín vàng.

Tránh để các con vật chó mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài.

Hàng tháng thường lau bàn thờ, tắm cho Thần Tài vào ngày cuối tháng và ngày 14 âm lịch với nước lá bưởi, hay rượu pha nước. Khăn lau và tắm cho Thần Tài không được dùng vào việc khác.

Thỉnh Thần Tài

Khi thỉnh tượng Thần Tài ngoài cửa hàng về cần gói bọc trong giấy đỏ, hoặc trong hộp sạch sẽ, mang vào chùa nhờ các Sư trong chùa “Chú nguyện nhập Thần”, và nhờ các Sư chọn cho ngày tốt đem về nhà để an vị Thần Tài (kể cả ông Địa cũng vậy).

Về nhà dùng nước lá bưởi rửa và đặt lên bàn thờ, mua các đồ cúng về cúng khấn là được, lần sau cúng vái bình thường.

Sự tích Thần Tài xuất phát từ Trung Quốc. Ai muốn thờ Thần Tài đều phải thực hiện như trên, Thần Tài mới có linh khí, nếu không thì cũng chỉ như bức tượng bình thường.

Khi thỉnh Thần Tài cũng có Thần Tài hợp với gia chủ, cũng có Thần Tài không hợp với gia chủ, chọn tượng Thần Tài mặt tươi cười, mặt sáng sủa, tượng không bị nứt, vỡ, nhìn tượng toát lên vẻ phú quý.

Việc cầu xin tài lộc được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào lòng thành của gia chủ, phước đức và số vận của gia chủ.

Thần Tài không thể cho hay biếu người khác, phải tự gia chủ thỉnh về.

Đặt bàn thờ Thần Tài

Bàn thờ Thần Tài đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính.

Thần tài là vị Thần cai quản về tiền bạc và của cải.

Theo tín ngưỡng dân gian, Thần tài mang lại tiền bạc hay của cải cho mỗi gia đình, nên mỗi gia đình, nhứt là gia đình mua bán hay kinh doanh đều có bàn thờ Thần tài, đốt nhang nghi ngút để cầu xin Thần tài cho mua may bán đắt, trúng mối lời nhiều, đem lại nhiều tiền bạc sung túc.

Người đời rất quí trọng tiền bạc nên rất quí trọng Thần tài. Những nhà kinh doanh đều có lập bàn thờ Thần tài rất long trọng, đặc biệt bàn thờ Thần tài không được đặt trên cao mà phải đặt ngay trên mặt gạch nền nhà.

Tục thờ Thần tài được người Tàu truyền cho dân ta. Người Tàu sang nước VN làm nghề buôn bán trở nên giàu có, mỗi nhà người Hoa đều có thờ Thần tài nên người Việt thấy vậy bắt chuớc theo. Nhiều nhà không có thờ phượng Trời Phật chi hết mà lại thờ Thần tài.

Sự tích của Thần tài: có nhiều sự tích nhưng dân gian thường nhắc hai sự tích sau đây:

1. Thần tài là một cô gái tên là: Như Nguyện.

Ngày xưa, có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi thuyền qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà. Sự buôn bán từ ngày đó trở đi càng ngày càng phát đạt, chỉ trong vòng vài năm mà Âu Minh trở thành một nhà giàu có lớn.

Một hôm, vào Tết Nguyên đán, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyện làm nó sợ hãi, chui vào đống rác trốn mất.

Kể từ đó, việc buôn bán của Âu Minh bắt đầu thua lỗ sa sút, chẳng bao lâu thì sạt nghiệp, trở nên nghèo khổ.

Người ta cho rằng, Như Nguyện là Thần tài. Lúc Âu Minh nuôi Như Nguyện trong nhà thì Thần tài ủng hộ nên làm ăn phát đạt. Tới khi Như Nguyện bị đánh rồi bỏ đi thì Thần tài không còn chiếu cố Âu Minh nữa nên làm ăn sa sút, thất bại.

Do sự tích nầy, người ta có tục kiêng cử quét rác và hốt rác trong ba ngày Tết, sợ Thần tài không có chỗ ẩn trốn mà đi nơi khác thì việc làm ăn trong năm sẽ bị xui xẻo thất bại.

Cũng do sự tích nầy mà người ta lập bàn thờ Thần tài sát nền đất hay nền gạch, không đặt cao như các bàn thờ khác, và đặt ở góc nhà hay nơi hàng hiên.

Nhưng trong thực tế, người ta thường gọi là Ông Thần tài chớ không ai gọi là Bà Thần tài, nên sự tích Thần tài là cô gái Như Nguyện chưa hẳn là chính xác.

2. Thần tài là ông Triệu Công Minh:

Ông Triệu Công Minh ở đây không phải là Triệu Công Minh trong truyện Phong Thần hay trong truyện Bắc Du Chơn Võ, mà là một người dân ở núi Võ Đang bên Tàu.

Truyện dân gian Trung quốc kể rằng: ở vùng núi Võ Đang có một ông già tên là Triệu Công Minh nhà rất nghèo. Ngày ngày, ông xách giỏ đi khắp nơi xin quần áo cũ để mặc và xin cơm cặn canh thừa để ăn. Nghèo đến thế nhưng ông lão có nuôi một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng. Gần đấy có một ông phú hộ, gọi là Tiền Viên Ngoại, tánh rất xa xỉ và bất nhân, cơm ăn không hết thì đem đổ xuống cống, áo mặc cũ rồi thì bỏ vào đống rác. Ông lão nghèo họ Triệu thấy vậy mới lượm gom hết các quần áo cũ đem phân phát cho những người nghèo, hốt các canh thừa cơm cặn ấy về nuôi chó và vịt.

Bỗng một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, còn con chó già thì khạc ra 10 thoi bạc. Từ đó thành lệ, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc cho lão Triệu. Lão Triệu trở nên rất giàu có, trong lúc Tiền Viên Ngoại thì càng lúc càng nghèo vì tánh xa xỉ. Một thời gian sau, Tiền Viên Ngoại phải đi ăn xin, khi gặp lại Triệu Công Minh, lão Viên cảm thấy rất xấu hổ. Họ Triệu thông cảm, giúp cho lão Viên một số tiền khá khá đủ làm vốn liếng làm ăn, nhưng Lão Viên quen tánh tiêu xài xa xỉ nên dần dần hết vốn, trở nên nghèo khổ. Lão Viên lại sanh ác tâm, thấy họ Triệu giàu lớn như vầy bèn tính giết Triệu Công Minh để chiếm đoạt tài sản. Lão Viên thừa lúc vắng vẻ, lén đốt nhà của Triệu cháy ra tro, nhưng họ Triệu không chết, con vịt biến thành chim Phụng bay vút lên trời, con chó già biến thành con cọp đen xông ra cắn chết lão Viên, tất cả vàng bạc của Triệu đều hóa thành đá, và Triệu Công Minh biến thành Thần Tài. Dân chúng lập miểu thờ Triệu Công Minh gọi là Thần tài miếu.

Chúng ta không thể xác định được người VN thờ Thần tài vào lúc nào, bởi vì như trên đã nói, việc thờ Thần tài là do người VN bắt chước các Hoa kiều, như thế những người VN thờ Thần tài chắc chắn là những người thường làm ăn buôn bán với các Hoa kiều.

Việc thờ Thần tài trong mỗi gia đình khiến cho người ta sáp nhập Thần tài vào các Thần bản gia như: Thổ địa, Ông Địa, Ông Táo.

Do đó, người Tàu làm ra một tấm bài vị gộp chung các danh hiệu của các vị Thần bản gia để thờ, mà người ta thường gọi là "bài vị Thần tài", và chúng ta thấy bài vị nầy được thờ ở hầu hết trong các tiệm quán, nhà buôn, ở các văn phòng công ty và xí nghiệp.

Bài vị Thần tài được vẽ trên một tấm kiếng, nền sơn đỏ, tất cả đều là chữ Hán màu nhũ vàng, vẽ một cái cổng mà hai trụ có rồng quấn, trên cổng có tấm bảng đề "TỤ BẢO ĐƯỜNG" nghĩa là ngôi nhà có tụ lại những thứ quí báu, phía dưới có vẽ một cái TỤ BẢO BỒN là cái chậu huyền diệu chứa của báu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật