Cảnh báo phạm tội từ mâu thuẫn gia đình

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những vụ thảm án từ một số gia đình bất hạnh với tính chất cuồng bạo và mức độ nguy hiểm có chiều hướng gia tăng đã không khỏi gây rung động và bàng hoàng trong dư luận. Thực trạng đau xót này chính là hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức trầm trọng, cũng như sự băng hoại các giá trị văn hóa gia đình.
Cảnh báo phạm tội từ mâu thuẫn gia đình
Xa Văn Hiệp giết vợ vì mâu thuẫn gia đình.

Ðành rằng, ở thời nào cũng thế, mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình là điều khó tránh khỏi. Những mâu thuẫn ấy có thể xuất phát từ sự bất đồng quan điểm, từ tranh giành quyền lợi về đất đai, tiền bạc, hay từ lối sống phóng túng, không chung thủy... Nhưng điều chúng ta cần suy ngẫm là ở chỗ: tại sao các hành động mất tính người trong gia đình lại gia tăng cả về tần suất và mức độ, từ những lý do khó lòng dung thứ?

Bi kịch gia đình

Nửa cuối năm 2013, dư luận Quảng Nam rất bàng hoàng trước thông tin về hai vụ án mạng xảy ra tại địa bàn mà hung thủ và nạn nhân đều là cha-con. Còn nhớ, khi vụ án Nguyễn Thành Hợp (1994, trú xã Trà Bui, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) đánh chết cha ruột xảy ra ngày 28-8-2013 chưa kịp lắng thì đến ngày 12-10-2013, dư luận lại kinh hoàng về vụ án Nguyễn Văn Tiến (1947, trú TP Hội An, Quảng Nam) dùng dao đâm chết con ruột. Sau khi bị CQĐT bắt, cả hai hung thủ đều được người thân và hàng xóm làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng giảm hình phạt, bởi theo họ, nạn nhân mới là người có lỗi.

Vậy nguyên nhân nào khiến Nguyễn Thành Hợp thành kẻ thủ ác? Được biết, do Hợp thường xuyên bị cha chửi mắng, đuổi ra khỏi nhà. Hôm xảy ra án mạng cũng vậy, sau khi chửi Hợp, ông Nguyễn Thành Be (cha Hợp- đều là người dân tộc thiểu số) bảo: “Nếu mày không đi, tao sẽ cầu thần linh để đứa con trong bụng vợ mày chết!”, rồi ông Be quay sang phá hỏng chiếc giường của Hợp. Bao uất ức bấy lâu ứ nghẹn trong lòng, không kìm được, Hợp liền cầm đoạn tre đánh cha ruột đến tử vong.

Còn Nguyễn Anh Linh (1980), trước khi bị cha ruột sát hại đã có hàng loạt hành động hung hãn, trái đạo lý. 21 giờ hôm đó, sau khi bù khú với đám bạn, Linh về nhà và tuôn những lời lẽ hỗn xược, tục tĩu với cha mẹ mình. Chưa hết, Linh còn đập bàn, xô tủ và dọa phá bàn thờ ông bà, đã vậy khi ông Tiến ngăn cản thì bị Linh vật xuống đất và bóp cổ. Vì đã nhiều lần bị con đánh nên lần này, ông Tiến quá phẫn uất đã dùng dao trút nỗi căm giận vào đứa con...

Hoặc như vụ án mạng cũng xuất phát từ mâu thuẫn gia đình xảy ra ngày 14-8-2013 tại H. Thăng Bình (Quảng Nam) đã khiến một gia đình trẻ tan nát. Vốn đã nhiều lần mâu thuẫn, cộng thêm việc chị Bùi Thị Mộng Ly (1992, trú xã Bình Sa, H. Thăng Bình) muốn ly hôn nên Xa Văn Hiệp (1982) đã nhẫn tâm đâm chết vợ mình. Hiệp tước đoạt mạng sống của vợ khi đứa con của họ chưa đầy 7 tháng tuổi. Trong đám tang người mẹ trẻ vắn số, không chỉ có tiếng nấc nghẹn của người thân mà còn có cả tiếng khóc xé lòng của đứa bé đang khát sữa mẹ. Thương xót cho số phận chị Ly bao nhiêu thì những người hàng xóm lại căm phẫn về con người của Hiệp bấy nhiêu, bởi Hiệp không chỉ là kẻ bất nhân, bất nghĩa với vợ mà còn là đứa con bất hiếu. Hàng xóm cho biết, một tháng trước đó, Hiệp đã đánh mẹ ruột gãy tay và đốt xe máy của cha ruột.

Cũng là vụ án chồng giết vợ, giữa tháng 12-2013, TAND tỉnh Quảng Nam đã xét xử bị cáo Trần Ngọc Tranh (1955, trú xã Phú Thọ, H. Quế Sơn, Quảng Nam) do đã có hành vi giết bà Lê Thị Thuận (1954). Trong vụ án này, đành rằng đã ly hôn nhưng giữa họ vẫn mấy chục năm tình nghĩa vợ chồng và có những đứa con chung. Thế nhưng, chỉ vì uống rượu trộm của hàng xóm mà bà Thuận đã bị ông Tranh đánh chết.

Trần Ngọc Tranh (x) thực nghiệm điều tra hành vi giết vợ cũ.

Trách nhiệm cộng đồng

Những vụ án trên cho thấy, đã và đang xuất hiện tình trạng tha hóa về đạo đức và khủng hoảng giá trị sống trong gia đình. Một điều đáng lưu ý, các mâu thuẫn trên đã âm ỉ rất lâu nhưng không có sự can thiệp kịp thời từ những thành viên khác trong gia đình hay từ hàng xóm, bạn bè, tổ hòa giải. Việc ông Be đánh đuổi con, Nguyễn Anh Linh chửi mắng cha mẹ hay mâu thuẫn của vợ chồng Hiệp- Ly làng trên xóm dưới đều biết, nhưng không có cá nhân, tổ chức, đoàn thể nào đưa ra biện pháp ngăn chặn hoặc phối hợp đấu tranh. Chính vì vậy, mâu thuẫn ngày một sâu sắc và trở thành đỉnh điểm với kết cục người chết, kẻ vào tù.

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, lối sống, ứng xử của ông bà, cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành nhân cách và đặc điểm của con trẻ. Vì vậy, các bậc ông bà, cha mẹ cần phải có lối sống văn hóa, ứng xử đúng mực, kính trên nhường dưới, có trách nhiệm làm gương cho con cháu học tập, noi theo. Như thế mâu thuẫn gia đình sẽ khó có cơ hội nảy sinh, và nếu có nảy sinh thì chắc rằng mâu thuẫn sẽ được xoa dịu, giải quyết tích cực. Do đó, bên cạnh việc nâng cao giá trị văn hóa gia đình, cần phải thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa gia đình với cộng đồng xã hội. Việc giữ gìn truyền thống “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” hay các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khối phố văn hóa sẽ góp phần giáo dục nhân cách, lối sống, phẩm chất đạo đức cho công dân, hạn chế được mâu thuẫn xảy ra. Khi phát hiện mâu thuẫn, các tổ hòa giải, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cần sớm vào cuộc nhằm tháo gỡ, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong các gia đình, không để nảy sinh bi kịch.

Việc giải quyết mâu thuẫn gia đình không phải là việc của từng gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội và phải lấy việc xây dựng một nền giáo dục mang tính nhân văn đích thực đặt lên hàng đầu, trong đó bắt đầu từ mỗi gia đình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật